VnReview
Hà Nội

Không còn bất ngờ như thời Steve Jobs, đã đến lúc các ông lớn công nghệ từ bỏ các buổi thuyết trình ra mắt sản phẩm

Đồng sáng lập Apple, Steve Jobs, đã biến các bài thuyết trình giới thiệu sản phẩm công nghệ (keynote) trở nên phổ biến vào giữa thập niên 1980, khi mà vị CEO này đứng trên sân khấu trước một đám đông gồm hàng trăm người hâm mộ để công bố những thiết bị, phần mềm, và những phát triển mới về công nghệ của Apple.

Steve Jobs nổi tiếng vì những bài keynote của mình.

Trong hàng thập kỷ, bắt đầu từ giữa những năm 1980 cho đến tận năm 2010, hàng trăm người đam mê công nghệ mỗi năm đều chào đón Jobs khi ông bước lên sân khấu để giới thiệu những thiết bị điện tử và dịch vụ mới trước một màn hình cực lớn. Mọi người xem ông như một ngôi sao nhạc rock, dù bản thân những bài keynote cũng không khác gì một bài thuyết trình PowerPoint nhưng được tạo ra bởi một phần mềm độc quyền của chính Apple với tên gọi Keynote!

Thế nhưng, những bài thuyết trình của Jobs quả thực có chất lượng cực cao. Không cần biết ông nói về thứ gì, Jobs luôn biến những phát minh mới nhất của Apple nghe như một thứ gì đó mà thiếu nó, bạn không thể sống được. Ông thậm chí còn có thể nâng tầm những tiến bộ nhỏ nhặt thành những thứ thú vị và mang tính đột phá chấn động thế giới.

Steve Jobs nay đã không còn nữa, nhưng thế chỗ ông là vô số những kẻ bắt chước. Apple vẫn tiếp tục những bài thuyết trình keynote của hãng, vốn diễn ra khoảng từ 2 đến 3 lần mỗi năm, nhưng rất nhiều những công ty công nghệ khác cũng đã bắt đầu "học hỏi": Google, Microsoft, Facebook, Samsung và cả những công ty như Huawei, Xiaomi và Nvidia đều tổ chức các buổi thuyết trình đều đặn hàng năm để ra mắt các sản phẩm mới.

Vấn đề ở đây là, ma thuật của những bài keynote đã dần phai nhạt.

Các công ty công nghệ không thể giữ bí mật sản phẩm sắp ra mắt như trước

Bài thuyết trình công nghệ đầu tiên được tổ chức rất lâu trước khi Internet xuất hiện. Do đó, mỗi bài thuyết trình đều đi kèm với một bầu không khí đầy bí ẩn: thứ gì sẽ được vén màn? Nó sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta ra sao?

Ngày nay, bí ẩn là thứ không còn tồn tại nữa. Vì sức mạnh và sự phổ biến của Internet, cũng như việc hàng trăm ngàn các bên quan tâm sẽ chấp nhận chi ra một khoản tiền kha khá để biết trước ngay cả những chi tiết nhỏ nhất về chiếc iPhone mới, các bài thuyết trình công nghệ không sớm thì muộn cũng bị rò rỉ nội dung theo nhiều cách khác nhau, trước ngày tổ chức nhiều tháng trời.

Từ nhiều năm qua, chúng ta đã được biết về những chi tiết quan trọng trên iPhone mới rất lâu trước khi Apple tổ chức buổi ra mắt chính thức. Chúng ta từng biết về Touch ID trên iPhone 5S trước khi nó được giới thiệu. Chúng ta từng biết về thiết kế mới của iPhone 6 nhiều tháng trước khi nó thực sự xảy ra. Và chúng ta biết hầu như mọi chi tiết nhỏ nhất về iPhone 7, iPhone 8, iPhone X và năm nay là iPhone XS và XS Max, trước khi những chiếc điện thoại đó được tung ra.

Pixel 3 đã bị rò rỉ vô số lần trước buổi ra mắt chính thức của Google

Không chỉ Apple, hai chiếc điện thoại lớn nhất của Samsung trong năm 2018 - Galaxy S9 và Note 9 - đều bị rò rỉ nhiều tháng trước khi chúng ra mắt. Và chiếc Pixel 3 mới của Google có lẽ nên được trao danh hiệu "smartphone bị rò rỉ nhiều nhất", với vô số những hình ảnh và tài liệu bị tung lên mạng, và thậm chí chỉ vài ngày trước sự kiện công bố, một mẫu Pixel 3 bản hoàn chỉnh còn xuất hiện trên chợ đen tại Hồng Công nữa.

