VnReview
Hà Nội

Google đang hợp tác với Tencent để trở lại Trung Quốc?

Cả Google lẫn Facebook vào lúc này đang đặt việc trở lại thị trường Trung Quốc làm một trong những ưu tiên hàng đầu. Đối với Google, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy gã khổng lồ tìm kiếm đang thực hiện điều này thông qua hợp tác với Tencent và thậm chí là cả Alibaba.

Theo TechNode, vào ngày 1/8 mới đây, một nguồn tin cho biết Google đã lên kế hoạch tung ra một phiên bản bộ máy tìm kiếm của chính mình dành riêng cho Trung Quốc với phương thức hoạt động tuân thủ các quy chế an ninh mạng của nước này. Dự án này - dựa trên các tài liệu nội bộ bị rò rỉ từ Thung lũng Silicon - có tên mã là Drgonfly, được triển khai từ mùa xuân năm ngoái và đang tăng tốc về đích sau một cuộc họp vào tháng 12/2017 giữa CEO Google Sundar Pichai cùng một viên chức chính phủ cao cấp của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đầu ngày hôm nay, trang tin China Securities Daily lại cho biết các cơ quan chính phủ Trung Quốc có thẩm quyền liên quan đã từ chối thông tin nêu trên. Nhưng việc người phát ngôn của các tổ chức và chính phủ Trung Quốc từ chối các thông tin có thật không phải là chuyện lạ, và trên thực tế, các nhà báo tại nước này thường đùa rằng ở Trung Quốc, ngoài những tin đồn bị từ chối một cách dứt khoát thì có rất ít thứ có thể tin được!

Mối liên hệ với Tencent

Đây không phải là lần đầu tiên Google tìm cách xâm nhập thị trường Trung Quốc. Chưa đầy 10 năm trước, Google từng thống trị thị trường đông dân nhất thế giới này, nhưng rồi một chuỗi những xung đột với các nhà làm luật chính phủ liên quan vấn đề an ninh thông tin, cùng một đợt tấn công mạng nguy hiểm, đã buộc Google phải chấp nhận từ bỏ tham vọng tại đây. Từ đó đến nay, Google chỉ duy trì sự hiện diện tối thiểu ở Trung Quốc, nhưng cũng đã thực hiện nhiều nỗ lực để tìm cách quay lại.

Mới đây nhất, có một lý do để tin rằng Google đang nhận được sự giúp đỡ của ông trùm Internet Trung Quốc là Tencent. Dù chỉ là dự đoán, nhưng các chứng cứ đang lộ diện ngày một rõ hơn, cho thấy hai công ty đang xích lại gần nhau hơn:

- Vào tháng 1/2018, công ty mẹ của Google và Tencent công bố một thỏa thuận về bằng sáng chế mà họ nhấn mạnh rằng sẽ "dọn đường cho việc hợp tác công nghệ trong tương lai", báo hiệu một viễn cảnh đối tác lâu dài hơn sau này.

- Cũng trong tháng 1, Google đã mở một văn phòng tại Thâm Quyến - nơi đặt trụ sở của Tencent.

- Vào tháng 6, Google công bố khoản đầu tư trị giá 550 triệu USD vào JD.com, một công ty thương mại điện tử Trung Quốc mà Tencent cũng có đầu tư và là một đối tác thường xuyên. Cộng đồng công nghệ Trung Quốc cho rằng JD là một trong những thành viên mạnh và trung thành nhất của "đội Tencent", bên cạnh một công ty di động khác đang lên là Meituan Dianping. Khi khoản đầu tư vào JD này được công bố, Josh Horwitz của trang tin Quartz đã suy đoán rằng Google sẽ sớm gia nhập liên minh JD/Tencent.

- Vào tháng 7, Google tung ra chương trình WeChat Mini. WeChat vốn là một nền tảng của Tencent, do đó điều này đánh dấu một bước hợp tác khác giữa Google và một chủ thể liên quan đến Tencent.

