VnReview
Hà Nội

Bill Gates: Quy luật cung cầu không áp dụng lên phần mềm

Bill Gates nổi tiếng với giai thoại bỏ dở việc học ở Harvard để lập nên Microsoft, nhưng trong thời gian ngắn ngủi ông học ở đây, có một môn khoa học đã thu hút sự chú ý của ông và chính ông đã khởi đầu cho việc tạo nên các quy tắc mới của bộ môn khoa học này. Dưới đây là lý giải của ông cho các quy tắc mới này.

Vào học kỳ hai của năm đầu tiên tại Harvard, tôi bắt đầu đi tới những lớp học mà tôi đã không đăng ký, và gần như đã dừng việc học tại bất kỳ lớp nào mà tôi đã đăng ký – ngoại trừ phần giới thiệu về lớp kinh tế có tên gọi "Ec 10." Chủ đề của lớp học đã hấp dẫn tôi, và vị giáo sư thật tuyệt vời. Một trong những điều đầu tiên ông dạy chúng tôi là biểu đồ cung cầu. Tại thời điểm tôi vẫn còn ngồi trên ghế đại học, đó là điều cơ bản về cách hoạt động của nền kinh tế toàn cầu:

Có hai giả định bạn có thể đưa ra dựa trên biểu đồ này. Điều đầu tiên vẫn còn đúng ít nhiều vào thời điểm này: khi nhu cầu cho một sản phẩm tăng lên, nguồn cung tăng lên và giá sẽ đi xuống. Nếu giá trở nên quá cao, nhu cầu sẽ giảm xuống. Điểm giao nhau giữa hai đường này được gọi là điểm cân bằng (Equilibrium). Điểm cân bằng là một điều kỳ diệu, vì nó tối đa hóa giá trị cho xã hội. Hàng hóa sẽ có giá cả phải chăng, phong phú và có lợi nhuận. Mọi người đều thắng.

Giả định thứ hai của biểu đồ này là tổng chi phí sản xuất sẽ tăng lên khi nguồn cung tăng. Thử tưởng tượng, khi hãng Ford ra mắt một chiếc ô tô đời mới. Chiếc ô tô đầu tiên sẽ có chi phí sản xuất cao hơn một chút, bởi vì bạn phải tiêu tiền cho việc thiết kế và thử nghiệm nó.

Nhưng mỗi chiếc xe sau đó sẽ chỉ đòi hỏi một lượng lao động và vật liệu nhất định. Như vậy chiếc xe thứ 10 sẽ có chi phí tương tự như chiếc xe thứ 1.000. Điều tương tự cũng đúng với các mặt khác đang thống trị nền kinh tế trong thế kỷ 20, bao gồm cả các sản phẩm nông nghiệp và tài sản.

Nơi quy luật cung cầu không còn chính xác

Nhưng phần mềm lại không hoạt động theo cách như vậy. Microsoft có thể tiêu rất nhiều tiền cho việc phát triển đơn vị đầu tiên của phần mềm mới, nhưng mọi phiên bản sau đó đều hoàn toàn không có chi phí thực nào. Không giống như hàng hóa được nền kinh tế sản xuất trong quá khứ, phần mềm là tài sản không thể cầm nắm được. Và phần mềm cũng không phải ví dụ duy nhất: dữ liệu, bảo hiểm, ebook và thậm chí cả phim ảnh cũng hoạt động theo cách tương tự như vậy.

Tỷ lệ mô hình kinh tế thế giới không phù hợp với các quy luật cũ đang ngày càng lớn hơn. Nó có ý nghĩa quan trọng đối với mọi thứ, từ luật thuế tới chính sách kinh tế, cho tới cả việc thành phố nào phát triển hay bị bỏ lại phía sau, nhưng nói chung, các quy luật mới này là điều mà các chính phủ chưa thể bắt kịp. Đây là một trong những xu hướng lớn nhất của nền kinh tế toàn cầu, nhưng vẫn không thu hút đủ sự chú ý cần thiết.

Nếu bạn muốn hiểu tại sao điều đó quan trọng, cuốn sách mới của hai tác giả, Jonathan Haskel và Stian Westlake có tên "Capitalism Without Capital" (Tạm dịch: Chủ nghĩa Tư bản không có Tư bản) sẽ là lời giải thích tốt nhất. Họ bắt đầu bằng cách định nghĩa các tài sản vô hình như "điều gì đó bạn không thể chạm vào."

Đó là điều rất rõ ràng, nhưng nó lại tạo nên sự khác biệt quan trọng, bởi vì ngành công nghiệp vô hình này hoạt động hoàn toàn khác với các ngành công nghiệp hữu hình. Những sản phẩm bạn không thể chạm vào đó có những quy luật cạnh tranh và rủi ro rất khác so với cách bạn định giá công ty làm nên chúng.

Haskel và Westlake vạch ra 4 nguyên nhân làm cho việc đầu tư vào các sản phẩm vô hình này trở nên khác biệt như vậy:

1. Nó là một khoản chi phí chìm. Nếu khoản đầu tư của bạn không thành công, bạn sẽ không có tài sản hữu hình nào như máy móc để bán tháo đi nhằm bù lại số tiền mình đã bỏ ra.

