VnReview
Hà Nội

TikTok và mộng “bá vương” chiếm lĩnh thị trường thế giới

TikTok giờ đây chính xác là một "cơn nghiện" mới trong giới trẻ và không chỉ dừng lại là một ứng dụng tạo video ngắn thú vị, TikTok còn muốn trở thành một mạng xã hội khổng lồ trên thế giới, cạnh tranh với cả Facebook hay Twitter.

Nếu như trước kia, các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc phải chật vật để chiến đấu với các đối thủ khác khi vươn ra biển lớn thì nay đã có một ứng dụng thành công và đủ sức cạnh tranh, đó là TikTok.

Chỉ trong khoảng hơn 2 năm ra mắt, ứng dụng mạng xã hội này đã có hơn nửa tỷ người dùng, khoảng 40% trong đó là người dùng ngoài Trung Quốc và khoảng 45 triệu người dùng mỗi ngày tại Trung Quốc.

TikTok là một ứng dụng mạng xã hội thú vị. Ở đó người dùng có thể thoải mái thể hiện bản thân trước ống kính. Họ có thể quay các video ngắn ghi lại cảnh hát hò, nhái giọng hay làm một biểu cảm, hành động kỳ quặc, dễ thương nào đó để khoe với bạn bè hoặc người thân.

Theo hãng tin;CNN, ứng dụng TikTok (tên gọi khác là Douyin) là sản phẩm của start-up Bytedance có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Dù là một ứng dụng có tuổi đời khá non trẻ nhưng TikTok đã bất ngờ vươn lên, thậm chí vượt mặt nhiều ứng dụng nổi tiếng của các ông lớn như WeChat (Tencent), Sian Weibo hay Youku (Alibaba).

Randy Nelson, người đứng đầu về mảng di động tại công ty phân tích Sensor Tower cho biết: "Điều tạo nên một ByteDance thành công như hiện nay là việc nó đã thành công trong lĩnh vực truyền thông mạng xã hội, lĩnh vực vốn đang bị các công ty phương Tây như Facebook, Twitter hay Snapchat chiếm giữ".

Chỉ sau chưa đầy 2 năm ra mắt, TikTok đang dần trở nên phổ biến hơn trong năm 2018. Theo Sensor Towter, ứng dụng hiện là 1 trong số 10 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên toàn thế giới. Trong đó, ByteDance đang sở hữu hai trong ba ứng dụng đó là TikTok và Vigo. Ứng dụng còn lại là Instagram của Facebook. Tính tới Q1/2018, TikTok  là ứng dụng được tải nhiều nhất trên App Store.

Thành công của ByteDance đã tạo ra hiệu ứng thu hút các nhà đầu tư, trong đó có quỹ đầu tư nổi tiếng SoftBank. Theo nhiều nguồn tin, SoftBank dự kiến sẽ đầu tư khoảng 75 tỷ USD vào ByteDance, một con số khổng lồ so với định giá thương hiệu của ByteDance hiện nay chỉ là 20 tỷ USD. Nếu thỏa thuận này được ký kết, ByteDance có thể trở thành một trong những start-up có giá trị lớn nhất thế giới bên cạnh Uber.

Mặc dù vậy hiện tại ByteDanve và cả SoftBank đều từ chối tiết lộ về bản thỏa thuận.

Thành công của ByteDance đến từ việc nắm được thị hiếu của người dùng, đặc biệt là giới trẻ

ByteDance tự nhận là một công ty chuyên về trí tuệ nhân tạo. Sở dĩ vì ByteDante sử dụng máy học và thuật toán để xác định xem người dùng thích các chủ đề hoặc nội dung nào để cung cấp các gợi ý chính xác và phù hợp nhất.

Ứng dụng tin tức Jinri Toutiao với hơn 240 triệu người dùng hàng tháng của ByteDance là một trong những thành quả từ việc áp dụng trí tuệ nhân tạo. Ứng dụng này sử dụng AI để cung cấp các bài báo phù hợp phân chia theo người dùng.

Sản phẩm ứng dụng công thức trên thành công nhất của ByteDance chính là Douyin (tên gọi của TikTok tại thị trường Trung Quốc). Ứng dụng ra mắt hồi năm 2016 tại Trung Quốc mang tới các tính năng giống Snapchat. Người dùng có thể chỉnh sửa hoặc thêm bộ lọc cho các video dài khoảng 15 giây trước khi chia sẻ lên mạng.

ByteDance hiện cũng sở hữu ứng dụng đọc tin tức có tên Touliao. Đây là một trong những dịch vụ Internet tăng trưởng nhanh nhất tại Trung Quốc với số lượng người đọc hàng ngày lên tới 120 triệu người.

Tham vọng "đánh chiếm" thị trường toàn cầu và cạnh tranh trực tiếp với Facebook hay Instagram

ByteDance từ lâu đã có tham vọng mở rộng ra thị trường toàn cầu. Sản phẩm đầu tiên ra mắt thị tường toàn cầu là ứng dụng tin tức Top Buzz.

Hồi đầu năm ngoái ByteDance tiếp tục mở rộng sự bành trướng bằng việc mua lại start-up video Flipagram của Mỹ và cho ra mắt TikTok. Sau đó, ByteDance tiếp tục mua lại ứng dụng âm nhạc Musical.ly với giá 800 triệu USD. Người dùng giờ đây nếu tải về ứng dụng Musical.ly sẽ được gợi ý chuyển sang cài đặt TikTok. Trong khi đó, ứng dụng Flipagram giờ được chuyển đổi thành Vigo.

