VnReview
Hà Nội

“Hụt hơi” trên phân khúc cao cấp, Xiaomi thành lập thương hiệu con Poco nhằm cạnh tranh Samsung, Huawei

Kế hoạch giới thiệu dòng điện thoại Poco tại Ấn Độ được xem là "đòn phản công" của Xiaomi (Trung Quốc) khi bị Samsung đánh bật khỏi vị trí số 1 tại Ấn Độ trong quý 2 vừa qua.

Xiaomi, nhà sản xuất smartphone lớn thứ tư thế giới sẽ ra mắt thương hiệu con tập trung vào phân khúc cao cấp mang tên Poco vào ngày 22/8 tại Ấn Độ để cạnh tranh với Samsung và Huawei.

Trong thông điệp của mình, Jai Mani, trưởng bộ phận sản phẩm Poco ghi rằng:

"Gần đây có cảm giác tốc độ đổi mới trong ngành công nghiệp smartphone đang chững lại, trong khi giá bán các mẫu flagship thì ngày càng đắt đỏ, đã vượt mức 1.000 USD. Mục tiêu của chúng tôi là đi ngược lại xu hướng này".

Theo SCMP, Mani gia nhập Xiaomi từ năm 2014, trước đó từng làm việc tại Google từ 2009 đến 2013.

Đây có thể coi là một bước đi chiến lược của Poco, vốn có nghĩa là "nhỏ" (little) trong tiếng Tây Ban Nha, khi Xiaomi vừa mới bị Samsung đòi lại danh hiệu hãng sản xuất smartphone số một tại thị trường Ấn Độ. Theo Counterpoint Research, thị phần của Xiaomi trong quý 2 vừa qua tại Ấn Độ là 28% còn Samsung là 29%.

Ngoài bức thư của Mani, đại diện Xiaomi không chia sẻ thêm bất cứ thông tin nào về Poco.

4 nhà sản xuất lớn nhất Trung Quốc hiện nay là Huawei, Xiaomi, Oppo và Vivo có tổng thị phần 39% trên thị trường smartphone thế giới trong quý 2 vừa qua. Samsung vẫn đứng đầu với 20%, còn Apple tụt xuống thứ ba để nhường chỗ cho Huawei (11%). Xiaomi, Oppo và Vivo lần lượt xếp thứ 4, 5 và 6 sau Apple.

Như vậy, sau gần 10 năm tập trung vào máy giá rẻ, công ty Trung Quốc đã thực sự bắt đầu cuộc chiến mới trên phân khúc cao cấp với Poco.

Chiến lược của Xiaomi cũng đi ngược lại những công ty Trung Quốc khác, giới thiệu thương hiệu điện thoại mới nhưng là dòng giá rẻ. Ví dụ như Huawei, tạo ra thương hiệu Honor cho giới trẻ với những sản phẩm hợp túi tiền.

Kiranjeet Kaur, giám đốc nghiên cứu cấp cao tại IDC cho rằng Xiaomi có thể thành công với Poco tại Ấn Độ. Nếu định giá sản phẩm dưới 500 USD, đối thủ trực tiếp của hãng tại đây sẽ là OnePlus.

Tuy nhiên, với phân khúc cao cấp thì Xiaomi lại gặp khó khăn bởi người ta thường biết đến hãng với sản phẩm giá rẻ nhiều hơn. Đơn cử như dòng Mi MIX đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy doanh số. Dù được giảm giá liên tục nhưng Mi MIX 2 không thể tạo hiệu ứng tốt như Redmi 5A hay Redmi Note 5 giá rẻ hơn.

Sau khi IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu) tại Hồng Kông vào tháng trước, rõ ràng mục tiêu của Xiaomi là mở rộng thương hiệu trên toàn thế giới. Hãng muốn thị trường nước ngoài chiếm một nửa doanh thu hàng năm của mình. Chắc chắn Poco không chỉ xuất hiện tại Ấn Độ mà sẽ còn bán ở nhiều quốc gia khác như Việt Nam, châu Âu và có thể là Mỹ.

"Một trong những lý do khiến Xiaomi quan tâm đến phân khúc cao cấp là nhu cầu khách hàng tại các khu vực khác nhau. Chỉ những công ty có chuyên môn sâu trong chuỗi cung ứng, R&D (nghiên cứu và phát triển) mới có thể cạnh tranh trong phân khúc cao cấp", Tarun Pathak, phó giám đốc hãng nghiên cứu Counterpoint cho biết.

Từ khi thành lập năm 2010, Xiaomi đang có mặt tại 74 quốc gia khác nhau, trong đó có các nhà máy lớn tại Ấn Độ với mô hình kinh doanh phần cứng không bao giờ lấy lãi vượt quá 5%.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác