VnReview
Hà Nội

Có hơn 42 tỉ USD, Facebook có thể tiêu kho tiền khổng lồ của mình như thế nào?

Gã khổng lồ mạng xã hội đang tích trữ hàng chục tỷ USD một cách thần tốc. Dưới đây là những cách mà họ có thể tiêu khoản lợi nhuận dồi dào của mình.

Khi bạn nghĩ đến những công ty "bơi" trong hàng đống tiền, Facebook có lẽ không phải là cái tên đầu tiên xuất hiện trong tâm trí.

Gã khổng lồ mạng xã hội này chỉ mới 14 năm tuổi và đã thực hiện một cơ số các vụ thâu tóm "có số má" trong lịch sử, bao gồm việc bỏ ra 19 tỷ USD vào dịch vụ nhắn tin WhatsApp trong năm 2014. Tuy nhiên, với biên độ lợi nhuận rất lớn, Facebook đã xây dựng nên một "tổ trứng" đáng nể chỉ trong một khoảng thời gian vài năm ngắn ngủi. Công ty này hiện có tổng số tiền mặt và chứng khoán trị giá 42,3 tỷ USD, trong khi tổng số nợ phải trả về mặt giấy tờ chỉ 10,9 tỷ USD mà thôi. Liệu đây có phải là lúc Facebook nên rút ví ra để thực hiện một vụ thâu tóm rình rang khác hay không? Hãy cùng phân tích xem họ có thể tiêu núi tiền đó như thế nào!

1. Thâu tóm

Trong lịch sử ngắn ngủi của mình, Facebook chưa bao giờ e dè chuyện thâu tóm. Bên cạnh WhatsApp, gã khổng lồ mạng xã hội còn nắm quyền kiểm soát ứng dụng chia sẻ ảnh phổ biến Instagram với giá 1 tỷ USD vào năm 2012 và Oculus, hãng sản xuất thiết bị thực tế ảo với giá 3 tỷ USD vào năm 2014. Instagram hiện là một trong những thương vụ thâu tóm thành công nhất trong lịch sử làng công nghệ, khi mà ứng dụng này hiện có hơn 1 tỷ người dùng, trong lúc cả WhatsApp và Oculus vẫn chưa mang lại những "quả ngọt" đáng kể nào cho Facebook.

Facebook từ lâu đã luôn tìm cách thu nạp các công ty truyền thông xã hội khác về dưới trướng mình - họ xem đó là cách tốt nhất để chấm dứt sự cạnh tranh và tăng cường sức mạnh cho các nền tảng startup như Instagram, bởi các startup này có thể được hưởng lợi từ nguồn vốn dồi dào, cơ sở hạ tầng công nghệ, và kỹ năng quảng cáo siêu việt của Facebook. Công ty thậm chí còn nhăm nhe thâu tóm Snap Inc., đề xuất mức giá mua lại vào khoảng 3 tỷ USD hồi năm 2013 sau khi nhận thấy một mối đe doạ tiềm tàng từ Snapchat. Sau khi bị từ chối, Facebook đã không ngần ngại sao chép tính năng "Stories" từ Snapchat, mang nó lên Instagram trước, và sau đó đến lượt Facebook cùng WhatsApp - một nước đi khôn ngoan giúp trung hoà mối đe doạ từ đối thủ.

Hiện nay, chiến trường truyền thông xã hội có vẻ khá thưa thớt các bên tham chiến, ít nhất là bên ngoài Trung Quốc. Đó là cuộc chiến giữa Facebook, với đội quân công ty con; Twitter, đang trở lại mạnh mẽ trong năm nay, nhưng lại gặp vấn đề đến từ những nội dung mang tính quấy rối đang lan rộng, cũng như vấn đề hack liên quan chính trị mà Facebook từng gặp trước đây; và Snap, công ty có giá cổ phiếu vừa rớt xuống mức thấp nhất kể từ thời điểm IPO năm ngoái, trong lúc chỉ số tăng trưởng người dùng đang chậm dần đi. Sự hứng thú của Facebook đối với Snap có lẽ đã nguội lạnh, bởi họ đã tung ra tính năng Stories cho mọi nền tảng đang sở hữu.

