VnReview
Hà Nội

Bạn có biết Amazon chỉnh giá sản phẩm 10 phút một lần? Tại sao họ làm được như vậy?

Làm thế nào mà Amazon có thể chỉnh giá sản phẩm 2,5 triệu lần mỗi ngày, tức trung bình 10 phút đổi giá bán 1 lần?

Theo Business Insider, đoạn trích từ cuốn sách "Swipe to Unlock: A Primer on Technology and Business Strategy" (tạm dịch: Trượt để mở khóa: Chiến lược công nghệ và kinh doanh) sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời:

Không hài lòng với giá sản phẩm trên Amazon? Hãy chờ 10 phút, nó có thể thay đổi đấy.

Amazon chỉnh giá sản phẩm 2,5 triệu lần mỗi ngày, nghĩa là một sản phẩm trung bình sẽ được đổi giá 10 phút 1 lần. Con số trên gấp 50 lần so với Walmart hay Best Buy (hệ thống bán lẻ nổi tiếng tại Mỹ). Tuy khiến khách hàng khó chịu vì giá sản phẩm có thể giảm ngay khi họ vừa đặt hàng, nhưng cách chỉnh giá này giúp lợi nhuận Amazon tăng đến 25%.

Vậy thì Amazon làm điều đó như thế nào?

Nhờ vào điều này: lượng dữ liệu khổng lồ.

Amazon có 1,5 tỷ mặt hàng trên website và 200 triệu người dùng, dữ liệu về chúng là khoảng 1 tỷ GB. Nếu chép vào ổ cứng 500GB và xếp chồng lên nhau, đống ổ cứng để chứa 1 tỷ GB dữ liệu của Amazon thậm chí còn cao hơn đỉnh Everest.

Cứ mỗi 10 phút, Amazon sử dụng các dữ liệu này, kết hợp với phân tích thói quen mua sắm của khách hàng, giá cả từ đối thủ, tỷ suất lợi nhuận, hàng tồn kho và một loạt yếu tố khác để thay đổi giá bán. Cách này giúp đảm bảo giá trên website Amazon luôn cạnh tranh và mang về lợi nhuận tốt nhất.

Một trong những chiến lược rất hay của Amazon so với đối thủ là sản phẩm nào bán chạy, phổ biến thì giảm giá trong khi tăng giá các mặt hàng ít phổ biến hơn. Điều này đánh trúng vào tâm lý khách hàng. Bình thường họ sẽ tìm các mặt hàng phổ biến (giá trên Amazon rẻ hơn nơi khác) để có niềm tin rằng Amazon luôn bán giá tốt nhất, sau đó tìm và mua các sản phẩm ít phổ biến (giá cao) cũng trên Amazon.

Gợi ý mua sắm dựa trên dữ liệu

Amazon có rất nhiều cách kiếm tiền từ dữ liệu người dùng. Dựa trên lịch sử mua hàng hay xem sản phẩm, Amazon sẽ hiện các phần đề xuất như "Inspired by Your Browsing History" (lấy cảm hứng từ lịch sử xem hàng) hay "Customers Who Bought This Item Also Bought" (khách hàng mua sản phẩm này cũng mua thêm…) để "dụ" bạn mua thêm nhiều món khác. Thậm chí những cụm từ mà bạn hightlight khi đọc sách trên Kindle cũng được dùng để gợi ý sản phẩm trên Amazon.

Như đã nói, thói quen mua sắm từ khách hàng cũng được tận dụng cho tính năng gợi ý. Ví dụ, nếu thấy hàng triệu khách hàng mua cùng lúc 3 món: bơ đậu phộng, bánh mì và mứt, Amazon sẽ tự gợi ý mua thêm mứt khi thấy bạn cho bơ đậu phộng, bánh mì vào giỏ hàng.

Tuy nhiên, tính năng gợi ý mua hàng của Amazon còn vượt xa hơn thế. Amazon có một bằng sáng chế mang tên "Anticipatory Shipping Model". Theo mô tả, khi Amazon dự đoán bạn sắp mua món gì đó, họ có thể vận chuyển ngay sản phẩm đến kho hàng gần nhà để nếu chọn mua, chúng sẽ được giao nhanh hơn.

Đó là ví dụ cho thấy giá trị kinh tế to lớn của dữ liệu. New York Times từng so sánh giá trị dữ liệu là "quý như vàng".

Nếu bạn chưa biết, tác giả của cuốn sách trên gồm 3 người: Neel Mehta, Parth Detroja và Aditya Agashe. Trong đó Neel Mehta là Giám đốc sản phẩm Google, từng làm việc tại Microsoft và Khan Academy, tốt nghiệp đại học Harvard. Parth Detroja là Giám đốc sản phẩm Facebook, từng làm việc ở Microsoft, Amazon, IBM còn Aditya Agashe là Giám đốc sản phẩm Microsoft, từng sáng lập và là CEO của Belle Applications.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác