VnReview
Hà Nội

Đã đến lúc Apple tự làm chip máy tính của riêng mình

Trong khi các hãng như Microsoft, Lenovo, và Huawei đang đổi mới với những thiết kế và concept nhằm đưa PC hướng đến tương lai, thì laptop của Apple vẫn đang mắc kẹt trong quá khứ dù hiệu năng ngày một cao. Để thay đổi điều này, Apple cần kiểm soát thành phần quan trọng nhất của MacBook Pro: vi xử lý.

Apple giới thiệu MacBook Pro mới hôm thứ 5 vừa qua, với nhiều nâng cấp hấp dẫn đã được dự đoán trước: vi xử lý Intel thế hệ 8 mạnh mẽ, RAM DDR4 tối đa 32GB, và bàn phím mới yên tĩnh hơn.

Máy còn có một viên pin lớn hơn, nhưng trước khi bạn hào hứng về điều đó, thì thực ra viên pin này chẳng giúp máy hoạt động lâu hơn so với trước đây là bao. Chiếc MacBook Pro mới có thời lượng pin như năm ngoái, "lên đến 10 tiếng lướt web và xem phim qua iTunes bằng kết nối không dây" (nhưng chẳng bao giờ bạn đạt được con số đáng mơ ước đó đâu). Bất kỳ ai đang sử dụng Mac để duyệt web qua Wi-Fi có lẽ không nên phí phạm 2.000 USD cho một chiếc MacBook Pro.

Dòng máy này được cập nhật chủ yếu về mặt tốc độ. Apple khẳng định hiệu năng máy tăng đến 70% đối với mẫu MacBook Pro 15-inch và 100% đối với mẫu 13-inch, những con số chắc chắn sẽ khiến nhóm đối tượng khách hàng của hãng cảm thấy hào hứng.

Thế nhưng, MacBook Pro sẽ chẳng để lại dấu ấn gì trên thị trường laptop, ít nhất trong 1 năm tới. Trong khi các thương hiệu khác như Microsoft, Lenovo, và Huawei đang cải tiến với những thiết kế và concept hướng PC đến tương lai, thì laptop của Apple vẫn mắc kẹt trong quá khứ dù hiệu năng được cải thiện. Nếu muốn thay đổi, Apple cần phải nắm quyền kiểm soát thành phần quan trọng nhất trên MacBook Pro: vi xử lý.

Một con chip để thống trị tất cả

Chip dòng A của Apple, không thể bàn cãi, chính là thành phần quan trọng nhất của iPhone. Nó không chỉ mang lại tốc độ giúp iPhone X vượt qua các đối thủ Android, mà còn cho phép Apple cải tiến trên nhiều lĩnh vực khác. Nếu Apple không sử dụng những vi xử lý "nhà làm, ngon như nhà làm", chúng ta sẽ không có Face ID, không có thiết kế viền siêu mỏng trên iPhone X, hay không có thời lượng pin cả ngày dài. Và chúng ta cũng chẳng có khả năng đồ họa mạnh mẽ để hỗ trợ các tựa game "khủng" và các ứng dụng AR.

Chip Apple T2 cho thấy những gì Apple có thể thực hiện được với một vi xử lý tùy biến

Chip A11 Bionic cho phép Apple tối ưu hóa hệ thống, không chỉ về mặt tốc độ, mà còn về mặt tiết kiệm năng lượng, quản lý nhiệt, và tính ổn định nhằm mang lại những cải tiến xuyên suốt mọi mặt của điện thoại. Các vi xử lý dòng A của Apple đi kèm với nhiều con chip đặc sắc, như chip Bluetooth W1, chip bảo mật Secure Enclave, và vi xử lý dòng S của Apple Watch, tất cả đều hoạt động song hành với vi xử lý lõi của iPhone để tạo ra một hệ thống liền lạc và bảo mật không thiết bị Android nào có thể có.

Nhưng dù Apple trang bị cho MacBook Pro và iMac Pro chip tùy biến T1 và T2, chúng ta lại không thấy được những cải tiến rõ nét. Đáng kể nhất (và cũng gây tranh cãi nhất) là Touch Bar, còn ngoài ra, chip của Apple chủ yếu thực hiện các tác vụ vốn trước đó đã được xử lý bởi các trình điều khiển khác, như bảo mật, âm thanh, và xử lý camera FaceTime. Trên MacBook Pro mới, chip T2 còn tăng cường bảo mật và cho phép tính năng Hey Siri như trên iPhone. Tất cả đều có vẻ tốt, nhưng so với những cải tiến toàn hệ thống mà chúng ta có được với mỗi đời iPhone mới thì lại chẳng đáng là bao.

