VnReview
Hà Nội

Giống BlackBerry và Nokia, HTC vẫn có thể quay về từ cõi chết

Samsung và Apple đã thống trị thị trường smartphone toàn cầu trong gần một thập kỷ qua, nhưng nếu bạn còn lạ lẫm với lịch sử ngành công nghiệp này, bạn hẳn sẽ sốc khi nghe tên của top 5 công ty hàng đầu cách đây chỉ mới 7 năm mà thôi!

Trở lại Quý 3/2011, Samsung đã bắt đầu vươn lên dẫn trước Apple, trong khi Nokia tụt xuống vị trí thứ 3 sau nhiều năm "trị vì", HTC xếp thứ 4 với hơn 10% thị phần, và RIM - hay BlackBerry - chấp nhận vị trí thứ 5 sau khi đi vào vết xe đổ của chính Nokia.

Tại sao chúng ta lại nói về thời điểm 2011? Để vinh danh 2 sự trở lại ngoạn mục và để tìm hiểu xem liệu có xảy ra sự trở lại thứ 3 hay không. Nói một cách thẳng thắn, Nokia và BlackBerry (đặc biệt là BlackBerry) vẫn còn phải làm rất nhiều việc để trở lại thời hoàng kim ngày xưa, nhưng đây vẫn là hai nhãn hiệu đã hồi sinh một cách thần kỳ từ vực thảm chết chóc. Liệu HTC có được như vậy?

Hãy bắt đầu từ điểm khởi đầu

HTC Dream, đúng là trông như một giấc mơ (vào những năm 2008) có thật

Ai cũng biết HTC đã trải qua vài năm gần đây chìm trong đau khổ. Trên thực tế, thời gian qua rất khó để công ty có thể sinh lời khi mà bản thân họ đã mất đi một số tài sản sở hữu trí tuệ quý giá cùng một đội ngũ nhân viên nghiên cứu và thiết kế đầy tài năng để đổi lại khoản tiền 1,1 tỷ USD từ Google. Nếu bạn không gọi cuộc trao đổi đó là "liều mạng", thì tôi chẳng biết có từ gì để miêu tả nó cả!

Được thành lập vào năm 1997, với vai trò là hãng thiết kế và sản xuất máy tính laptop (hẳn bạn chẳng hề nhớ đến điều đó), công ty điện tử tiêu dùng Đài Loan này nhanh chóng phát hiện ra tiềm năng phát triển trong lĩnh vực smartphone còn non trẻ.

Sau một vài thử nghiệm với Windows Mobile, HTC đã đóng một vai trò chủ chốt trong sự ra đời và phát triển nhanh chóng của Android, gia nhập cùng Google để tung ra chiếc Dream - T-Mobile G1 - và sau đó là Nexus One. Chiếc HTC Dream vào năm 2008 chính là thiết bị Android thương mại hóa đầu tiên, trong khi chiếc Evo 4G của hãng vào năm 2010 là kẻ tiên phong mở ra thời kỳ điện thoại di động truy cập dữ liệu tốc độ cao tại Mỹ.

Chiếc Nexus One theo quan điểm ngày nay trông thật kỳ quặc, nhưng Galaxy Note 9 theo quan điểm năm 2026 cũng sẽ vậy

Là một thành viên đồng sáng lập của Open Handset Alliance, HTC nổi bật giữa nhiều hãng sản xuất smartphone trong nhiều năm, với tầm nhìn tuyệt vời về cải tiến, sẵn sàng mạo hiểm, và có lẽ quan trọng hơn, quan hệ rất chặt chẽ với nhiều nhà cung cấp dịch vụ không dây lớn.

Cỗ xe bắt đầu trật bánh từ đâu?

Năm 2011 là thời kỳ đỉnh cao của HTC, nhưng bởi một lý do nào đó, vào cuối năm tiếp theo, công ty đã rớt khỏi danh sách 7 hãng smartphone hàng đầu thế giới. Mỉa mai thay, những rủi ro đã khiến HTC tụt dốc không phanh chưa thấy điểm dừng lại là những rủi ro mà hãng từng xử lý rất hiệu quả trước đây. Chiếc Evo 3D vào năm 2011 là một sản phẩm vô dụng, một chiêu trò kinh doanh, thay vì là một quân bài chủ lực giúp HTC tiến lên phía trước. Chiếc HTC ChaCha được cho là một bản sao yếu kém về mặt thiết kế từ các thiết bị BlackBerry, còn chiếc HTC First "Facebook Phone" năm 2013 lại lưu danh sử sách với thành tích...doanh số thấp kỷ lục, chỉ 15.000 máy.

HTC First - lý do chúng ta sẽ không bao giờ thấy một chiếc Facebook Phone thứ hai nữa

Vào thời điểm HTC One được giới thiệu, thị trường đã không còn tự tin vào khả năng của HTC trong việc mang lại một chiếc điện thoại cao cấp sử dụng tốt, thực tế và mạnh mẽ nữa - một điềm báo tồi tệ đối với một sản phẩm sở hữu mọi điểm vừa nêu. Tiếp đó là một loạt sản phẩm với tên gọi được đặt một cách khó hiểu, những biến thể và những mẫu máy lặp lại đến nhàm chán - phần lớn chúng đều có mức giá "ảo tưởng", được quảng cáo quá lố, và... không thể tưởng tượng nổi! Tại sao nói "quảng cáo quá lố"? Vì những quảng cáo của HTC đắt đỏ một cách điên rồ và chẳng hề hiệu quả chút nào, như chiến dịch quảng cáo tỷ đô với sự tham gia của Iron Man Robert Downey Jr vào tháng 8/2013 mà bạn có thể xem dưới đây:

Liệu vẫn còn hi vọng chứ?

