VnReview
Hà Nội

Đồng sáng lập WhatsApp: từng tranh cãi gay gắt với Mark Zuckerberg về cách kiếm tiền, sẵn sàng bỏ 850 triệu USD sau lưng

Đồng sáng lập WhatsApp Brian Acton tiết lộ, anh không mấy thân thiết với CEO Mark Zuckerberg kể từ khi ứng dụng bị Facebook mua lại và hơn hết, anh không đồng quan điểm với Mark về đường lối phát triển và kiếm tiền từ WhatsApp.

Sau hơn một năm rời khỏi Facebook, đồng sáng lập WhatsApp Brian Action mới có dịp chia sẻ với giới truyền thông về khoảng thời gian khi anh còn làm việc "dưới trướng" Facebook và Mark Zuckerberg.

Theo chia sẻ với Forbes, anh cảm thấy bản thân đang phải đánh đổi quyển riêng tư của người dùng sau khi Facebook mua lại WhatsApp vào năm 2014 với giá 22 tỷ USD. Sau thỏa thuận bất ngờ này, Brian Action đã phải trải qua những tháng ngày long đong trong công việc khi "về nhà mới".

Brian tiết lộ, anh từng căng thẳng và bất đồng chính kiến với CEO Facebook Mark Zuckerberg và COO Sheryl Sandberg. Nguyên nhân gây căng thẳng chủ yếu liên quan đến đường lối phát triển WhatsApp và cách kiếm tiền từ nó. Cả Brian và đồng sáng lập Jan Koum đều phản đối quyết định áp dụng mô hình quảng cáo "cá nhân hóa" của Facebook lên WhatsApp.

Mô hình quảng cáo trên của Facebook cho phép các nhà quảng cáo có thể sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng để nhắm chính xác tới các khách hàng mục tiêu mà họ cần. Trong khi đó, quảng cáo lại là nguồn thu chính của Facebook và mạng xã hội này chẳng còn cách nào khác ngoài việc chèn quảng cáo vào WhatsApp.

Về phần mình, Acton đã đề xuất kiếm tiền trên WhatsApp bằng mô hình tính phí người dùng, ví dụ buộc người dùng phải trả 0,001 USD sau khi họ sử dụng hết tin nhắn miễn phí. Action cho rằng, đây là một chiến lược đơn giản, có thể xây dựng được ở mọi quốc gia.

Nhưng COO Sandberg đã lên tiếng phản đối ngay và cho rằng, cách kinh doanh này không thể giúp Facebook kiếm được nhiều tiền hơn.

Nhấn mạnh với Forbes, Acton cho biết: "Tôi nghĩ là tôi đã nói ra quan điểm của mình rồi. Họ là những doanh nhân giỏi với các nguyên tắc và đạo đức kinh doanh của riêng họ. Nhưng tôi không nhất thiết phải tuân theo các chính sách đó".

Khẩu hiệu của Brian Action với ứng dụng WhatsApp trước nay vẫn là "không có quảng cáo, không game và không có bất kỳ mánh lới nào".

Trước đó Acton từng nói với Zuckerberg về quyết định sẽ rời công ty và bán lại cổ phiếu nếu như Facebook vẫn tiếp tục đưa quảng cáo lên WhatsApp. Nhưng về phần Mark, anh chỉ đáp rất gọn gàng với Action: "Đây có lẽ là lần cuối anh nói chuyện với tôi".

Sự bất đồng giữa hai đồng sáng lập WhatsApp và Mark Zuckerberg đã kéo dài âm ỉ cho tới khi đồng sáng lập Brian từ chức vào năm 2017 và sau đó là CEO Jan Koum vào hồi tháng 4/2018. Brian có chụp lại ảnh giá cổ phiếu công ty lúc bấy giờ trên đường ra khỏi cửa, và quyết định từ chức đã khiến anh mất 850 triệu USD.

Trong một câu chuyện liên quan khác, Brian Action khẳng định, Facebook từng nhờ anh giúp đỡ thảo luận với các quan chức EU về lo ngại liên quan đến việc liên kết tài khoản sau thương vụ mua lại hồi năm 2014.

Facebook chưa bình luận gì về bài trả lời phỏng vấn của Brian Action. Tuy nhiên, giám đốc cấp cao của Facebook, David Marcus đã đăng đàn chia sẻ về hai đồng sáng lập WhatsApp. Ông nói: "Những người sáng lập WhatsApp được bố trí riêng một văn phòng và họ có nhiều không gian cá nhân hơn bất cứ ai tại Facebook".

Kết thúc bài phỏng vấn, Brian Acton chia sẻ với tâm trạng có phần buồn rầu: "Rốt cuộc thì tôi cũng đã bán công ty. Tôi đã bán quyền riêng tư của người dùng để đổi lấy một lợi ích lớn hơn. Tôi đã lựa chọn thỏa hiệp và tôi phải chấp nhận sống với thực tại đó mỗi ngày".

Bài phỏng vấn với Brian Acton được đăng tải không lâu sau khi hai đồng sáng lập Instagram là Kevin Systrom và Mike Krieger quyết định ra đi. Theo tiết lộ của Bloomgberg, sự ra đi của hai CEO Instagram cũng liên quan tới việc ông chủ Facebook can thiệp quá sâu vào đường lối phát triển của Instagram.

Không rõ những chia sẻ của Brian Acton có chính xác hay không những rõ ràng mối quan hệ giữa ban lãnh đạo Facebook và các công ty con đang không được tốt đẹp. Thật khó để biết cơn sóng ngầm trong nội bộ Facebook bao giờ mới hạ nếu như Mark Zuckerberg và CEO của các công ty con vẫn tiếp tục tranh cãi về định hướng phát triển.

Tiến Thanh

Chủ đề khác