Một thương vụ thâu tóm khả thi với Facebook lúc này là Match Group, công ty mẹ của Tinder và là công ty dẫn đầu ngành công nghiệp hẹn hò trực tuyến, với giá trị lên đến 16 tỷ USD. Facebook cho biết hồi đầu năm nay rằng hãng có thể sẽ tung ra dịch vụ hẹn hò của riêng mình, nhưng thâu tóm Match sẽ mang lại cho Facebook một con đường dễ dàng hơn để khẳng định sức mạnh trong ngành công nghiệp đang bùng nổ này. Phạm vi hoạt động của Facebook và Match có một sự trùng lặp tự nhiên, và khả năng quảng cáo nhạy bén của Facebook có thể tạo lợi thế cho các sản phẩm dựa trên quảng cáo của công ty. Tuy nhiên, những công ty như Match có thể không mấy hào hứng bán mình cho Facebook sau một năm trời đầy scandal đã huỷ hoại hình ảnh và niềm tin của người dùng đối với Facebook. Các cơ quan quản lý cũng sẽ không sẵn lòng chấp thuận những vụ thâu tóm trong tương lai bởi lo sợ quyền lực vốn đã khủng khiếp của Facebook trên thị trường sẽ còn to lớn hơn nữa. Việc Facebook thâu tóm Match cũng sẽ khiến những người tham gia hẹn hò trực tuyến - những người không hề tin tưởng giao phó thông tin cá nhân của họ cho Facebook và sẽ bực tức trước việc gã khổng lồ mạng xã hội thâm nhập sâu hơn vào cuộc sống riêng tư - từ bỏ dịch vụ hẹn hò yêu thích.

Facebook Dating - dịch vụ hẹn hò trực tuyến của Facebook hiện đang thử nghiệm ở Colombia

Lý do Facebook không thực hiện vụ thâu tóm lớn nào trong hơn 4 năm - khoảng thời gian mà tiền mặt và cổ phiếu của hãng tăng gấp hơn 4 lần - có lẽ đơn giản là vì công ty chưa thấy có gì xứng đáng để bỏ tiền ra, đặc biệt sau hai thương vụ thâu tóm WhatsApp và Oculus - những thương vụ chưa hoàn toàn tạo ra tiền cho Facebook.

2. Chia cổ tức

Facebook chưa bao giờ chia cổ tức, và việc này thường được xem là một lời nguyền rủa trong thế giới công nghệ. Cựu CEO Apple, Steve Jobs, từng từ chối chia cổ tức dù Apple sở hữu một lượng tiền mặt khổng lồ, và công ty mẹ của Google là Alphabet cũng chưa bao giờ chia cổ tức dù có hơn 100 tỷ USD dưới hình thức tiền mặt và các khoản đầu tư khác. Trong ngành công nghiệp công nghệ, chia cổ tức hàng quý là dấu hiệu cho thấy giai đoạn phát triển của công ty đang chấm dứt và nó đã đạt đến độ "chín" - tức thời điểm nó được xem đơn giản chỉ là một cỗ máy in tiền mà thôi.

Tuy nhiên, Facebook lại là một ứng viên sáng giá để trở thành một công ty chuyên chia cổ tức. Facebook sản sinh tiền mặt tương tự một vài doanh nghiệp khác, với thu nhập ròng đạt 19,1 tỷ USD và dòng tiền tự do đạt 17,6 tỷ USD trong 4 quý vừa qua, và hãng cũng công bố hệ số lợi nhuận hoạt động đạt 44% trong quý gần đây nhất. Hiện giá trị P/E của Facebook đã giảm chỉ còn 25, hãng có thể mang lại con số tỉ suất cổ tức khá hợp lý nếu chọn hoàn trả vốn cho các cổ đông. Tuy nhiên, công ty đã nhiều lần từ chối ý tưởng chia cổ tức với lý do rằng tốt hơn nên để tiền đầu tư vào các cơ hội phát triển - một lý do hợp lý không kém. Dù giá trị của Facebook có thể cho thấy một cái nhìn khác, hãng vẫn là một công ty phát triển.