Tụt dốc vì chip Intel

Trừ Touch Bar, Apple không có một tính năng mới thú vị nào dành cho các laptop của mình từ vài năm trở lại đây. Trong khi Microsoft tiếp tục mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ với dòng tablet lai Surface, còn Huawei thì thử nghiệm viền màn hình siêu mỏng cùng bàn phím chống nước, MacBook chỉ bước những bước nhỏ, chủ yếu bởi Apple đang phải đấu tranh với việc sử dụng vi xử lý Intel. Intel giải quyết phần lớn các vấn đề cho các đối tác PC, nhưng hệ thống macOS khiến Apple phải tự giải quyết một mình trong việc tích hợp và tối ưu hóa các con chip mới nhất, từ đó rất khó để đưa ra các mẫu máy mới tận dụng được những lợi thế của kiến trúc chip mới nhất.

Với màn hình True Tone, lượng RAM không kể xiết, và eGPU của BlackMagic, bản cập nhật MacBook Pro mới vừa qua cho thấy Apple thực sự quan tâm đến sản phẩm Mac chuyên nghiệp của mình. Nhưng nó cũng cho thấy laptop Apple đang tụt xa như thế nào. Chip Intel mới nhất rất tốt, và tốc độ được cải thiện sẽ đảm bảo các nhà phát triển và các chuyên gia sử dụng MacBook Pro vui vẻ trong 12 tháng tới, nhưng một chiến binh từng thuộc loại mạnh mẽ bậc nhất trên thị trường nay lại chỉ còn là một "lựa chọn khác" dành cho những người đã chán ngán Windows. Không có gì về chiếc MacBook Pro mới thu hút được người dùng mới, và điều này có lẽ sẽ chẳng thay đổi cho đến khi Apple kiểm soát được toàn hệ thống.

Một vi xử lý tùy biến có thể mở ra cả một thế giới đầy cơ hội cho Mac. Nó không chỉ cho phép Apple tăng tốc độ và khả năng tiết kiệm điện lên nhiều lần, giúp MacBook có thể thoải mái trụ vững trong một ngày và thách thức những laptop chuyên game đỉnh cao, mà còn cho phép hãng cung cấp các bản cập nhật theo ý muốn, mang đến cho Mac những cải tiến hấp dẫn như đối với iPhone. Ngay cả khi chúng ta không bao giờ có được một chiếc Mac lai mà mọi người đều muốn, thì những nâng cấp liên quan Siri, học máy, và khả năng tương tác với iOS mà một vi xử lý tùy biến của Apple có thể mang đến cho Mac sẽ đưa nó lên một tầm cao mới, trong khi vẫn đảm bảo cho người dùng chuyên nghiệp tốc độ mà họ cần.

Intel Outside

Đầu năm nay, một tin đồn từ Bloomberg cho rằng Apple quả thực đang phát triển một vi xử lý tùy biến cho máy Mac, bắt đầu với Macbook và MacBook Air. Mục tiêu của hãng là tung ra chiếc Mac đầu tiên sử dụng vi xử lý Apple vào năm 2020, tức quá trình này sẽ khá chậm, và MacBook Pro có lẽ sẽ là dòng máy cuối cùng được nâng cấp.

Nghe có vẻ khá hợp lý. Apple không chia nhỏ doanh số của Mac, nhưng không khó để đoán rằng phần lớn các notebook hãng bán được là dòng Pro, với tốc độ xử lý nhanh và màn hình đẹp hơn nhiều so với các mẫu giá rẻ. Nhưng dòng MacBook Pro vẫn còn có thể cải tiến được. Form factor của MacBook Pro thực ra lại là một rào cản đối với tốc độ tối đa của chip Intel nó sử dụng. MacBook Pro mới của Apple có thể nhanh hơn nhiều so với các đời trước, nhưng chúng vẫn chậm hơn so với các notebook PC nhanh nhất bạn có thể mua, ngay cả khi bạn chọn chiếc MacBook Pro với cấu hình cao cấp nhất, giá 6.700 USD.

Đã từng có thời điểm mà những thứ như màn hình 17-inch, bàn phím backlit, và trackpad, là tiêu điểm cho những cải tiến laptop của Apple - những điểm mạnh nay đã không còn nữa. Và cho tới khi Apple lấy lại quyền kiểm soát vi xử lý từ Intel, MacBook Pro sẽ còn tiếp tục dậm chân tại chỗ.

Minh.T.T

Chủ đề khác