- Hôm nay, trang tin The Information đưa tin rằng Google còn đang phát triển một ứng dụng tin tức dành cho Trung Quốc. Đây là một động thái rất đáng chú ý bởi ứng dụng tin tức phổ biến nhất Trung Quốc hiện tại là Jinri Toutiao, sở hữu bởi Bytedance - một siêu kỳ lân Trung Quốc có hiềm khích công khai với Tencent. Sức mạnh của Bytedance nằm ở bộ máy đề xuất nội dung, một lĩnh vực mà Google rất mạnh. Bằng cách hợp tác với Google, Tencent có thể đánh bại Bytedance ngay trên sân nhà của họ.

- Cuối cùng, có một sự thật đơn giản là hai ông lớn công nghệ này dường như sinh ra để bổ sung cho nhau. Google từ lâu đã chật vật trong việc xây dựng các nền tảng mạng xã hội, Tencent mạnh về khoản này. Tencent, ngược lại, chật vật trong khoản tìm kiếm (hãng này từng đầu tư vào bộ máy tìm kiếm trong nước là Sogou, khá tốt, nhưng kém xa Google). Trong bối cảnh Tencent tìm cách xây dựng chiến lược toàn cầu hóa cua mình, họ sẽ phải tìm một đối tác, và không ai tốt hơn công ty đang "một tay nắm phần lớn Internet toàn cầu".

Liệu sẽ có "Liên minh huyền thoại" Google - Tencent?

Facebook và Alibaba thì sao?

Facebook cũng bị chặn ở Trung Quốc, và như Google, họ cũng đang tìm cách quay lại bằng chiến lược hợp tác với một ông lớn công nghệ Trung Quốc. Vào tháng 7, gã khổng lồ truyền thông xã hội đã đăng ký một công ty con được tài trợ toàn diện, nhưng đã bị chặn lại vì những vấn đề với các nhà làm luật cấp quốc gia của Trung Quốc. Điều thú vị liên quan công ty con xấu số này là địa điểm của nó: Hàng Châu, nơi đặt trụ sở của Alibaba, đối thủ của Tencent.

Dù lịch sử hợp tác giữa hai công ty này là rất ít ỏi, nhưng không phải hoàn toàn bất hợp lý. Việc Facebook hợp tác với Alibaba sẽ giúp cả hai phản đòn từng đối thủ lớn nhất của họ, đồng thời đáp ứng những nhu cầu riêng lẫn nhau. Facebook cần một đối tác có tiếng tăm ở Trung Quốc để chiếm lòng tin từ phía chính quyền. Alibaba, dù có tiềm lực mạnh mẽ, nhưng luôn chật vật khi tiến đánh lĩnh vực truyền thông xã hội, nơi Tencent đang làm mưa làm gió. Khi Alibaba mở rộng ra toàn cầu, hợp tác với một công ty nắm trong tay hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới chắc chắn sẽ giúp mảng kinh doanh thương mại điện tử và dịch vụ đám mây phát triển mạnh mẽ hơn.

Hãy chờ xem

Vẫn còn quá sớm để biết chắc liệu và làm cách nào những liên minh này hoạt động, nhưng không bàn cãi gì nữa, các công ty này rõ ràng đang tìm cách liên hệ lẫn nhau, và nếu Google và Facebook thực sự nghiêm túc trong việc trở lại Trung Quốc, những thông tin đồn đoán nêu trên là hoàn toàn hợp lý. Xét cho cùng, chính quyền Trung Quốc vẫn thoải mái hơn nếu các công ty nước ngoài hoạt động tại đây dưới hình thức hợp tác liên kết với các công ty trong nước. Chúng ta có lẽ sẽ được chứng kiến sự hình thành của một mẫu hình mới của những mối quan hệ đối tác này, dành riêng cho thời đại kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, liệu DNA của những nền văn hóa rất khác biệt với nhau này có thể cùng tồn tại hay không? Nguyên tắc hoạt động của Google và Facebook từ lâu đã trái ngược với các công ty thống trị Internet Trung Quốc. Tất cả sẽ phải chấp nhận những thỏa hiệp trong nguyên tắc từ các bên tham gia. Có lẽ họ sẽ tìm ra cách nào đó để hòa nhập, hoặc có lẽ sẽ như nước với dầu vậy. Chỉ có thời gian mới trả lời được.

Minh.T.T

Chủ đề khác