VnReview
Hà Nội

Facebook muốn ngân hàng cấp dữ liệu về thói quen mua sắm của người dùng

Facebook đang đề nghị các ngân hàng lớn ở Mỹ chia sẻ dữ liệu giao dịch của khách hàng, thói quen mua sắm và kiểm tra số dư tài khoản nhằm cho ra các dịch vụ tài chính mới.

Theo báo;The Wall Street Journal, mạng xã hội Facebook đang muốn hợp tác với các ngân hàng và công ty thẻ tín dụng để có thể cung cấp dịch vụ tiêu dùng mới cho người dùng thông qua một chatbot trong Messenger hoặc đơn giản chỉ là giúp người dùng quản lý tài khoản ngân hàng của họ ngay trong ứng dụng này.

Trước đó, một vài tính năng tương tự đã được tích hợp trên Messenger như American Express, Mastercard và PayPal. Nhưng không dừng lại ở đó, Facebook đang tìm cách mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều ngân hàng truyền thống hơn.

Đây được xem là một phần trong nỗ lực mở rộng ứng dụng Messenger của Facebook sang nhiều ứng dụng cốt lõi trong cuộc sống, nhằm giữ chân người dùng ở lại với nền tảng mạng xã hội của mình lâu hơn, thay vì chỉ để trò chuyện, nhắn tin đơn thuần. Sáng kiến ​​mới này xuất hiện sau khi Facebook báo cáo doanh thu quý với mức tăng trưởng chậm kỷ lục kể từ năm 2011.

Một số nguồn tin ẩn danh cho biết gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã tiến hành đàm phán với các ngân hàng bao gồm JPMorgan Chase, Citigroup, Wells Fargo và US Bancorp về những loại dịch vụ tài chính mà Facebook Messenger có thể cung cấp cho khách hàng.

Họ đang xem xét để tích hợp tính năng hiển thị số dư tài khoản ngay trong Messenger cùng một số cảnh báo nếu có bất kỳ sự cố nào về tài khoản ngân hàng của người dùng. "Mọi người có thể theo dõi các dữ liệu giao dịch của họ như số dư tài khoản, biên nhận và tình trạng giao hàng", Facebook nói.

Tuy nhiên, vụ bê bối dữ liệu Facebook-Cambridge Analytica gần đây với hơn 87 triệu người dùng bị ảnh hưởng đã phần nào làm cho uy tín của mạng xã hội này giảm sút. Và các ngân hàng cũng lo ngại về việc Facebook sẽ bảo mật dữ liệu tài chính của người dùng ra sao, nhất là khi ngày càng có nhiều hacker muốn lấy cắp dữ liệu người dùng Facebook như hiện nay.

Thậm chí, bài báo còn cho biết một ngân hàng đã ngừng đàm phán với Facebook vì lo ngại về vấn đề riêng tư, bảo mật của khách hàng. Việc của Facebook cần làm là mang lại niềm tin cho các đối tác, không chia sẻ dữ liệu người dùng với các bên thứ ba vì mục đích quảng cáo.

Mong muốn mở rộng sang các dịch vụ tài chính của Facebook đã phản ánh những gì mà các công ty đối thủ đang làm trên nền tảng riêng của họ. Các tập đoàn công nghệ như Google, Amazon hiện cũng muốn thu thập dữ liệu người dùng từ các ngân hàng để có thể bổ sung một số dịch vụ tài chính vào trợ lý ảo Google Assistant hoặc Alexa.

Mặc dù những động thái từ ba tập đoàn trên là như nhau nhưng sự tin tưởng mà mọi người đặt vào Amazon và Google đều cao hơn nhiều so với Facebook. Ngay cả trước khi vụ việc Cambridge Analytica xảy ra và làm sụp đổ niềm tin của người dùng thì mức độ tin tưởng của Facebook cũng không cao như các công ty công nghệ khác.

Trong một cuộc khảo sát do The Verge thực hiện vào năm ngoái, đọc giả đã xếp hạng Facebook là một công ty không đáng tin. Trong khi, Amazon đạt được mức tin tưởng gần bằng với một ngân hàng.

Thái Âu

Chủ đề khác