Sự thật là, nếu bạn theo dõi mọi tin tức trong năm 2018, bạn sẽ thấy rằng một buổi thuyết trình giới thiệu sản phẩm mới với những tình tiết thực sự gây bất ngờ hầu như rất hiếm. Và nếu không có bất ngờ nào, thì thuyết trình để làm gì?

Keynote nên tiến hoá thành "ra mắt trực tuyến"

Nếu mục tiêu của bài keynote là cho phép các công ty công nghệ kiểm soát được cách các sản phẩm mới của mình ra mắt thế giới, có một cách tốt hơn để làm điều đó thay vì mời mọi người đến dự một buổi ra mắt tại một địa điểm ngoài đời thực.

Internet mang lại cho chúng ta rất nhiều công cụ trực quan mạnh mẽ - và trên thực tế, sau khi các bài thuyết trình keynote công nghệ chấm dứt, công ty cũng sẽ mời mọi người ghé thăm website của mình để tìm hiểu thêm về sản phẩm.

Vậy tại sao chúng ta không thử một cách khác: các công ty công nghệ nên loại bỏ hoàn toàn bài thuyết trình keynote của mình, vốn đã trở thành một trào lưu cũ kỹ, và giới thiệu các sản phẩm mới trực tiếp ngay trên Internet.

Có một vài lý do chứng minh rằng ra mắt trực tuyến sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với thực hiện một bài thuyết trình công nghệ:

- Ra mắt trực tuyến sẽ cho phép công ty kiểm soát thậm chí còn chặt chẽ hơn về phương thức một sản phẩm mới được giới thiệu. Việc tổ chức một buổi thuyết trình ra mắt có thể đi kèm với những sai sót. Microphone có thể bị hỏng, các lãnh đạo công ty có thể nói vấp, hay các sản phẩm có thể gặp lỗi không hoạt động được trước bàn dân thiên hạ! Bằng cách giới thiệu sản phẩm trực tuyến, công ty có thể có toàn quyền kiểm soát các mà mọi người tìm hiểu về những món đồ công nghệ và dịch vụ mới lần đầu ra mắt.

- Ra mắt trực tuyến sẽ gây bất ngờ lớn hơn. Ngày nay, gần như bất khả thi để giữ bí mật về một món đồ công nghệ trước khi nó ra mắt, nhưng nguyên nhân của điều này là bởi những sản phẩm đó phải được mang ra giới thiệu tại một sự kiện ngoài đời thực, và càng nhiều người được tiếp xúc với những sản phẩm mới đó, cơ hội nó bị rò rỉ càng lớn hơn. Bằng cách tung ra các sản phẩm trực tuyến, các công ty công nghệ có thể giữ được yếu tố gây ngạc nhiên; có lẽ họ có thể vén màn một sản phẩm mới trong khi nó vẫn còn ở giai đoạn thiết kế để đón đầu các thông tin rò rỉ có nguồn gốc từ chuỗi cung ứng, khi sản phẩm đã chuyển sang giai đoạn sản xuất.

- Các bài keynote thường quá dài, quá chán, và quá thường xuyên. Tung ra các sản phẩm mới trên Internet trước tiên sẽ cho mọi người một cơ hội để tìm hiểu về các món đồ công nghệ theo cách của họ. Trừ khi bạn là fan hay nhà báo, phần lớn mọi người sẽ không bỏ ra hai giờ đồng hồ để xem một buổi ra mắt sản phẩm - dù là của Apple hay Google. Hai giờ là một khoảng thời gian dài, và các công ty công nghệ có rất nhiều thứ cần công bố. Bằng cách ra mắt sản phẩm trực tuyến, các công ty này có thể tóm gọn các công bố một cách dễ dàng, hay cung cấp nhiều cách dễ dàng hơn để mọi người tìm hiểu các chi tiết về sản phẩm đó thay vì phải xem cả một buổi giới thiệu dài.

Liệu các công ty công nghệ có từ bỏ các bài keynote hay không, đó là một vấn đề hoàn toàn khác. Ví dụ, Apple có vẻ thích các bài keynote truyền thống của mình, và sẽ khó mà tưởng tượng được việc công ty không sử dụng cách giới thiệu sản phẩm này nữa mà không bị người hâm mộ phản ứng. Nhưng nhìn chung, các bài keynote đã thành một thói quen - một thói quen đầy mệt mỏi - và nên được thay thế bởi một thứ gì đó hào hứng và cách tân hơn. Những người đã dành vô số thời gian phát triển những sản phẩm mới đó xứng đáng được thấy sản phẩm của mình nhận được những ấn tượng ban đầu tốt đẹp từ phía người tiêu dùng, và các công ty công nghệ nợ họ điều đó.

Minh.T.T

Chủ đề khác