Động thái mua lại nhiều start-up chuyên về mạng xã hội tại Mỹ có thể coi là hướng mở rộng và bành trướng sang các thị trường mới như Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ của ByteDance.

Từ một start-up nhỏ nhoi, ByteDance giờ đây đã lớn mạnh trở thành một trong những nhà phát triển ứng dụng lớn thứ 5 thế giới tính theo tổng lượng tải về. Trong Q3/2018, số lượt tải xuống của TikTok đã cao hơn gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Sự vươn lên một cách ngoạn mục của TikTok thậm chí đã khiến cả Apple phải chú ý tới. Theo truyền thông đưa tin, trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tuần trước, CEO Apple Tim Cook đã có dịp tới thăm trụ sở của ByteDance và gặp gỡ những người đang vận hành hai ứng dụng TikTok và Douyin.

Tiềm năng kiếm số tiền khổng lồ từ quảng cáo trên TikTok

Các nhà đầu tư đều thích một mô hình như ByteDance vì ứng dụng này sở hữu một lượng người dùng đông đảo. Đây là những lợi thế không thể tốt hơn để thu hút tiền quảng cáo đổ vào.

Cho đến nay, ByteDance vẫn từ chối tiết lộ doanh thu từ các ứng dụng của hãng nhưng theo một nguồn tin, chỉ riêng ứng dụng Toutiao đã giúp thu về cho  ByteDance số tiền 2,9 tỷ USD ở Trung Quốc trong năm ngoái.

Các ứng dụng video thậm chí còn hấp dẫn các nhà đầu tư hơn vì chúng thu hút giới trẻ, đặc biệt là nhóm tuổi thanh thiếu niên và 20 tuổi trở lên. Đây là nhóm chiếm khá đông trong quy mô dân số của Trung Quốc. Nhà phân tích Xiaofeng Wang thuộc hãng nghiên cứu Forrester tin rằng, ByteDance hoàn toàn có thể trở thành mối đe dọa với nhiều nền tảng mạng xã hội lâu năm khác.

Wang chia sẻ: "Người dùng mạng xã hội không có nhiều thời gian và sự chú ý của họ cũng hạn chế. Do đó nếu ai có thể thu hút và kiểm soát được giới trẻ, người đó sẽ giành được các hợp đồng quảng cáo béo bở".

ByteDance cũng kiếm tiền thông qua các giao dịch chia sẻ doanh thu. Mọi người trên TikTok có thể mua tiền xu ảo để tặng cho người khác dễ dàng. Như vậy TikTok giống như bên trung gian và có thể hưởng thêm một khoản tiền thưởng.

Để trở thành một ứng dụng tên tuổi như Facebook, TikTok phải học được cách "sống hòa thuận" với luật pháp nước sở tại

Sự bành trướng mạnh mẽ của ByteDance chắc chắn gây sự chú ý lớn đối với chính phủ Trung Quốc. Giống như Facebook, Twitter, ByteDance cũng phải đối mặt với nạn tin giả mạo và nội dung vi phạm.

Giới chức Trung Quốc đã đóng cửa ứng dụng Toutiao khoảng 24 giờ vào năm ngoái sau khi phát hiện các nội dung không phù hợp. Vào tháng 4/2018, các quan chức cũng ra lệnh cấm vĩnh viễn ứng dụng Neihan Duanzi của ByteDance vì đã để các bài viết có nội dung khiếm nhã và vi phạm luật pháp.

Phía ByteDance cũng đưa ra lời xin lỗi công khai và hứa sẽ bổ sung thêm một đội ngũ nhân viên kiểm duyệt nội dung hiệu quả hơn.

Sáng lập gia kiêm CEO của ByteDance, Zhang Yiming (35 tuổi), một cựu nhân viên của Microsoft

Tất nhiên không chỉ ở riêng Trung Quốc, ByteDance và TikTok nói riêng sẽ phải học cách làm quen với luật pháp sở tại nếu muốn tiếp cận nhiều thị trường hơn nữa. Đặc biệt tại Việt Nam khi nạn tin giả mạo ngày càng nở rộ, TikTok sẽ phải bằng cách nào đó ngăn chặn điều này xảy ra nếu vẫn còn muốn duy trì lượng người dùng tại đây.

Những điều tạo nên thành công của ByteDance và ngày TikTok ngày nay có thể kể đến rất nhiều các yếu tố, ví dụ như công cụ tạo video ngắn đơn giản, ai cũng có thể sử dụng, hỗ trợ trả tiền cho những người có tầm ảnh hưởng lớn (KOLs), tạo ra trào lưu trong giới trẻ và xây dựng các chủ đề mang tính sáng tạo.

Nhưng có lẽ một trong những yếu tố khó có thể bỏ qua đó chính là con người. Nhờ áp dụng chính sách trả lương hậu hĩnh bậc nhất trong làng start-up Trung Quốc nên ByteDance dễ dàng thu hút được các nhân tài từ nhiều công ty đối thủ.

Dù tuổi đời chưa đầy 2 năm tuổi nhưng TikTok đang tạo nên một xu hướng mới cho mạng xã hội. Nếu duy trì được hướng phát triển như hiện nay, khả năng TikTok trở thành một Facebook thứ hai trong tương lai là điều hoàn toàn có thể.

Tiến Thanh

Chủ đề khác