Câu trả lời ngắn gọn là: chắc chắn còn. Nếu bạn trông chờ câu trả lời dài hơn, hãy nhớ lại vị trí của Huawei vào 3 đến 4 năm trước. Hiện nay, Huawei là hãng smartphone đứng thứ 2 thế giới và đang nhăm nhe vị trí số một. Hay hãy nhìn lại Xiaomi. Sau một khởi đầu đầy hứa hẹn, công ty gặp vấn đề vào năm 2016, trở lại vào năm ngoái, và trở thành một thế lực hùng hậu trên toàn cầu mà ai cũng phải dè chừng.

Nokia 3310 (2017) vẫn là một trong những câu chuyện thành công bất ngờ của ngành công nghiệp di động

Nokia là một ví dụ khác về một thương hiệu trải qua nhiều biến động, và thậm chí là biến đổi trước khi trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết (cũng chưa chính xác lắm, nhưng cũng gần như vậy), thế thì tại sao HTC không thể tận dụng sự sẵn lòng tha thứ và quên đi mọi lỗi lầm từ phía người hâm mộ để trở lại, nhân danh sự hoài cổ?

Nhưng chính xác thì HTC có thể làm gì?

Đầu tiên, công ty phải đưa ra một quyết định, một quyết định khó khăn nhưng đã bị trì hoãn quá lâu. Sau khi đánh đổi các nhà thiết kế để lấy tiền, sa thải công nhân, và đánh mất các tài năng hàng đầu cũng như các lãnh đạo kinh nghiệm, làm sao hãng có thể tự mình sản xuất và marketing cho điện thoại của mình đây?

BlackBerry KEY2 do TCL sản xuất, trông không khác một chiếc BlackBerry cổ điển với những điểm nhấn hiện đại

Giải pháp khả thi nhất ở đây dành cho mọi vấn đề không có hồi kết về sự sáng tạo và tiền bạc chính là một thỏa thuận trao quyền nhãn hiệu. Đúng vậy, giống như những thỏa thuận đã được ký kết giữa Blackberry và Nokia với TCL và HMD Global.

Hiển nhiên nhãn hiệu HTC vẫn đáng giá với nhiều người - những người vẫn nhớ và yêu thích T-Mobile G1, Evo 4G và cả HTC One (M7). Và cũng hiển nhiên rằng những người còn ở lại để cứu con thuyền đang chìm đều đã cạn sạch ý tưởng - bạn có thể thấy điều đó qua những chiếc HTC U12+ và U11+ được đánh giá khá thấp, cũng như lời hứa hẹn trống rỗng về một chiếc điện thoại blockchain (mà thực sự thì đó là cái gì vậy??).

HTC U12+ không phải là một chiếc điện thoại tệ, nhưng thiết kế tầm thường này lẽ ra nên xuất hiện từ...vài năm trước

Nếu HTC có thể tìm được một người muốn mua giấy phép nhãn hiệu - một công ty mới mẻ và nhiều tham vọng như HMD càng tốt- sẵn sàng thử và cứu vớt tên tuổi của họ trong lĩnh vực smartphone, thì có lẽ bộ phận Vive VR cũng sẽ có thể phát triển ở một tốc độ ổn định hơn, mang lại một giải pháp thực tại ảo toàn diện khả thi. Một công ty như HMD cũng hợp lý, khi mà công ty này được thành lập chỉ để tiếp tục gánh vác di sản của Nokia, do một số cựu binh của Nokia và Microsoft. Công ty này xuất hiện vào tháng 12/2016, nhưng nó không hề giống một startup đầy do dự. Nó giống như một Nokia thu nhỏ, và đó chính xác là những gì HTC cần. Một công ty mới với những mục tiêu lớn, những lãnh đạo có kinh nghiệm, và một tầm nhìn mới mẻ, tập trung vào cải tiến. Tất nhiên, những công ty như TCL có thể giúp đỡ HTC, khi họ có kinh nghiệm trong xây dựng khả năng nhận diện thương hiệu và có tên tuổi trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu, chưa kể họ còn có tiền để đầu tư vào các chiến lược marketing và phân phối rộng lớn.

Một lối thoát khác là tiếp tục sống thông qua Google. Vẫn chưa rõ liệu gã khổng lồ tìm kiếm có hứng thú thâu tóm phần còn lại của HTC hay không, nhưng ngay cả khi điều đó không xảy ra, chiếc điện thoại Pixel 3 ra mắt vào mùa thu năm nay cũng sẽ ẩn chứa rất nhiều DNA của công ty Đài Loan. Nhiêu đó có lẽ chưa đủ đối với nhiều fan cứng của HTC, nhưng, có còn hơn không!

Minh.T.T

Chủ đề khác