VnReview
Hà Nội

Doanh thu thuần quý III của Viettel Global đạt hơn 4.400 tỷ đồng

Viettel Global cho biết trong quý III đã đạt 4.428 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận gộp đạt 1.342 tỷ, tăng lần lượt là 5% và 8% so với cùng kỳ năm 2017.

Ngoài các thị trường truyền thống đang mang về khoản lợi nhuận tốt cho Viettel Global, các công ty khác tại Burundi hay Haiti cũng đang có những đóng góp lớn nhờ sức tăng trưởng mạnh mẽ lần lượt là 14% và 26%.

Đối với thị trường Haiti, việc chính thức được cung cấp 10 MHz tần số 1700 MHz để triển khai 4G LTE đã mang lại cho Natcom (thương hiệu của Viettel tại Haiti) lợi thế quan trọng để cạnh tranh và thu hút khách hàng, với tăng trưởng gấp 2 lần năm 2017.

Viettel Global cho biết trong quý III đã đạt;4.428 tỷ đồng doanh thu thuần.

Tại thị trường Burundi, việc duy trì lợi nhuận dương liên tục trong vòng 9 tháng đầu năm giúp công ty Lumitel (thương hiệu của Viettel tại Burundi) có thể chủ động đầu tư mới trong năm bằng nguồn vốn của mình, cũng như chi trả chi phí vận hành, đồng thời chuyển trả cho công ty mẹ Viettel Global và đối tác.

Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Viettel Global đều giảm lần lượt 4% và 12% so với cùng kỳ năm 2017, nhờ vào việc chuyển hướng hoạt động theo mô hình holding.

Với mô hình này, công ty giữ vai trò chiến lược, tài chính, đảm bảo giám sát, quản lý hiệu quả đầu tư vào các thị trường. Đối với việc quản lý, vận hành hoạt động kinh doanh tại các công ty thị trường nước ngoài, Viettel Global đã thuê Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) nhằm tận dụng nguồn lực và kinh nghiệm điều hành kinh doanh của Viettel Telecom tại thị trường Việt Nam.

Doanh thu hoạt động tài chính của tổng công ty trong quý III cũng tăng lên 54% so với năm 2017 nhờ thực hiện tốt các giải pháp tối ưu dòng tiền, quản lý tốt nguồn vốn ngoại tệ và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Các thị trường truyền thống đang mang về khoản lợi nhuận tốt cho Viettel Global.

Tính đến cuối quý III, Viettel Global có vốn điều lệ là 30.438 tỷ đồng, quy mô tổng tài sản đạt 59.029 tỷ đồng, tăng 13,6% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi tăng mạnh lên 12.416 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của Viettel Global đạt trên 30%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Viettel Global đạt doanh thu thuần là 12.432 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ 2017, lợi nhuận của công ty ghi nhận mức âm 812 tỷ, giảm mạnh so với năm 2017 (lãi 273 tỷ đồng).

Nguyên nhân chính đến từ việc hợp nhất kết quả kinh doanh của Mytel - công ty liên kết mà Viettel Global mới đầu tư tại thị trường Myanmar. Mytel mới đi vào hoạt động từ đầu tháng 6, chi phí và khấu hao còn lớn. Lãnh đạo Viettel Global cho biết, đạt được kế hoạch lợi nhuận hợp nhất dương trong năm nay đã là thành công với công ty.

Tuy nhiên, đây là thị trường lớn nhất và được kỳ vọng nhất của Viettel Global khi chỉ sau 3 tháng khai trương, Mytel đã có 3,2 triệu thuê bao, phá kỷ lục tăng trưởng của Viettel trên toàn cầu. Thị trường Myanmar sẽ đặt mục tiêu có lãi sau 2-2,5 năm, so với trung bình yêu cầu các thị trường khác là 3 năm, dự kiến là thị trường đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của Viettel Global trong tương lai.

Về cơ cấu, thị trường ở cả 3 châu lục của Viettel Global đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng từ 3 - 11%, trong đó mạnh mẽ nhất là khu vực châu Mỹ Latinh tăng trưởng 11%.

Thị trường châu Phi đóng góp chính vào tổng doanh thu của Viettel Global với 5.606 tỷ đồng.

Thị trường châu Phi gồm các quốc gia Cameroon, Tanzania, Mozambique và Burudi đóng góp chính vào tổng doanh thu với 5.606 tỷ đồng. Tiếp đến là Đông Nam Á gồm Campuchia và Đông Timor đạt gần 4.544 tỷ đồng. Khu vực Mỹ Latinh với duy nhất Haiti đạt gần 1.685 tỷ.

Doanh thu của thị trường Đông Nam Á không bao gồm công ty Star Telecom tại Lào và Mytel tại Myanmar do Viettel Global nắm giữ dưới 50% vốn tại 2 công ty này, vì chỉ ghi nhận là công ty liên kết.

Bên cạnh đó, mạng Bitel tại Peru cũng không hợp nhất vào kết quả kinh doanh của Viettel Global do công ty này được đầu tư trực tiếp bởi Tập đoàn Viettel.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, các thị trường nước ngoài Viettel đầu tư (bao gồm cả thị trường Peru) đều có những tín hiệu tích cực, dự báo có sự tăng trưởng trong thời gian tới. Điều này có được nhờ việc thực hiện tốt các chiến lược kinh doanh đã đề ra như phát triển dịch vụ viễn thông mới là 4G, ví điện tử và các dự án CNTT lớn phục vụ khách hàng doanh nghiệp, chính phủ.

Bốn thị trường của Viettel tiếp tục lấy thêm được tần số phục vụ kinh doanh 4G là Haiti, Peru, Đông Timor và Tanzania (nâng tổng số thị trường cung cấp dịch vụ 4G lên 9/10 thị trường - trừ Cameroon). Ba thị trường nhận được giấy phép kinh doanh ví điện tử là Lào, Đông Timor và Cameroon (nâng tổng số thị trường cung cấp dịch vụ ví điện tử của Viettel lên 8/10 thị trường - trừ thị trường Haiti và Myanmar).

Mục tiêu tới năm 2020 của Viettel Global là vào top 10 công ty viễn thông toàn cầu.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, lãnh đạo Viettel Global cho biết sẽ tập trung nguồn lực kinh doanh về châu Á, do đây là thị trường có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, đồng thời văn hóa tiêu dùng cũng gần nhau hơn.

Viettel Global cũng cho biết sẽ tiếp tục các chiến lược kinh doanh hiệu quả về dòng tiền, năng suất lao động… cũng như nghiên cứu phát triển các dịch vụ mới tại các nước đang đầu tư, giữ vai trò tiên phong dẫn dắt thị trường.

Theo Zing

Chủ đề khác