VnReview
Hà Nội

Từ Mac đến iPod và các ứng dụng: Apple đã cách mạng hóa công nghệ như thế nào?

Hơn 42 năm qua, Táo khuyết đã tạo ra cả một "nền kinh tế ứng dụng" và đặt mình vào trung tâm của nền kinh tế đó.

Rất ít công ty có thể thay đổi thế giới, và càng ít hơn những công ty có thể làm điều đó hơn một lần. Apple là một trong số đó, với một chuỗi các sản phẩm trong hơn 42 năm hình thành và phát triển, góp phần cách mạng hóa điện toán máy tính, khuyến khích các ngành công nghiệp phát triển và tái định hình xã hội.

Chiếc máy tính đầu tiên của hãng, Apple I, đã bán được vài trăm sản phẩm, không đủ để gây ấn tượng với một trường trung học nhỏ. Nhưng đến chiếc Apple II vào năm 1977, mọi chuyện đã khác.

Những cải tiến trên chiếc Apple II có sức ảnh hưởng rất lớn. Chiếc máy tính này được đặt trong một bộ vỏ nhựa bóng bẩy, trông như những thiết bị điện gia dụng trong nhà bếp vậy. Nó có một bàn phím tích hợp sẵn giúp việc nhập liệu chẳng khác gì một giấc mơ; đồng thời còn có một jack RF cho phép người dùng cắm vào một chiếc TV chuẩn thời đó để xuất hình ảnh, biến Apple II trở thành một cỗ máy "sẵn sàng để chạy". Toàn bộ những thứ này có giá "chỉ" 1.298 USD.

Chừng đó đã đủ để biến cỗ máy này thành "flagship" của Apple trong hơn 5 năm. Tại sao lại lâu vậy? Apple thực ra đã không ít lần tìm cách thay thế Apple II, như tung ra Apple III, hay chiếc máy tính Lisa - một ví dụ sơ khai về một chiếc máy tính với giao diện đồ họa người dùng, nhưng tất cả đều gặp những khó khăn nhất định. Cuối cùng, đến tận năm 1984, khi công ty tung ra chiếc Macintosh, thì kẻ kế nhiệm xứng đáng của Apple II mới xuất hiện.

Giống Apple II, những cải tiến mà Macintosh giới thiệu với thế giới xuất phát từ nhận thức khá muộn màng của Apple. Hãng vay mượn giao diện đồ họa người dùng từ chiếc Lisa, nhưng giảm giá đến 75% để có thể có được sự phổ biến mà Apple II đã từng đạt được.

Những ngành công nghiệp mới đã chuyển hướng nhắm vào công nghệ của Apple, và hãng nhanh chóng xây dựng được danh tiếng trên lĩnh vực xuất bản và nghệ thuật kỹ thuật số mà đến ngày nay vẫn không hề thay đổi. Năm 1987, Quark Inc tung ra phần mềm dàn trang QuarkXpress dành riêng cho Macintosh.

Năm 1990, Adobe Systems tung ra Photoshop, dành riêng cho Macintosh. Năm 1985, một năm sau khi Macintosh ra mắt, công ty phần mềm Aldus tung ra PageMaker, một phần mềm xuất bản trên desktop, cũng dành riêng cho Macintosh. PageMaker sau đó đã được Adobe mua lại và bị thay thế bởi phần mềm InDesign vào năm 1999. InDesign là phần mềm được sử dụng để dàn trang nhiều website nổi tiếng, trong đó có trang The Guardian của Anh - và nó vẫn dành cho Mac.

Ngay cả vào thời điểm của Macintosh, sức mạnh của Apple đã trở nên rõ ràng. Công ty này không phải là một người tiên phong: Apple II không phải là chiếc vi máy tính đầu tiên, và Macintosh cũng không phải là chiếc máy tính đầu tiên có giao diện người dùng.

Thay vào đó, Apple là công ty chuyên biến những ý tưởng thành xu thế chủ đạo. Và đó là điều hãng này đã làm trong hầu như 20 năm sau khi Macintosh ra đời, với sản phẩm đã "tái sinh" Apple và dẫn hãng vào con đường trở thành công ty nghìn tỷ đô-la đầu tiên trên thế giới: chiếc iPod.

Khi iPod được công bố lần đầu vào năm 2001, phản ứng của phần lớn báo giới công nghệ là vô cùng thờ ơ. Rob "CmdrTaco" Malda, nhà sáng lập website công nghệ có tầm ảnh hưởng lớn là Slashdot đã kết luận: "Không có kết nối không dây. Ít không gian lưu trữ hơn cả chiếc Nomad. Thật chẳng đâu vào đâu".

Thời điểm này, máy nghe nhạc MP3 đã xuất hiện, như chiếc Nomad Jukebox của Malda, và xét về mặt công nghệ, chúng tốt hơn, được trang bộ ở cứng lớn hơn, pin thay thế được, và tương thích với cả Windows lẫn Mac (iPod phải đến một năm sau mới hỗ trợ Windows). Apple có gì để thu hút người dùng?

Câu trả lời khá hiển nhiên: chiếc iPad trông khá "chất", với bộ vỏ nhôm bóng bẩy có kích cỡ chỉ bằng một nửa so với các đối thủ, cùng một bánh xe xoay vật lý có thể chuyển đổi mượt mà giữa "1.000 bài hát trong túi bạn".

Đến năm 2003, đơn vị quảng cáo của Apple - Chiat/Day - đã đưa ra nhiều đoạn quảng cáo hình tượng dành cho iPod. Những quảng cáo này thành công đến nỗi chúng biến chiếc tai nghe màu trắng của iPod thành một biểu tượng của sự khao khát, mà theo cảnh sát Metropolitan thì chúng là nguyên nhân khiến số vụ cướp giật trên đường phố tăng lên 26% vào năm 2005.

iPad cũng tạo ra một cuộc cách mạng đối với tài sản của Apple, khiến giá cổ phiếu của hãng tăng gấp 5 lần trong 5 năm tiếp theo và là một liều thuốc phiện dụ dỗ người dùng Windows bước vào hệ sinh thái Mac. Nhưng nó cũng thay đổi căn bản Táo khuyết, biến công ty từ một hãng sản xuất máy tính thành một hãng thiết kế điện tử tiêu dùng.

Vào tháng 1/2007, Apple hoàn tất quá trình biến đổi này với công bố đổi tên từ Apple Computer thành Apple Inc. Cũng trong ngày đó, hãng tung ra một thứ khác: iPhone.

Steve Jobs, đồng sáng lập và CEO Apple vào thời điểm đó, đã công bố chiếc iPhone với thế giới như là 3 sản phẩm trong 1 "cơ thể" duy nhất: "một chiếc iPad màn hình rộng với điều khiển cảm ứng, một chiếc điện thoại di động mang tính cách mạng, và một thiết bị truyền thông Internet đột phá".

Đúng, iPhone lúc bấy giờ chỉ có vậy mà thôi, nhưng cũng đã quá đủ: vừa được tung ra vào tháng 6 năm đó, máy đã bán hết sạch dù có mức giá khởi điểm lên đến 499 USD kèm hợp đồng 2 năm của nhà mạng.

Nhưng cuộc cách mạng thật sự xuất hiện vào một năm sau đó - cách đây đúng 10 năm - khi Apple mở cửa App Store. Nếu iPhone là 3 sản phẩm trong 1 "cơ thể" trước khi có App Store, thì đến ngày 10/7/2008, nó không chỉ trở thành 4 hay 5 sản phẩm trong 1, mà là 500, mỗi sản phẩm tương ứng với một ứng dụng mới xuất hiện trên App Store vào ngày ra mắt. Bỗng nhiên, iPhone biến thành một chiếc máy chơi game và một công cụ chỉnh sửa hình ảnh, một nhạc cụ, và cả một...chiếc đèn pin!

Những ứng dụng đó, cùng với khả năng truy xuất Internet ngay trong lòng bàn tay, đã cách mạng hóa mọi thứ từ mua sắm đến sử dụng ngân hàng, đến mua vé tàu, đặt vé máy bay, trả tiền đỗ xe và đọc tin tức. Apple đứng đằng sau tất cả, thu một khoản "hoa hồng" bằng 30% lợi nhuận của mọi ứng dụng.

Tất nhiên, Apple không quên nguồn gốc của mình. Không như các hãng công nghệ đối thủ, Apple vẫn thu về một khoản tiền lớn từ việc sản xuất các thiết bị tuyệt vời, sau đó bán cho khách hàng với giá cực cao. Nhưng hiện nay, phần lớn lợi nhuận trong con số 10 tỷ USD mỗi quý lại đến từ mảng "dịch vụ", chủ yếu là phần "hoa hồng" của các ứng dụng và giấy phép Apple Music - và lợi nhuận này tăng gần 20% qua từng năm.

Apple không chỉ thay đổi một ngành công nghiệp: nó đang thay đổi cả thế giới, tái định hình mọi thứ vào một "nền kinh tế ứng dụng" và đặt chính mình vào trung tâm của nền kinh tế đó!

Minh.T.T

Chủ đề khác