VnReview
Hà Nội

Google biết những gì về bạn?

Gã khổng lồ tìm kiếm đã trở thành "anh cả" của Internet như thế nào?

Ban đầu Google là một công cụ tìm kiếm hữu ích cố gắng quét toàn bộ thế giới web. Khẩu hiệu "Don't be evil" (đừng xấu xa) trước đây của công ty đã được nhúng vào mã quy tắc ứng xử trong những năm đầu thành lập, những ngày đầu tiên của Internet vào năm 1998. Google lúc đó lấy tên theo cảm hứng từ 'googol', ám chỉ số 10 mũ 100. Hay nói cách khác, là một con số cực kỳ lớn.

Khi công ty phát triển, hãng đã tham gia vào các lĩnh vực nội dung trực tuyến khác, bao gồm Gmail, bộ ứng dụng văn phòng trực tuyến Google Documents, cũng như lưu trữ đám mây cá nhân Google Drive và điều hướng bản đồ Google Maps.

Google cũng phát triển các hệ điều hành từ nguồn gốc Linux, bao gồm cả hệ điều hành Android được sử dụng trên phần lớn điện thoại thông minh hiện nay và Chromebook dựa trên Chrome OS. Tất cả những hình ảnh trên smartphone Android được đưa vào Google Photos một cách rất tự nhiên.

Cuối cùng, đừng quên trình duyệt Chrome hiện đã có sẵn trên nhiều nền tảng và chiếm hơn 2/3 thị phần trình duyệt toàn cầu kể từ tháng 9/2018. Đối với hầu hết người dùng, Google và các sản phẩm của Google thực sự có ở khắp mọi nơi.

Những câu hỏi về dữ liệu

Với vô số nguồn khai thác, Google nhanh chóng thu được rất nhiều thông tin về mỗi người dùng. Điều này đặt ra câu hỏi: công ty đang làm gì với tất cả dữ liệu này? Câu trả lời rất đơn giản: "cần câu cơm" của Google -; cá nhân hóa quảng cáo, còn được gọi là quảng cáo nhắm mục tiêu.

Điều này đặc biệt có giá trị, thay vì chỉ hiển thị quảng cáo ngẫu nhiên cho những người dùng ngẫu nhiên, giống như quảng cáo truyền thống mà ngành truyền hình, radio và quảng cáo in đang thực hiện, Google có thể nhắm quảng cáo mục tiêu đến những người dùng cụ thể.

Quảng cáo mục tiêu của Google hiện ra rất rõ ràng, khi một người dùng tìm kiếm một sản phẩm hay dịch vụ nào đó, và chỉ ngay sau đó, những quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ đó hiện ra khắp màn hình của họ - ngay cả trên một thiết bị khác - có vô số quảng cáo được hiển thị không chỉ cho mục được tìm kiếm mà còn hiển thị các sản phẩm cạnh tranh trong danh mục đó, vì giả định nếu bạn đang tìm kiếm điều cụ thể đó, thì bạn là người mua tiềm năng cho tất cả các sản phẩm này.

Google luôn nói rằng hãng không bán thông tin cá nhân của bạn cho bất kỳ ai, và công khai tuyên bố những dữ liệu này được thu thập để cá nhân hóa quảng cáo. Giờ, chúng ta hãy thử xem chính xác dữ liệu đến từ đâu và Google đã thu thập được bao nhiêu dữ liệu.

Tất cả bắt đầu bằng tìm kiếm

Bộ sưu tập dữ liệu của Google bắt đầu từ công cụ tìm kiếm của hãng, bởi vì công cụ tìm kiếm theo dõi mọi chủ đề người dùng tìm kiếm. Sau đó, Google hiển thị quảng cáo có liên quan đến các tìm kiếm đó và tiếp tục theo dõi những quảng cáo mà người dùng nhấp vào để đánh giá sở thích và lại tiếp tục nhắm mục tiêu quảng cáo. Sau đó, Google sẽ tổng hợp toàn bộ danh sách các chủ đề có liên quan đến từng cá nhân cụ thể.

Ngoài việc lấy dữ liệu từ thiết bị di động của bạn, Google còn tạo ra danh sách thông tin cá nhân bao gồm tên, nickname, email, số điện thoại, ngày sinh, giới tính và vị trí của bạn.

Đọc cả Gmail của bạn?

Không chỉ về tìm kiếm, quá trình thu thập dữ liệu còn tiếp tục với nền tảng email của Google. Gmail có toàn bộ danh sách các địa chỉ liên hệ bạn gửi và nhận email. Một yếu tố gây tranh cãi đặc biệt ở đây là nội dung của các email được gửi và nhận đã được các bên thứ ba phân tích cho mục đích nhắm mục tiêu quảng cáo.

