VnReview
Hà Nội

Apple và kế hoạch dự phòng khi nhu cầu iPhone đạt "đỉnh"

Trong bối cảnh nhu cầu iPhone đã ở bên kia sườn dốc, Apple đã có một phương án dự phòng. Đối phó với tình hình khách hàng ngày càng chờ đợi lâu hơn giữa mỗi lần nâng cấp và thị trường smartphone cũng bắt đầu bão hòa, Apple đưa ra giải pháp tăng giá bán các thiết bị và thu tiền từ các dịch vụ như stream nhạc, video, và lưu trữ đám mây.

Nhưng đối với nhiều công ty đang làm nhiệm vụ cung ứng linh kiện cho iPhone, kế hoạch dự phòng là một điều gì đó họ chưa hề tính đến.

Bằng chứng mới nhất cho thấy tình hình trở nên xấu đi đối với Apple có thể là nỗi kinh hoàng đối với các nhà cung ứng đến từ hai lục địa cách nhau chỉ vài giờ bay. Japan Display Inc. - công ty thu về quá nửa lợi nhuận từ cung ứng màn hình cho iPhone - đã phải cắt giảm dự báo tài chính. Tiếp đó, Lumentum Holdings Inc. - một nhà cung ứng hàng đầu chuyên về cảm biến nhận diện khuôn mặt cho iPhone - cũng đang tìm cách hạ thấp viễn cảnh tài chính quý 2 của mình. Hôm thứ 3 vừa qua, đến lượt Hon Hai Precision Industry Co. - hãng lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới - choáng váng vì không đạt được con số tài chính ước tính đề ra trước đây.

"Các nhà cung ứng lệ thuộc nhiều vào số lượng đơn hàng hơn so với Apple" - Woo Jin Ho, một nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence cho biết - "Điều này khiến nguy cơ đối với phần còn lại của chuỗi cung ứng tăng cao". Apple không đưa ra phản hồi nào về vấn đề này.

Hôm thứ Hai, cổ phiếu của Apple giảm 5%, nhưng Lumentum thì giảm đến hơn 30%, và đối thủ của họ là II-VI Inc. cũng giảm đến 13%. Cổ phiếu Japan Display giảm 9,5%, trong khi Hon Hai Precision Industry Co. giảm đến mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Tại châu Âu, Dialog Semiconductor Plc - công ty thu lợi nhuận chủ yếu nhờ vào Apple - giảm đến 3,6% trong phiên giao dịch đầu ngày tại Frankfurt. Ams AG (Áo), một nhà cung ứng khác, trượt thêm 3,2% sau cú giảm sốc 22% hôm thứ Hai.

Đối mặt với một thị trường smartphone đang dần trưởng thành, chiến lược của Apple chủ yếu dụ dỗ khách hàng chi thêm tiền cho những chiếc điện thoại với các tính năng mới như nhận diện khuôn mặt và màn hình với màu sắc đẹp hơn.

Các linh kiện cảm biến 3D đến từ các công ty như Lumentum hiện được trang bị cho các mẫu iPhone có giá hơn 1.000 USD. Tuy số lượng người dùng đủ khả năng trả một khoản tiền lớn như vậy cho một thiết bị mới là không nhiều, nhưng nếu Apple bán được một thiết bị như vậy, Apple sẽ có khả năng thu về thêm hàng trăm USD trên mỗi sản phẩm, trong khi các nhà cung ứng chỉ được trả một khoản tiền cố định. Trong quý gần đây nhất, Apple cho biết số lượng iPhone bán ra hầu như không tăng, nhưng doanh thu từ việc bán máy lại tăng 29% so với một năm về trước.

Nếu nhu cầu đối với các mẫu iPhone mới hơn, đắt hơn chững lại, Apple có thể cắt giảm số đơn hàng linh kiện hoặc trì hoãn các đơn hàng, khiến các nhà cung ứng phải chấp nhận tình trạng tồn hàng, và điều này khiến họ buộc phải giảm giá linh kiện khi Apple quay trở lại bàn đàm phán.