2. Nó có xu hướng tạo ra hiệu ứng lan tỏa, có thể bị các công ty đối thủ tận dụng. Thế mạnh lớn nhất của Uber là mạng lưới các tài xế, nhưng việc gặp một lái xe Uber cũng chọn lái cho Lyft không phải là hiếm.

3. Nó có khả năng mở rộng hơn so với các tài sản hữu hình. Sau chi phí ban đầu của đơn vị sản phẩm đầu tiên, các sản phẩm có thể sao chép và nhân bản mà không phải tốn thêm chi phí nào.

4. Nó có khả năng phối hợp giá trị với nhiều tài sản vô hình khác. Haskel và Westlake lấy chiếc iPod là ví dụ: Nó kết hợp giao thức MP3 của Apple, thiết kế ổ đĩa cứng thu nhỏ, và các thỏa thuận cấp phép với các hãng ghi âm.

Không điều nào trong số các nét trên là tốt hay xấu. Chúng chỉ khác biệt so với cách hoạt động thông thường của việc sản xuất hàng hóa.

Tất cả đều được Haskel và Westlake giải thích một cách đơn giản – cuốn sách được viết gần như một cuốn sách giáo khoa, với không nhiều các bình luận. Họ không xem xu hướng này là điều gì đó xấu xa hay đòi hỏi các giải pháp chính sách cứng nhắc.

Thay vào đó, họ giành thời gian để thuyết phục bạn tại sao quá trình chuyển đổi này lại quan trọng và đưa ra các ý tưởng rộng mở về việc các quốc gia cần làm gì để bắt kịp một thế giới mới, nơi biểu đồ cung cầu không còn thích hợp nữa.

Thay đổi hướng tiếp cận để phù hợp với mô hình mới

Cuốn sách này như quyển sách vỡ lòng về kinh tế, nhưng nó không dành cho mọi người. Cho dù Haskel và Westlake rất giỏi giải thích những điều này, nhưng bạn vẫn cần một số hiểu biết về kinh tế học để theo kịp những gì họ đang nói. Tuy nhiên, nếu bạn đã theo học một khóa về kinh tế học, hoặc thường xuyên đọc các bài viết trong chuyên mục tài chính trên trang Economist, bạn sẽ không gặp khó khăn nào khi muốn nắm được các luận điểm của họ.

Cuốn sách này càng củng cố thêm quan điểm của tôi rằng, các nhà làm luật cần điều chỉnh việc ra chính sách kinh tế của họ để phản ánh những thực tế mới này. Ví dụ, các công cụ nhiều quốc gia đang sử dụng để đo lường tài sản vô hình đã lỗi thời, vì vậy họ không có được bức tranh hoàn chỉnh về nền kinh tế.

Chính phủ Mỹ không tính đến giá trị phần mềm khi tính toán GDP cho đến tận năm 1999. Ngay cả ngày nay, GDP cũng không tính đến các khoản đầu tư vào những thứ như nghiên cứu thị trường, thương hiệu và đào tạo – các tài sản vô hình mà nhiều công ty đang chi ra các khoản tiền khổng lồ cho nó.

Đo lường không phải lĩnh vực duy nhất chúng ta đang bị tụt lại phía sau – vẫn còn một số câu hỏi lớn đang khiến nhiều quốc gia vẫn phải tranh luận hiện tại. Liệu luật về nhãn hiệu và bằng sáng chế đang quá chặt chẽ hay quá hào phóng? Liệu chính sách cạnh tranh có cần cập nhật không? Làm thế nào các chính sách thuế có nên thay đổi không? Đâu là cách tốt nhất để kích thích nền kinh tế trong một thế giới, nơi hoạt động tư bản diễn ra mà không có tư bản?

Chúng ta cần những nhà tư tưởng thực sự thông minh và các nhà kinh tế học sáng giá để trả lời tất cả các câu hỏi này. "Capitalism Without Capital" là cuốn sách đầu tiên tôi thấy có thể giải quyết chúng theo chiều sâu, và tôi nghĩ nó là quyển sách mà các nhà hoạch định chính sách nên đọc.

Phải mất một thời gian nữa để thế giới đầu tư nắm lấy các công ty được xây dựng trên những tài sản vô hình. Trong những ngày đầu của Microsoft, tôi cảm thấy như mình đang phải giải thích điều gì đó hoàn toàn xa lạ với mọi người. Kế hoạch kinh doanh của chúng tôi mang đến một cách nhìn khác về tài sản so với những gì các nhà đầu tư quen thuộc. Họ không thể tưởng tượng được lợi nhuận mà chúng tôi sẽ thu được trong dài hạn.

Hiện nay, việc bất kỳ ai cũng nắm được tại sao phần mềm lại là một khoản đầu tư hợp lý dường như không thể tưởng tượng nổi, nhưng nó đã thay đổi rất nhiều so với những năm 1980. Giờ cũng là lúc chúng ta nghĩ về nền kinh tế theo hướng như vậy.

Nguyễn Hải

Theo GatesNotes.com

Chủ đề khác