VnReview
Hà Nội

Google đòi phí bản quyền Play Store: tương lai của Android ở châu Âu rồi cũng sẽ như Trung Quốc

Cuối tháng này, Google sẽ yêu cầu châu Âu phải trả phí bản quyền Play Store và các ứng dụng như YouTube và Gmail nhằm tuân thủ luật chống độc quyền của Ủy ban Châu Âu.

Theo đó, các hãng sản xuất thiết bị sẽ sớm phải quyết định liệu có nên bỏ tiền ra để mang các dịch vụ của Google lên các smartphone của mình hay không, dù rằng bản thân hệ điều hành Android sẽ vẫn được phép sử dụng miễn phí. Với những điều kiện mới này, tương lai của Android tại châu Âu có thể sẽ biến đổi một cách đáng kể, trở thành một phiên bản bị cắt xén, với nền tảng hệ điều hành vẫn ở đó, nhưng lại được tích hợp những ứng dụng không thể so sánh được về mặt chất lượng với các dịch vụ từng một thời đóng vai trò quan trọng của Google trong Android.

Vậy tương lai đó sẽ trông như thế nào? Theo TheVerge, ví dụ nhãn tiền nhất chính là Trung Quốc, nơi Google bị cấm không thương tiếc. Tại quốc gia đông dân nhất thế giới này, mỗi công ty smartphone (không phải Apple) sử dụng một vài phiên bản Android khác nhau, và có đến hơn 400 cửa hàng ứng dụng (app store) nhằm thay thế cho Google Play Store. Trong số 400 cửa hàng đó, chỉ có 10 cửa hàng chiếm hầu hết thị phần, bao gồm Myapp của Tencent, 360 Mobile Assistant và Baidu Mobile Assistant. Play Store của Google - vốn có thể tải về nếu sử dụng VPN - chỉ chiếm 3% trong số các cửa hàng ứng dụng được cài đặt hồi tháng 7, theo công ty phân tích thị trường Newzoo.

Tất nhiên, vẫn có một sự khác biệt lớn khi so sánh châu Âu với Trung Quốc. Chính phủ nước này kiểm soát gắt gao gần như mọi mặt đời sống, trong đó có ngành công nghiệp công nghệ. Khá nhiều những gã khổng lồ công nghệ có khả năng sinh lời nhất Trung Quốc nhận được những khoản trợ cấp lớn từ chính phủ và thường tự mình kiểm duyệt nội dung cho phù hợp với quy định của nhà nước. Nhưng khi nói đến việc người dùng phải nhờ cậy một lượng lớn các cửa hàng ứng dụng để tìm được ứng dụng mong muốn, châu Âu hay Trung Quốc rồi cũng sẽ như nhau. Tại Trung Quốc, việc hình thành một hệ sinh thái kho ứng dụng (app store) bị phân mảnh như trên đã dẫn đến nhiều vấn đề không thể giải quyết được.

Không có app store nào ngang bằng nhau

Tại Trung Quốc, mỗi app store có một hệ thống đánh giá khác nhau và một cộng đồng người dùng thực hiện việc đánh giá ứng dụng khác nhau. Các cửa hàng khác nhau còn hiển thị các ứng dụng theo một trật tự khác nhau, với những phương thức của riêng họ trong việc ưu tiên ứng dụng nào được đưa lên đầu hay hiện ra trong các kết quả tìm kiếm. Ví dụ, Myapp của Tencent và 360 Mobile Assistant có các khu vực hiển thị các ứng dụng phổ biến nhất đối với nam và nữ. Sự phân mảnh rất lớn của Android tại Trung Quốc - biến thiên giữa các hãng sản xuất smartphone - đồng nghĩa với việc người dùng Trung Quốc trung bình sử dụng gần 40 ứng dụng trên điện thoại mỗi tháng và khoảng 11 ứng dụng mỗi ngày. Những số liệu này cao hơn một chút so với người dùng tại Mỹ và châu Âu. Người dùng Trung Quốc còn cài đặt tổng cộng khoảng 100 ứng dụng trên điện thoại của họ.

Vào năm 2013, 25% người dùng Trung Quốc cho biết tính năng quan trọng nhất trên một chiếc smartphone là nó phải có nhiều ứng dụng. Nhu cầu cài đặt nhiều ứng dụng hơn nữa đã dẫn đến việc các công ty smartphone Trung Quốc trở thành những người đầu tiên tung ra một chiếc smartphone với bộ nhớ trong lên đến 1TB!

