VnReview
Hà Nội

Google yêu cầu nhà sản xuất Android trả tiền để cài sẵn Play Store, Chrome,... tại châu Âu

Nhưng bản thân Android vẫn sẽ "mở và miễn phí".

Google đang thay đổi chính sách cấp phép sử dụng bộ ứng dụng Android của mình ở châu Âu. Theo đó nhà sản xuất phải trả một khoản phí bản quyền nếu muốn cài sẵn Play Store và các dịch vụ Google lên thiết bị của mình.

Theo The Verge, thay đổi này được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu (EC) phạt Google 5 tỷ USD do vi phạm luật chống độc quyền, họ yêu cầu Google ngừng cài sẵn Chrome và Google Search một cách "bất hợp pháp" trên Android.

Vì doanh thu chủ yếu đến từ Chrome và quảng cáo, từ trước đến nay Google chưa bao giờ thu phí cho Android và ứng dụng của mình. Nhưng giờ đây việc thu phí cài đặt bộ ứng dụng trên Android sẽ là nguồn thu mới cho Google, thậm chí nó còn áp dụng với Play Store, thường được xem là phần cốt lõi của Android nhưng thực chất cũng là một dịch vụ Google.

Cũng đừng quá lo lắng bởi bản thân Android vẫn sẽ mở và miễn phí, tức nhà sản xuất vẫn có thể tùy biến theo cách của riêng họ, chỉ có điều họ phải trả tiền nếu muốn cài sẵn Play Store và các dịch vụ của Google tại châu Âu mà thôi.

Google cũng đưa ra các gói thỏa thuận khác nhau để nhà sản xuất lựa chọn:

- Chỉ có Android (Android Open Source Project): miễn phí
- Play Store và các dịch vụ của Google (Gmail, Maps, YouTube,...): trả tiền theo thỏa thuận
- Chrome và Google Search: có thể thêm vào thỏa thuận, miễn phí nhưng không bắt buộc

Hiện chưa rõ mức phí nhà sản xuất phải trả là bao nhiêu, nhưng tóm lại giờ đây họ phải trả tiền nếu muốn cài sẵn bất cứ dịch vụ nào của Google lên thiết bị Android của mình.

Từ ba gói thỏa thuận trên, nhà sản xuất sẽ có ba lựa chọn: tạo ra thiết bị Android không có Play Store hay bất cứ dịch vụ Google nào; tạo ra thiết bị có sẵn Play Store, toàn bộ dịch vụ Google trừ Chrome và Search; tạo ra thiết bị cài sẵn tất cả dịch vụ trên (như hiện nay).

Nghe có vẻ không ảnh hưởng nhiều (nhất là gói thứ hai), nhưng đó là vấn đề thực sự với Google bởi họ có thể mất đi khoản doanh thu khổng lồ vào tay các trình duyệt và bộ máy tìm kiếm khác nếu chúng được cài làm mặc định.

Vẫn còn một thay đổi quan trọng nữa. Trước đây Google yêu cầu nhà sản xuất, nếu đang sản xuất thiết bị cài sẵn Play Store thì không được làm ra những thiết bị khác chạy các bản Android "bào chế" (forked version), nhưng giờ điều đó đã được chấp nhận. Ví dụ, Samsung đang sản xuất Galaxy S9 với kho ứng dụng Play Store, nhưng họ có thể trình làng một chiếc Galaxy mới chạy Amazon Fire OS tại châu Âu mà không gặp vấn đề gì cả, trước đây làm như vậy là vi phạm chính sách của Google.

Tuy không bắt buộc trả tiền, nhưng Play Store vẫn là một phần quan trọng trên bất cứ thiết bị Android nào, do đó nếu muốn cài sẵn Play Store trên thiết bị một cách hợp pháp tại châu Âu, nhà sản xuất buộc phải trả tiền cho Google, không còn lựa chọn nào khác.

Do không có cách nào để khỏi trả phí, rất có thể người dùng sẽ chịu khoản phí đó bằng việc giá bán thiết bị sẽ cao hơn.

Tuy không muốn chia nhỏ Android với Chrome hay Search, nhưng để tuân theo EC, Google buộc phải làm như vậy. Người phát ngôn EC cho rằng chính sách này giúp các trình duyệt và công cụ tìm kiếm khác "cạnh tranh lành mạnh với Google".

Chính sách mới sẽ có hiệu lực từ ngày 29/10.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác