VnReview
Hà Nội

Apple cán mốc 1 nghìn tỷ USD? Vậy thì sao?

Chúc mừng Apple! Họ đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới được định giá 1 nghìn tỷ USD, và vững chắc trên con đường trở thành "Công ty Đông Ấn Hà Lan thời hiện đại" (Công ty Đông Ấn Hà Lan là công ty đa quốc gia sử dụng cổ phiếu đầu tiên trên thế giới).

Sau khi cận kề phá sản, với hồi chuông báo tử vang lên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng, Apple tái bổ nhiệm nhà lãnh đạo đầy tầm nhìn của mình - Steve Jobs - vào chức vụ CEO vào năm 1997. Những gì diễn ra tiếp theo hẳn ai cũng biết. Apple thổi bay mọi chướng ngại với một chuỗi các "bom tấn" - iMac, iPod, MacBook, iPhone, và iPad chỉ là một vài cái tên nổi bật mà thôi - qua đó biến mình trở thành một hãng sản xuất hàng siêu sang không giống bất kỳ công ty nào trước đây. Tuy nhiên, từ khi Steve Jobs qua đời, CEO Tim Cook đã lèo lái Apple đi theo một hướng mới, khi mà đều đặn mỗi năm đều tung ra những sản phẩm chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với năm trước. Đây không phải là một hướng đi sai lầm, ít nhất là về mặt tài chính.

Vậy thì giá trị khổng lồ của Apple có ý nghĩa gì đối với thế giới? Có phải một công ty nghìn tỷ đô-la là một thành tựu sáng chói đối với loài người? Có lẽ là không. Nó có nghĩa là một vài người đã trở nên giàu có một cách lố bịch, và nhiều người khác đang ngồi trên một gia tài khổng lồ, bao gồm phần lớn đội ngũ giám đốc và ban quản trị công ty.

Nhưng với tất cả sự giàu có mà Apple đã tạo ra, lương thưởng của phần lớn người Mỹ, nơi quê nhà của Apple, vẫn dậm chân tại chỗ. Mức lương được điều chỉnh theo chỉ số lạm phát tăng chưa đến 2 USD/giờ kể từ khi công ty này phát hành cổ phiếu vào năm 1980. Apple đang ngồi trên khối tiền mặt (hoặc những tài sản tương đương) trị giá hơn 250 tỷ USD, nhiều đến nỗi họ chẳng còn hứng thú chi tiêu, trừ việc thâu tóm và chia cổ tức (lần thâu tóm lớn nhất của hãng là vào năm 2014, mua lại Beats với giá 3 tỷ USD).

Biểu đồ lương trung bình theo giờ của mọi công nhân tại Mỹ

Apple bắt đầu nói về lượng công việc và tài sản mà hãng đã tạo ra tại Mỹ. Có lẽ đây là phản ứng của công ty khi Tổng thống Donald Trump đề nghị họ phải đưa dây chuyền sản xuất iPhone trở lại Mỹ (dù nếu làm vậy, sản xuất sẽ tốn nhiều thời gian hơn và chi phí cao hơn), nhưng khả năng cao hơn, nguyên nhân trực tiếp của việc này là số tiền thuế khổng lồ mà chính quyền vị Tổng thống này miễn giảm cho Apple nhằm đưa hàng tỷ đô-la hãng này kiếm được từ nước ngoài về nước. Apple đã cam kết sẽ đầu tư 30 tỷ USD vào Mỹ trong 5 năm tới. Nên nhớ rằng hiện nay Apple có gấp 8 lần số tiền này!

Apple đã bắt đầu đổ hàng tỷ đô-la vào việc mua lại cổ phiếu do chính mình phát hành nhằm "chạy nước rút" trở thành công ty nghìn tỷ đô. Cho đến thời điểm này, hãng đã mua lại số cổ phiếu của chính mình trị giá 43,5 tỷ USD, và chỉ thực sự đẩy mạnh việc mua lại cổ phiếu này sau một số lời khiêu khích. Cựu ứng viên Tổng thống Mỹ Ralph Nader cho biết trong một sự kiện gần đây, hãng đã chi một phần rất nhỏ trong số cổ phiếu này để cải thiện đời sống của 350.000 công nhân lắp ráp iPhone tại các nhà máy Foxconn ở châu Á bằng cách thưởng cho họ một khoản hậu hĩnh, đặc biệt xét bối cảnh có lẽ sẽ sớm thôi, những công nhân này sẽ mất việc về tay robot. Hãng thậm chí có thể cắt giảm giá cả của các thiết bị bán ra - chiếc iPhone X cao cấp nhất hiện nay có giá khởi điểm lên đến 1.000 USD (hệ số lợi nhuận hoạt động của Apple hiện ở mức thấp nhất trong gần một thập kỷ, nhưng vẫn cao so với nhiều hãng khác, 26%).

Đừng nhầm, Apple đã tự mình vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp Mỹ. Họ tạo ra những sản phẩm hoạt động hoàn hảo, khiến mọi người đều yêu thích và thậm chí là bị ám ảnh. Và quan trọng hơn, Apple không chỉ bán cho khách hàng những sản phẩm như bao ông lớn trong ngành công nghệ khác. Apple rất coi trọng việc bảo vệ quyền riêng tư người dùng, đó là chính sách của công ty, và còn tìm cách giúp chúng ta hạn chế thời gian sử dụng điện thoại hơn. Nhưng cuối cùng, chúng ta, những người tiêu dùng, chính là những người đã giúp Apple giàu có như ngày hôm nay.

Nhưng sự tích lũy giàu có này đã làm được gì cho thế giới, cho nước Mỹ, và cho Apple? Khi Steve Jobs còn sống, mục tiêu của ông khi tạo ra những chiếc máy tính là biến chúng thành một "chiếc xe đạp cho tâm trí" - một thứ đòi hỏi phải nỗ lực để sử dụng, giúp chúng ta khỏe mạnh hơn, dân chủ hóa việc truy xuất nội dung, và thu hẹp thế giới. iPhone, không còn nghi ngờ gì nữa, đã khởi động một cuộc cách mạng giúp hầu hết người Mỹ và gần một nửa dân số thế giới có thể truy cập Internet cho dù họ ở đâu đi chăng nữa. Nhưng thay vì là một chiếc xe đạp, smartphone lại trở thành một máy đánh bạc, nơi chúng ta đổ thời gian và tiền bạc vào một cách thụ động, và đôi lúc - phải nói là hiếm khi - thu về được một điều gì đó thú vị.

Nhưng ít nhất Apple cũng đã tạo được cho mình một công trình riêng, một công trình mà thậm chí cả Ozymandias (một pharaoh Ai Cập, nổi tiếng với biệt hiệu Vua của các vị vua) cũng phải hổ thẹn. Bây giờ, họ sẽ tiếp tục hướng đến mục tiêu 2 nghìn tỷ USD!

Minh.T.T

Chủ đề khác