Gần đây, Google tuyên bố đã ngừng quét email của người dùng, nhưng các ứng dụng của bên thứ ba vẫn hoạt động bình thường, và đó là vấn đề.

Các dịch vụ khác của Google còn cung cấp thêm dữ liệu để thu thập và phân tích. Một số ứng dụng hiển thị điều này rõ ràng hơn, chẳng hạn như các đoạn trò chuyện trong Google Hangouts. Tuy nhiên, những ứng dụng khác có thể không cho thấy thu thập dữ liệu rõ ràng ngay lập tức, chẳng hạn như Google Photos, ở đây dữ liệu được thu thập về người và địa điểm được gắn thẻ và hình ảnh được phân tích sao cho tất cả hình ảnh của chó hoặc mèo có thể được nhóm lại với nhau. Thậm chí, khi Google phân tích hình ảnh bằng cách sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để xác định ai là người nào trong ảnh, đã có một vụ kiện về quyền riêng tư sinh trắc học ở Illinois về vấn đề này.

Google Maps

Không dừng lại ở đó, Google sử dụng dịch vụ Google Maps để thu thập thông tin qua trình duyệt trên máy tính để bàn và điện thoại thông minh. Để dịch vụ này hoạt động, nó cần phải có một số dữ liệu cá nhân cần thiết, chẳng hạn như địa chỉ nhà riêng và cơ quan của bạn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hướng.

Tuy nhiên, mọi thứ nhanh chóng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của người dùng, Google theo dõi không chỉ là địa chỉ tìm kiếm, mà còn cả những nơi người dùng thường đi đến hàng ngày, gồm cả quãng đường lái xe, đi bộ, các cửa hàng và nhà hàng thường ghé qua, và lượng thời gian dành cho mỗi địa điểm. Google sẽ biết, ví dụ, bạn có dừng lại ở một đại lý xe hơi không, và sau đó sử dụng thông tin này để phục vụ quảng cáo liên quan đến xe hơi.

Và những dịch vụ khác

Google tiến hành thu thập dữ liệu với các dịch vụ khác, như Google Calendar, chuyên theo dõi các cuộc hẹn - để thuận tiện cho việc giới thiệu đến người dùng những sự kiện xã hội, và như thế chúng ta lại sẵn sàng trao tất cả các dữ liệu của mình cho Google. Chỉ cần hình dung xem các nhà quảng cáo sẽ kiếm lợi nhuận lớn như thế nào khi biết về đám cưới sắp tới của bạn, về việc bạn muốn bán nhà hay bữa tiệc sinh nhật mà bạn đang lên kế hoạch.

Google News cũng giúp Google biết bạn đang xem tin tức nào, và chẳng mấy chốc thì Google mọi thứ về sở thích của bạn: bạn thích đọc nội dung gì, thích ca sĩ nào, hay đặc biệt là quan điểm chính trị ra sao. Trong khi đó, Google Fit là một kho dữ liệu quý báu khác, một ứng dụng gọn gàng có thể theo dõi hoạt động của người dùng suốt cả ngày.

Ngoài ra, Google còn thu thập dữ liệu người dùng từ các sản phẩm như bộ ứng dụng văn phòng trực tuyến G Suite và các nội dung được lưu vào bộ nhớ đám mây dưới dạng Google Drive. Google cũng sở hữu trang web phát trực tuyến video YouTube và bạn có thể chắc chắn rằng công ty theo dõi mọi thứ bạn xem và đưa vào cơ sở dữ liệu của nó.

Kết luận

Trong khi Google giúp chúng ta hình thành nên mạng Internet hiện đại với nhiều dịch vụ của hãng, chúng ta cũng phải trả giá đắt cho những dữ liệu cá nhân của mình, và thậm chí không ít người còn chẳng nhận ra điều đó.

Giải pháp để giải quyết vấn đề này bao gồm những tùy chọn không thu thập dữ liệu khi có thể và sử dụng các dịch vụ khác ngoài Google, mặc dù trong hầu hết các trường hợp, điều này rồi cũng chỉ có nghĩa là bạn lại cung cấp dữ liệu cho một gã khổng lồ công nghệ khác như Apple hoặc Microsoft mà thôi.

Theo Techradar, nếu không sử dụng các giải pháp tốt hơn, chẳng hạn như lướt web với mạng riêng ảo VPN hay sử dụng nhiều dịch vụ ẩn danh hơn thì chắc chắn sẽ không có một điều gì gọi là riêng tư trên internet.

Hoàng Lan

Chủ đề khác