VnReview
Hà Nội

Ông chủ Tiki chia sẻ cách đầu tư an toàn trong kỷ nguyên số

Tại Tech Summit 2018, Tổng giám đốc và người sáng lập Tiki - ông Trần Ngọc Thái Sơn - chia sẻ về xu hướng phát triển của thương mại điện tử thế giới cũng như cơ hội cho nhà đầu tư.

Hội nghị Công nghệ Tech Summit 2018 diễn ra vào sáng 12/9 tại GEM Centre (TP.HCM) đã đem lại cho khán giả những góc nhìn sâu sắc về tác động mạnh mẽ của xu hướng công nghệ tới nền kinh tế và chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp.

Hội nghị lần này có sự tham gia của các diễn giả như ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc công nghệ Microsoft châu Á Thái Bình Dương, ông Trần Ngọc Thái Sơn - Tổng giám đốc và người sáng lập Tiki, ông David Lang - Giám đốc Sản phẩm Infinity Blockchain Labs, hay ông Hoàng Tuấn Hải - Giám đốc Sản Phẩm HPVietnam... cùng nhiều chuyên gia kinh tế, công nghệ, hoạch định chính sách, chủ doanh nghiệp, các start-up Việt Nam và doanh nhân đến từ các công ty, tập đoàn tại Việt Nam và quốc tế.

Tổng giám đốc của Tiki chia sẻ về thương mại điện tử tại hội nghị.

Tại hội nghị, các diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân về những chủ đề đang được quan tâm như trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence), bảo mật thông tin (Data Protection), tiền ảo Blockchain, công nghệ tài chính (Fintech) và thương mại điện tử (E-commerce).

Ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng giám đốc và người sáng lập Tiki, đã giúp khán giả có cái nhìn toàn cảnh về thương mại điện tử trên thế giới, xu hướng phát triển của ngành này, cũng như những lựa chọn đầu tư thích hợp tại Việt Nam.

Theo ông Sơn, một mô hình an toàn thường được các nhà đầu tư lựa chọn là nhắm tới các "National Champion" - những mô hình đã có vị thế và tiềm lực lớn như Tiki. Ngoài ra, nhà đầu tư quốc tế cũng sẽ chú ý tới các mô hình đang phát triển trên thế giới và tìm kiếm mô hình tương tự ở nước sở tại. Ông cho biết: "Ngay cả với Tiki, nhà đầu tư giai đoạn đầu thấy chúng tôi có mô hình đúng như đang tìm kiếm nên đã quyết định chọn".

Ông Trần Ngọc Thái Sơn tư vấn các mô hình đầu tư an toàn.

Các mô hình đang được ưa chuộng và thành công ở Trung Quốc đều dựa trên nền tảng công nghệ mới, như Little Red Book (LRB) - một hình thức thương mại điện tử xuyên quốc gia với mô hình ngang hàng P2P. Trong đó, LRB xây dựng một cộng đồng những người đi du lịch. Họ sẽ đăng tải những sản phẩm và mua hộ theo yêu cầu của khách hàng.

Ông nhận định: "Từ quan điểm của các nhà đầu tư, những mô hình này đã được chứng thực tại nhiều quốc gia. Họ có thể tìm kiếm các mô hình, công ty tương tự tại Việt Nam". Rủi ro lớn nhất của phương thức này là nếu không chọn đúng thời điểm, các mô hình có tiềm lực sẽ phát triển đủ lớn mạnh, vượt quá tầm đầu tư.

Ngoài ra, thay vì đổ vốn vào các dự án start-up rủi ro cao, nhà đầu tư có thể lựa chọn hợp tác với các National Champions để tạo ra mô hình kinh doanh mà họ cho rằng có thể phát triển và đem lại lợi nhuận. Ông Sơn chia sẻ: "Thực ra, đây không phải là một phương thức mới. Bản thân Tiki cũng đã nhận được khá nhiều lời đề nghị tương tự của các nhà đầu tư". Trong đó, các nhà đầu tư quốc tế có thể kết hợp với doanh nghiệp Việt Nam để áp dụng những mô hình kinh doanh thành công tại nước họ, phát triển trên nền tảng khách hàng và mạng lưới của công ty sở tại.

Một lựa chọn an toàn khác là đầu tư vào các ngành phụ trợ cho những mô hình đã phát triển thành công. Ông Sơn cho biết: "Giống như trong cơn sốt vàng ở Mỹ, có những người đi đào vàng để tìm kiếm vận may, nhưng có những người chọn cách ít rủi ro hơn là bán dụng cụ, quần áo, thức ăn... cho họ. Nhà đầu tư có thể chọn các dịch vụ hỗ trợ như kho bãi, phân phối xuyên quốc gia hay tiếp thị, sáng tạo nội dung". Tuy nhiên, điểm yếu của loại hình đầu tư này là khó có thể phát triển thành các công ty, tập đoàn lớn, do những ngành phụ trợ theo thời gian sẽ trở thành các ngành công nghiệp truyền thống.

TMĐT được dự đoán sẽ tăng trưởng trong thời gian tới.

Thương mại điện tử theo kỳ vọng và dự đoán của ông Sơn sẽ còn phát triển trong tương lai, không chỉ dừng lại ở con số 2% của ngành bán lẻ trị giá hàng trăm tỷ USD. Theo báo cáo tổng hợp của Tiki dựa trên số liệu từ Mc Kinsey, BCG, Google, Temasek, ngành bán lẻ VN đạt 130 tỷ USD năm 2017. Năm 2025, con số này sẽ lên tới 260 tỷ USD. Thương mại điện tử chỉ chiếm 2% trong năm 2017. Đến năm 2025, tổng thị trường TMĐT sẽ đạt 7,7%, đạt 20 tỷ USD.

Xu hướng phát triển kênh bán hàng trực tuyến của các chuỗi bán lẻ sẽ giúp doanh nghiệp mở khóa 98% còn lại. Ông đánh giá: "Bản thân tôi cũng là một nhà đầu tư, tôi cho rằng các start-up đã liều, đã dũng cảm, thì các nhà đầu tư Việt Nam cũng cần dũng cảm. Thương mại điện tử cũng chính là thương mại và đã được chứng minh qua nhiều thập kỷ, ở nhiều quốc gia. Hãy dũng cảm hỗ trợ cho các National Champion".

Theo Zing

Chủ đề khác