VnReview
Hà Nội

Bkav đặt mục tiêu giành 34,7% thị phần smartphone tại Việt Nam, doanh thu 2 tỷ USD

CEO Nguyễn Tử Quảng nhận định Bkav và các công ty công nghệ Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các nhà sản xuất lớn như Samsung, Apple nếu chúng ta đầu tư bài bản từ gốc, làm chủ công nghệ lõi để có thể tạo ra những sản phẩm xuất sắc nhưng được bán với mức giá tốt.

;

Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO tập đoàn công nghệ Bkav phát biểu tại hội thảo

Tại buổi tọa đàm chuyên đề "Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông" diễn ra vào sáng 14/11, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO tập đoàn công nghệ Bkav đã có những chia sẻ về sự đổi mới sáng tạo và chuỗi giá trị smartphone tại thị trường Việt Nam.

"Ở góc độ doanh nghiệp, trong cuộc chơi công nghệ, luôn có cơ hội để cạnh tranh với các tập đoàn lớn toàn cầu. Khi phân tích thị trường smartphone Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy từ năm 2012, Samsung là nhà cung cấp smartphone số 1 thị trường này với 17,7% thị phần. Nhưng tính tới quý I năm 2018, không ai hình dung được rằng Samsung chỉ chiếm chưa tới 1% thị phần smartphone Trung Quốc chỉ sau hơn 5 năm", ông Quảng cho biết. Vị CEO này cũng chỉ rõ vị trí của Samsung đã được chính các công ty nội địa của Trung Quốc thay thế, điều rất khó tin đó nay đã trở thành sự thật. Và không chỉ ở sân nhà của mình, các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đang ngày càng mở rộng ra các thị trường nước ngoài và dần làm giảm thị phần của Samsung.

Còn tại thị trường Việt Nam, thống kê của Bkav cho thấy Samsung hiện đang dẫn đầu với 41,6% thị phần, Oppo 23,4%, Apple chiếm 8,9% và phần còn lại chiếm 26,1% do các công ty Trung Quốc khác nắm giữ. "Điều dễ nhận thấy là các công ty Trung Quốc đã dần chiếm lĩnh thị trường điện thoại Việt Nam. Nếu doanh nghiệp trong nước không vào cuộc, sớm hay muộn, thị trường smartphone Việt Nam sẽ do doanh nghiệp Trung Quốc chiếm ưu thế. Vậy để vươn lên tại thị trường nội địa và quốc tế thì các công ty Trung Quốc đã sử dụng những chiến lược như thế nào?", CEO Bkav nêu vấn đề.

Trả lời cho câu hỏi này, ông Quảng cho biết thực chất nền văn hóa, đặc thù của các công ty nội địa Trung Quốc đã ảnh hưởng rất nhiều đến sản phẩm của họ, họ luôn quan niệm rằng chỉ cần làm ra sản phẩm với chất lượng vừa phải và bán với giá thành rẻ. Bằng cách đó thì họ đã phát triển rất nhanh trong thời gian qua.

Vậy chiến lược giành lại thị trường smartphone tại Việt Nam sẽ như thế nào? Vấn đề này đã được Tập đoàn Bkav đặt ra từ hơn 9 năm trước. Bkav tạo ra những sản phẩm có chất lượng tương đương nhưng có giá tốt hơn những công ty có sản phẩm tốt, ví dụ như Samsung, Apple. Còn so với các sản phẩm Trung Quốc, Bphone có chất lượng vượt trội so hơn nhưng giá không cao hơn quá nhiều. "Rõ ràng người Việt Nam đều hiểu nếu chúng ta làm nghiêm túc, sản phẩm sẽ tốt hơn Trung Quốc và được ưa chuộng hơn", ông Quảng nói.

Để làm được như vậy, theo ông Quảng, người Việt Nam phải sở hữu những công nghệ lõi, phải trở thành nhà sản xuất gốc (OEM) thì mới có thể làm chủ sự đổi mới sáng tạo, tạo ra sản phẩm xuất sắc với mức giá tốt. Việc nhập khẩu rồi làm thương mại, có thể là một hướng đi của một bộ phận doanh nghiệp, nhưng về lâu dài, hoạt động này không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất.

Vị CEO Bkav cũng chỉ rõ, chuỗi giá trị smartphone được hình thành từ nghiên cứu ý tưởng (R&D), thương hiệu, thiết kế, linh kiện, và giảm dần tới giá trị gia công. Và sau đó chuỗi giá trị gia tăng khi bước vào các công đoạn phân phối, marketing, bán hàng và dịch vụ hậu mãi. Lấy ví dụ như iPhone, tất cả các phần giá trị gia tăng đều được Apple thực hiện tại Mỹ, chỉ riêng phần gia công lắp ráp thì thuê đối tác Trung Quốc sản xuất. Chiếc iPhone 8 có giá 799 USD, tuy mặt sau ghi là Made in China nhưng giá trị Trung Quốc trong chiếc iPhone chỉ hơn 11 USD mà thôi, phần còn lại là chất Mỹ.

Còn đối với Bphone, Bkav đã rất cố gắng để tạo ra chất Việt Nam nhiều nhất trong chuỗi giá trị Bphone, với 7 công đoạn được thực hiện tại Việt Nam gồm ý tưởng (R&D), thương hiệu, thiết kế, phân phối, marketing, bán hàng và dịch vụ hậu mãi. Nhờ đó, Bphone 3 đã gây ấn tượng mạnh với nhiều đặc điểm nổi trội như: chiếc smartphone Android đầu tiên có thiết kế tràn đáy, viền màn hình đều và mỏng nhất (theo Tinh Tế), smartphone đạt chuẩn chống nước IP68 đầu tiên trong phân khúc, smartphone bảo mật tốt (không virus, không tin nhắn rác, không thể bị mất trộm).

"Cần phải đầu tư bài bản vào quá trình nghiên cứu, phát triển từ gốc, từ đó mới đổi mới sáng tạo, làm ra được sản phẩm xuất sắc với giá cả tốt", ông Quảng nhìn nhận và cho rằng nếu biết vận dụng đúng cách, doanh nghiệp trong nước có thể thực sự cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Theo ông, đất nước chỉ cần đầu tư vào 5 doanh nghiệp mũi nhọn, mỗi doanh nghiệp dẫn dắt một lĩnh vực thì Việt Nam sẽ thực sự phát triển dựa vào khoa học công nghệ. Điều này tương tự như Hàn Quốc khi đất nước này có trong tay những công ty hàng đầu như Samsung, LG... Về phần Bphone, mục tiêu của Bkav là đến năm 2023 hãng sẽ giành được 34,7% thị phần smartphone tại Việt Nam, tương đương doanh thu 2 tỷ USD. Hiện nay Bkav có tới 92 doanh nghiệp cung ứng linh phụ kiện đến từ khắp các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cho Bphone.

G.L

Chủ đề khác