VnReview
Hà Nội

Thấy gì khi Thế Giới Di Động liên tục điều chỉnh hoạt động kinh doanh?

Thông tin mới nhất đã được Công ty CP đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) xác nhận: Website thương mại điện tử Vuivui.com (Cty con của MWG) sẽ đóng cửa tất cả các ngành hàng không liên quan đến nhóm hàng hóa tiêu dùng nhanh (FMCG). Vuivui.com hiện đang kinh doanh 4 nhóm ngành hàng là hàng tiêu dùng, điện máy-điện thoại, mỹ phẩm và thời trang.

Liên tục điều chỉnh

MWG điều chỉnh ngành hàng kinh doanh của Vuivui.com, vốn là một start-up từng được ông Nguyễn Đức Tài – trước báo giới vào tháng 1/2017 – kì vọng rằng sẽ còn phát triển hơn cả chính chuỗi Thế Giới Di Động chuyên bán điện thoại và phụ kiện trong trong khoảng gian 5-7 năm tới, thậm chí trong khoảng thời gian còn ngắn hơn.

Đây không phải là lần điều chỉnh có tính chiến lược đầu tiên của MWG. Ít nhất trong năm 2018, MWG đã có ba lần điều chỉnh lớn. Lần điều chỉnh thứ nhất gây không ít bất ngờ khi MWG mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang mà sau đó đổi tên thành An Khang. Thay vì mua trọn 100% cổ phần của chuỗi bán lẻ thuốc này như kế hoạch ban đầu, MWG cuối cùng chỉ mua 49% với số tiền chi ra là 62 tỉ đồng.

Không ít người nghĩ rằng ngành bán lẻ thuốc tây đang dễ ăn vì chưa có chuỗi nào lớn chiếm quá 10% thị phần, dư địa còn rất lớn; và việc MWG không mua trọn chuỗi này là có "trục trặc" trong định hướng kinh doanh. Tuy nhiên lí giải từ MWG lại rất đơn giản: MWG không mua trọn chuỗi nhà thuốc An Khang không phải vì vấn đề vốn vì họ đã chuẩn y khoản ngân sách cho việc này lên đến 2.500 tỉ đồng, và càng không phải "trục trặc" về định hướng kinh doanh, việc điều chỉnh nhằm tập trung nguồn lực đẩy mạnh chuỗi Bách Hóa Xanh đang còn non trẻ để vươn lên vị trí số 1 thị trường như chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đã đạt được.

Cũng trong năm 2018, MWG công bố điều chỉnh kế hoạch mở rộng chuỗi Bách Hóa Xanh. Thay vì đặt mục tiêu 1.000 cửa hàng thì MWG đã giảm xuống còn 500. Sự điều chỉnh này hoàn toàn hiểu được là MWG từ bỏ phương hướng chạy theo số lượng cửa hàng trên diện rộng, sẽ phải đầu tư nhiều tiền của hơn (ghi lỗ) và tuyển dụng nhiều hơn trong khi doanh số tại mỗi cửa hàng lại không đạt được mục tiêu, từ đó ảnh hưởng đến giá cổ phiếu MWG trên thị trường chứng khoán. Điều này phản ánh rất rõ qua giá cổ phiếu MWG trong khoảng thời gian từ tháng 4-7/2018 sụt giảm mạnh so với khoảng thời gian từ tháng 12/2017 đến trung tuần tháng 3/2018.

Đa phần nhà đầu tư cá nhân khá thận trọng với cổ phiếu MWG cho đến hết tháng 7/2018 (kết quả kinh doanh 7 tháng được MWG công bố trên website mwg.vn vào nửa cuối tháng 8) ngay cả khi MWG cho thấy sự điều chỉnh theo hướng gia tăng hiệu quả của chuỗi Bách Hóa Xanh hơn là chạy theo số lượng cửa hàng. Có lẽ một phần khi nhìn vào biên độ tăng trưởng của chuỗi Thế Giới Di Động người ta không thấy có thể kì vọng về một sự đột phá nữa.

Và lần điều chỉnh thứ ba, chính là thu hẹp ngành hàng kinh doanh của Vuivui.com. Theo tôi có hai khả năng có thể xem như lí do: Thứ nhất "giữa muôn trùng vây" của các "ông lớn" thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… với các tập đoàn tầm cỡ và nguồn vốn đầu tư dồi dào, Vuivui.com khó mà có thể đương đầu nổi. Hoặc muốn cạnh tranh lại thì Vuivui.com phải "đốt tiền", trái với triết lí kinh doanh của HĐQT MWG khi ra mắt Vuivui.com. Đã không hiệu quả thì cắt bớt, cũng giúp giảm lỗ, và chọn thị trường ngách hoặc hướng rẽ khả dĩ hơn để đi. Thứ hai, trong việc điều chỉnh này, cũng có thể Vuivui.com sẽ gắn chặt hơn và sẽ trở thành "cánh tay online" của chuỗi Bách Hóa Xanh.