Người dùng tải về nhiều app store để cài đặt những ứng dụng họ muốn

Người dùng Trung Quốc thường chọn bất kỳ app store nào họ cho là tiện lợi nhất, có nghĩa là phần lớn các trường hợp, họ sẽ sử dụng bất kỳ thứ gì được cài đặt sẵn trên máy. Các hãng sản xuất smartphone lớn của Trung Quốc - Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi - đều tích hợp các app store của riêng họ vào thiết bị bán ra. Tại "chợ xám", nơi điện thoại được bán ra mà không có giấy phép chính thức của chính phủ, chúng thường được cài sẵn các app store ít phổ biến hơn, góp phần tạo nên tình trạng phân mảnh trong thị phần. Chỉ 15% người dùng Trung Quốc vào năm 2012 mua điện thoại trực tiếp từ nhà sản xuất.

Một số ứng dụng còn nhận được cập nhật sớm và thường xuyên hơn tùy thuộc vào các nhà phát triển. Ví dụ, những người dùng ứng dụng WeChat của Tencent sẽ muốn tải về Myapp - nơi phiên bản mới nhất của ứng dụng truyền thông xã hội hàng đầu Trung Quốc này được tung ra trước mọi app store khác.

Các nhà phát triển ứng dụng đối phó với các ràng buộc ra sao

Bởi có quá nhiều app store, các nhà phát triển tại Trung Quốc phải đăng ký với từng app store nếu muốn đưa ứng dụng của mình lên đó. Ví dụ, hướng dẫn đánh giá ứng dụng của Huawei yêu cầu các nhà phát triển phải cung cấp số đăng ký, giấy tờ kèm theo, một phiên bản được dịch ra tiếng địa phương của ứng dụng của họ, và tuân thủ chặt chẽ các nội dung hướng dẫn. Dù quy trình không khác biệt nhiều giữa các app store, các nhà phát triển phải tốn rất nhiều thời gian mới đưa ứng dụng của họ đến tay đông đảo người dùng, thay vì chỉ đơn giản là đăng ký vào Play Store như các khu vực khác. Chính điều này đã làm nở rộ các công ty marketing tại Trung Quốc và các quan hệ đối tác "đưa đường" hứa hẹn sẽ giúp các nhà phát triển ứng dụng phân phối các ứng dụng của họ rộng rãi và dễ dàng hơn.

Bởi việc đăng ký để đưa một ứng dụng lên app store có thể tốn nhiều thời gian, nên một số nhà phát triển chỉ chọn một vài app store mang lại nhiều ưu đãi hơn. Ví dụ, Baidu Mobile Assistant hứa hẹn sẽ hiển thị các ứng dụng trong kết quả tìm kiếm. Các ứng dụng trả phí tại Trung Quốc không phổ biến lắm, và app store của Xiaomi là một trong số ít ưu tiên hiển thị chúng. 360 Mobile Assistant, mặt khác, từng một thời được yêu thích và đứng ở vị trí số 1 hoặc 2 trong các bảng xếp hàng 4 năm qua. Nhưng không may, 360 Mobile Assistant lại được làm bởi Qihoo 360, công ty tạo ra phần mềm bảo mật mà nhiều người gièm pha là bloatware làm chậm máy tính.

Tại Trung Quốc, các app store còn thu một khoản lợi nhuận khá lớn của các nhà phát triển so với App Store của Apple hay Google Play Store. Dù mức phần trăm chuẩn 30% của các khoản mua sắm trong ứng dụng (in-app) thường thuộc về các app store, thì các nhà mạng Trung Quốc còn lấy một phần 30% khác, trừ khi người dùng chi trả thông qua WeChat Pay hay Alipay. Tại châu Âu, tình hình có vẻ được kiểm soát tốt hơn, và các khoản phí được duy trì ở mức độ hợp lý hơn.

Mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào

Loại bỏ các dịch vụ Google tích hợp khỏi Android có thể tạo lợi thế cho các đối thủ. Không có các ứng dụng nền tảng như Google Maps hay YouTube được cài sẵn, tình hình cạnh tranh ở châu Âu sẽ trở nên sáng sửa hơn cho các công ty trong khu vực, cho phép họ có cơ hội tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng hoặc thông qua quan hệ đối tác với các nhà sản xuất.

Những người dùng chuyên nghiệp có thể tìm cách truy cập được các dịch vụ của Google thông qua một vài phương thức nào đó, có thể là dùng VPN như ở Trung Quốc. Hoặc có lẽ các hãng sản xuất thiết bị đơn giản là sẽ trả khoản phí mà Google đòi hỏi, khi mà hiện nay, chưa có một dịch vụ "nhà trồng" nào của châu Âu có khả năng cạnh tranh được với YouTube, Play Store, và Google Maps.

Minh.T.T

Chủ đề khác