VnReview
Hà Nội

Apple tái khẳng định lập trường không theo dõi người dùng như cáo buộc của giới chức Mỹ

Trong phản ứng trước cáo buộc của Quốc hội Mỹ, Apple tiếp tục tái khẳng định không hề theo dõi người dùng hay coi người dùng iPhone giống như một sản phẩm.

Theo Softpedia, các nghị sỹ Mỹ Greg Walden, Marsha Blackburn, Gregg Harper và Robert Latta mới đây đồng loạt gửi yêu cầu tới Apple và Alphabet (công ty mẹ của Google) nêu chi tiết xử lý dữ liệu người dùng đối với một số tính năng như câu lệnh OK, Google hay Hey Siri.

Các quan chức Mỹ lo ngại rằng, những tính năng như vậy sẽ tạo điều kiện cho các công ty theo dõi người dùng mà không cần tới sự đồng ý của họ. Việc sử dụng trợ lý ảo bị quy là tiếp tay cho Apple hay Google theo dõi dữ liệu âm thanh từ cuộc trò chuyện của người dùng, ngay cả khi không kích hoạt khẩu lệnh.

Trả lời trước câu hỏi nghi vấn của các nhà lập pháp Mỹ, Apple khẳng định không bao giờ thu thập dữ liệu hay theo dõi người dùng khi chưa có sự đồng ý của họ, đặc biệt với các tính năng như Hey Siri.

Apple cũng nhấn mạnh, mặc dù iPhone sẽ luôn lắng nghe khẩu lệnh Hey Siri nhưng trợ lý ảo không được lập trình để ghi âm giọng nói. Bên cạnh đó, trước khi kích hoạt Siri lần đầu, trợ lý ảo này sẽ luôn yêu cầu người dùng phải cấp quyền truy cập micro thì mới có thể sử dụng. Đặc biệt tất cả mọi ứng dụng iOS khi cần truy cập vào micro của máy sẽ buộc phải hiển thị icon micro bất cứ khi nào.

Tất nhiên Apple không dám khẳng định sự an toàn tuyệt đối vì hãng không thể kiểm soát được mục đích sử dụng thông tin mà các nhà phát triển thu thập được từ người dùng, ngay cả khi các ứng dụng iOS đều phải đưa ra cảnh báo thu thập dữ liệu.

Timothy Powderly, giám đốc phụ trách quan hệ với Chính phủ Liên bang của Apple viết trong bức thư phản hồi: "Khách hàng không phải là sản phẩm chúng tôi và mô hình kinh doanh của chúng tôi không phụ thuộc vào việc thu thập một lượng lớn thông tin nhận dạng cá nhân và bán cho các nhà quảng cáo".

Về phía Alphabet, hãng hiện vẫn chưa đưa bình luận gì. Tuy nhiên theo một phát ngôn viên của Ủy ban Năng lượng và Thương mại Mỹ, cả hai bên cho đến nay vẫn tỏ ra rất hợp tác với chính phủ Mỹ.

Apple từ lâu đã rất tích cực trong việc bảo đảm quyền riêng tư cho khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp. Hãng đã cố gắng bảo vệ dữ liệu người dùng bằng cả kỹ thuật phần mềm lẫn phần cứng.

Theo Reuters, Apple từng từ chối khoảng 1/3 trong số 100 ngàn ứng dụng gửi xem xét để phát hành trên App Store mỗi tuần với lý do không đáp ứng được các nguyên tắc cộng đồng của Apple.

Hồi cuối năm 2015, Apple cũng dính phải vụ tranh cãi gay gắt với FBI sau khi hãng từ chối mở khóa iPhone của một trong những kẻ tình nghi tham gia vụ khủng bố San Bernardino. Apple lấy lý do nhằm bảo vệ dữ liệu khách hàng và kiên quyết không phá lệ vì lo ngại sẽ tạo ra tiền lệ.

Tiến Thanh

Chủ đề khác