Cần thiết và tỉnh táo

Những điều chỉnh cho thấy MWG đã nhận thức được và dẹp bỏ ảo tưởng về sức mạnh của mình rằng một chuỗi bán lẻ đang số 1 Việt Nam về điện thoại và điện máy là có thể đầu tư dàn hàng ngang và thành công. Ngược lại, việc dàn hàng ngang cho thấy thiếu mũi nhọn tập trung, phân tán nguồn lực, có thể dẫn đến hệ lụy là thứ gì cũng có mà không mạnh. Mặt khác, công thức thành công từ chuỗi Thế Giới Di Động không đồng nghĩa có thể áp dụng nguyên xi vào chuỗi Điện Máy Xanh rồi Bách Hóa Xanh sẽ mang lại thành công như nhau.

Việc "chuyển hướng đội hình" từ dàn hàng ngang sang dàn thành mũi nhọn tất cả vì Bách Hóa Xanh sau khi chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đã ổn định và tăng trưởng tốt cho thấy một sự tỉnh táo.

Một trong những điểm đáng chú ý trong những lần điều chỉnh của MWG là cả trong và ngoài. "Trong" ở đây là điều chỉnh ngay trong nội tại chuỗi Bách Hóa Xanh không chạy theo số lượng nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh tại mỗi cửa hàng giúp cho tình trạng lỗ giảm dần. Còn "ngoài" là điều chỉnh các ngành hàng khác để tập trung nguồn lực và hỗ trợ cho Bách Hóa Xanh (chuỗi nhà thuốc An Khang và Vuivui.com). Có lẽ sự băn khoăn nhất còn lại chính là thương vụ mua lại Trần Anh chưa phát huy được hiệu quả kinh doanh sau sáp nhập.

Báo cáo tóm tắt kết quả kinh doanh 8 tháng; đầu năm 2018 của MWG cho thấy chuỗi Bách Hóa Xanh đã tìm ra mô hình chuẩn "thịt tươi, cá lội" cho các cửa hàng từ 160-200m2. Chuỗi Bách Hóa Xanh đã tăng số cửa hàng lên 405 với tổng doanh thu trên 420 tỉ đồng trong tháng 8. Khi những cửa hàng mô hình chuẩn đạt mức doanh thu trung bình trên 1,1 tỉ đồng/cửa hàng/tháng và sẵn sàng mở rộng ra các khu vực tại TP.HCM và một số tỉnh thành, cho thấy công thức thành công cho chuỗi Bách Hóa Xanh đang dần ló dạng. Và chuỗi này cũng chuẩn bị tiến dần đến điểm hòa vốn EBITDA (lợi nhuận chưa bao gồm thuế, lãi vay và khấu hao) tại cửa hàng.

Trong quí II/2018 đã có một số dư luận và phân tích của các chuyên gia tài chính, chứng khoán và cả bán lẻ là MWG đã đi sai nước cờ khi mở chuỗi Bách Hóa Xanh vì bị lỗ từ ngày đầu đến giờ.

Nhưng tôi lại không nghĩ vậy. Và tôi cho rằng đó là một nhận định quá vội vã.

Nếu chúng ta nhìn lại chuỗi Điện Máy Xanh từ những năm 2010-2012 cực kì gian nan và thậm chí đã tưởng là "chết yểu" nhưng sau khi MWG tìm được công thức thành công đã mở rộng nhanh chóng và rất nhanh vượt qua chuỗi số 1 một thời là Nguyễn Kim. Bây giờ, Điện Máy Xanh mới là chuỗi mang lại doanh thu lớn nhất cho MWG, chiếm 55,2% tổng doanh thu tính đến tháng 8/2018 và thị phần còn có thể tăng thêm thay vì đã bão hòa như chuỗi Thế Giới Di Động.

Cùng với tình hình cải thiện của chuỗi Bách Hóa Xanh, giá cổ phiếu MWG trên thị trường chứng khoán cũng đã cải thiện nhiều từ giữa tháng 7/2018 trở lại đây, tăng hơn 10%, cao hơn mức điểm vào thời điểm VN-Index vượt ngưỡng 1.100 điểm vào cuối tháng 3/2018.  

Và tôi cho rằng, những lần điều chỉnh định hướng kinh doanh của MWG là đúng hướng và bước đầu cho thấy hiệu quả.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác