VnReview
Hà Nội

The Economist: Bitcoin và tiền mã hóa là vô dụng

Khi cơn cuồng đầu cơ tiền mã hóa qua đi, giờ là lúc nhìn nhận lại giá trị thật sự của các những đồng tiền kỹ thuật số đó, và có lẽ những ngôn từ công nghệ mỹ miều không quá kỳ diệu như người ta tưởng.

Một cao nhân nào đó đã từng nói, thị trường được quyết định bởi sự tham lam hoặc sự sợ hãi. Giá của Bitcoin, đồng tiền phổ biến nhất, nổi tiếng nhất, đã tăng một cách chóng mặt, từ khoảng 900$ tháng 12/2016 lên 19.000$ một năm sau đó. Nhưng gần đây, nỗi sợ mới là thứ bao trùm.

Giá Bitcoin đã rơi xuống khoảng 7.000 USD, và tiếp bước theo nó, mức giá của các loại tiền mã hóa khác cũng đã sụp đổ. Không ai biết chúng sẽ rơi xuống đâu. Gọi một mức giá nào đó là đáy của cơn sốt đầu cơ điên cuồng này cũng ngu ngốc chẳng khác gì việc xác định đỉnh của nó. Thậm chí với các đồng tiền mã hóa khác, mọi việc còn khó khăn hơn nữa, như mục Technology Quaterly của trang Economist tuần này chỉ ra, chẳng có cách hợp lý nào để xác định giá trị cụ thể của chúng.

Từ khởi đầu tham vọng trở thành một sòng bạc không đáng tin

Đáng nhẽ mọi thứ không như vậy. Bitcoin, đồng tiền mã hóa đầu tiên và cũng là nổi tiếng nhất, ban đầu được xem như một dự án công nghệ vô chính phủ nhằm tạo ra một phiên bản tiền mặt trực tuyến, một cách để mọi người giao dịch với nhau mà không cần đến sự can thiệp của các ngân hàng hay chính phủ.

Nhưng sau một thập kỷ, Bitcoin hiếm khi được dùng với mục đích ban đầu nữa. Người dùng phải đánh vật với phần mềm phức tạp và từ bỏ mọi sự bảo vệ người tiêu dùng mà họ từng có. Chỉ có một vài nhà buôn chấp nhận nó. Bảo mật nghèo nàn. Các đồng tiền mã hóa khác thậm chí còn ít được sử dụng hơn.

Với chỉ một vài khả năng sử dụng để neo giữ giá trị của chúng, và hầu như không được quản lý, tiền mã hóa lại trở thành trọng tâm cho đầu cơ. Nhiều người tận dụng được thời cơ và kiếm được cả khối gia tài, nhưng số người thua lỗ chắc chắn sẽ nhiều hơn thế. Không có gì đảm bảo chu kỳ bùng nổ và xì hơi vừa qua sẽ là lần cuối cùng.

Các nhà kinh tế học định nghĩa tiền tệ là thứ có thể vừa làm phương tiện để giao dịch, vừa lưu trữ giá trị và là một đơn vị thanh toán. Thiếu đi sự chấp thuận và biến động quá mạnh nghĩa là tiền mã hóa không thỏa mãn điều kiện nào trong số các tiêu chí trên.

Nhưng nó cũng không có nghĩa là chúng sẽ biến mất (mặc dù việc giám sát chặt chẽ để hạn chế lừa đảo và các thủ đoạn bất chính có thể làm dịu sự phấn khích trong tương lai). Nhưng như những gì đang diễn ra, tiền mã hóa sẽ không hơn gì một sòng bạc quá phức tạp và không đáng tin.

Liệu blockchain - công nghệ đứng đằng sau các loại tiền mã hóa này – có thể làm tốt hơn? Khả năng tốt nhất là xem nó như một dạng cơ sở dữ liệu riêng, trong đó các bản ghi được sao chép lại trên toàn bộ người dùng của hệ thống, thay vì duy trì trong một cơ quan trung ương, và các mục nhập vào không thể thay đổi được.

Những người ủng hộ tin rằng các tính năng này có thể giúp giải quyết hàng loạt vấn đề, từ tinh giản hóa quy trình thanh toán cho đến bảo đảm nguồn gốc của thuốc, cũng như đảm bảo quyền sở hữu và cung cấp các tài liệu nhận dạng không thể chỉnh sửa cho người nhập cư.

Tiền điện tử đi, blockchain ở lại

Những tiềm năng nêu trên của blockchain cũng chỉ dừng lại ở dạng tiềm năng, chưa ai biết khi nào nó thực sự phát huy được. Những lời ca ngợi blockchain chủ yếu đến từ các nhà đầu cơ tiền mã hóa, những người hy vọng rằng sự phấn khích cuồng nhiệt xung quanh blockchain sẽ gia tăng giá trị của đồng tiền mã hóa mà họ đang nắm giữ. Tuy nhiên, các hãng triển khai blockchain thường kết thúc bằng việc ném ra hàng tá tính năng để trở nên khác biệt. Và việc giao tiếp dữ liệu liên tục giữa người dùng sẽ làm chúng trở nên chậm hơn so với cơ sở dữ liệu thông thường.

Khi những giới hạn này bắt đầu được biết đến rộng rãi hơn, sự cuồng điệu bắt đầu nguội dần. Một vài tổ chức, như SWIFT – mạng lưới thanh toán liên ngân hàng – và Stripe, một hãng thanh toán trực tuyến, đã từ bỏ các dự án blockchain, với kết luận rằng chi phí của nó vượt quá cả lợi ích thu được.

Phần lớn các dự án khác vẫn đang thử nghiệm, nhưng nó cũng không ngăn được các tuyên bố bi quan. Ví dụ, Sierra Leone từng được cho rằng sẽ triển khai một cuộc bầu cử dùng blockchain vào đầu năm nay. Nhưng không hề có điều gì như vậy xảy ra.

Cho dù blockchain bị quá cường điệu, không có nghĩa chúng là vô dụng. Khả năng ràng buộc người dùng trong việc vận hành một cách đồng thuận sẽ chứng minh sự hữu ích ở những lĩnh vực không có cơ quan trung ương quản lý: ví dụ thương mại quốc tế.

Nhưng không có loại thuốc kỳ diệu đủ để chống lại các nguy cơ cho những dự án công nghệ lớn: chi phí, mức độ phức tạp và các kỳ vọng quá mức. Trong khi tiền mã hóa đã trượt xa ra khỏi các mục tiêu đầy tham vọng ban đầu của chúng, những người ủng hộ blockchain vẫn chưa chứng minh được công nghệ cơ bản này có thể gánh vác được những kỳ vọng được đặt lên vai nó.

Nguyễn Hải

Chủ đề khác