3. Mua lại cổ phiếu

Mua cổ phiếu ngày càng trở nên phổ biến trong vài năm gần đây, khi mà các CEO như Warren Buffett nhận thấy các thương vụ thâu tóm là quá đắt đỏ và các công ty ngày càng có ít cơ hội phát triển hơn trong bối cảnh bước vào năm thứ 10 của một nền kinh tế đang mở rộng.

Dù Facebook từ chối chia cổ tức, hãng lại có hứng thú với việc mua lại cổ phiếu. Facebook công bố chương trình mua lại đầu tiên vào năm 2016, chấp nhận chi 6 tỷ USD và đẩy mạnh dần việc mua lại kể từ thời điểm đó. Trong quý gần đây nhất, công ty đã mua lại 3,35 tỷ USD, một kỷ lục, thế nhưng số lượng cổ phiếu có thể bán ra của công ty chỉ giảm 0,7% so với năm ngoái, một phần bởi cơ chế quyền phát hành cổ phiếu mà công ty sử dụng.

Tuy nhiên, với việc giá cổ phiếu giảm xuống mức khá khiêm tốn, và tỉ số P/E của Facebook đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay, chỉ 25 mà thôi, về cơ bản tương đồng với S&P 500 ở mức 25.3, cổ phiếu đang rẻ hơn so với trước đây và có giá rất hợp lý so với mặt bằng trung bình của thị trường.

Việc mua lại cổ phiếu sẽ giúp công ty tận dụng lợi thế của giá cổ phiếu đang giảm, đồng thời tăng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu bằng cách giảm số lượng cổ phiếu còn tồn đọng. Nó còn gửi một tín hiệu đến thị trường rằng hãng tin rằng cổ phiếu của mình đang ở mức rẻ.

Dù mua lại cổ phiếu có thể khá mạo hiểm, bởi các công ty thường trả vượt mức cho cổ phiếu của chính họ và tiêu tiền mặt mà họ cần sau này, có vẻ như đây là lựa chọn tốt nhất đối với Facebook, đặc biệt khi xét cổ phiếu đang rẻ và khối tiền mặt họ đang tích trữ khá lớn. Công ty đặt mục tiêu tạo ra hơn 20 tỷ USD lợi nhuận trong năm nay, và kết quả doanh thu sau thuế của hãng có khả năng tiếp tục tăng trưởng trong nhiều năm sắp tới.

Một lựa chọn hợp lý

Có vẻ như không có bất kỳ thương vụ thâu tóm nào đáng để Facebook thực hiện, và các cơ quan quản lý, hay mục tiêu tiềm năng, chắc chắn sẽ tỏ ra ngờ vực đối với lời đề nghị của Facebook, xét một loạt các scandal gần đây và quyền lực thị trường đáng kể trong lĩnh vực truyền thông xã hội của Facebook. Chia cổ tức cũng có vẻ như là một lựa chọn khó diễn ra ở thời điểm hiện tại, bởi Facebook vẫn đang tăng trưởng nhanh, do đó các nhà quản lý Facebook sẽ tỏ ra miễn cưỡng trong việc thực hiện cam kết rút dòng tiền mặt để thực hiện chia cổ tức.

Những điều nói trên đã biến việc mua lại cổ phiếu trở thành lựa chọn tốt nhất của công ty. Mua lại cổ phiếu sẽ giúp hoàn vốn cho các cổ đông, tận dụng lợi thế của giá trị thấp và tăng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu. Quan trọng hơn cả, với việc mua lại cổ phiếu, Facebook ít ra có thể có một lý do chính đáng để sử dụng núi tiền đang tăng ngày một nhanh của mình.

Minh.T.T

Chủ đề khác