Theo CEO Alan Lowe tại một hội thảo ở San Francisco hôm thứ Hai, dự báo doanh thu ở mức yếu hơn trước đây của Lumentum là kết quả của việc cắt giảm đơn hàng đến từ khách hàng lớn nhất của hãng chỉ vài ngày trước. Lumentum không nêu rõ khách hàng đó là ai, và người phát ngôn của công ty cũng từ chối bình luận, nhưng những dữ liệu mà Bloomberg tổng hợp được cho thấy không ai khác ngoài Apple chính là khách hàng lớn nhất của hãng.

Apple đang tăng cường quảng bá về con số 1,3 tỷ thiết bị đã được cài đặt, thay vì số lượng iPhone được bán ra vào mỗi quý. Và công ty cũng đang thực hiện những thay đổi để khiến những khách hàng hiện tại cảm thấy hài lòng trong khi tiếp tục bán thêm các dịch vụ cho họ.

"Apple không còn là một công ty bán phần cứng thông thường" - Gene Munster, một chuyên viên phân tích Apple kỳ cựu tại Loup Ventures cho biết - "Mô hình đầu tư của Apple đang dần chuyển dịch từ tập trung vào doanh số thiết bị sang hướng kinh doanh dịch vụ dễ dự đoán hơn".

Trong năm 2018, Apple đã thực hiện nhiều bước đi mới nhằm kéo dài thời gian sử dụng của những chiếc iPhone. Điều này nhiều khả năng sẽ khiến mọi người ít mua các thiết bị mới hơn - một dấu hiệu đáng quan ngại khác đối với các nhà cung ứng.

Đầu năm nay, công ty xác nhận đã cố tình giảm tốc độ của một số mẫu iPhone đời cũ nhằm tránh các vấn đề liên quan đến pin. Sau một đợt lùm xùm, công ty cuối cùng đã tung ra một chương trình nâng cấp pin giá rẻ, gián tiếp kéo dài cuộc sống của nhiều thiết bị đã cũ.

Gần đây hơn, Apple đã tung ra phiên bản hệ điều hành di động mới là iOS 12, hỗ trợ đến 28 thiết bị của hãng, bao gồm cả những mẫu máy đã bán ra từ năm 2013. Những lần nâng cấp iOS trước đây cũng đã hỗ trợ các thiết bị ra mắt nhiều năm về trước, nhưng iOS 12 là lần đầu tiên Apple ưu tiên tăng cường tốc độ của những iPhone đời cũ. Cụ thể, phiên bản hệ điều hành mới này giúp cải thiện thời gian mở camera trên các iPhone cũ đến 70% và tăng tốc bàn phím đến 50% so với iOS 11.

"Các sản phẩm tồn tại lâu hơn có thể giúp nâng cao độ hài lòng của khách hàng, mở ra tiềm năng cho phép Apple có thể tăng giá bán các thiết bị và giúp công ty thực hiện được các mục tiêu bảo vệ môi trường" - Toni Sacconaghi, một chuyên viên phân tích tại Sanford C. Bernstein & Co., viết trong một bản tin gửi các nhà đầu tư vào hôm thứ Hai như vậy.

Tức là, theo ước tính của Toni, với những thay đổi nói trên, chu kỳ thay thế iPhone có thể được kéo dài thêm 6 tháng, lên mức 3,2 năm, và đẩy doanh số thiết bị bán ra giảm 6% mỗi năm trong vòng 3 năm.

Sử dụng những chiếc iPhone có vòng đời dài hơn sẽ thôi thúc các khách hàng đăng ký các dịch vụ mới, biến các thiết bị trở thành những cỗ máy kiếm tiền đúng nghĩa, sinh lợi cho Apple nhiều hơn chứ không chỉ thu tiền bán máy như trước đây. Nhưng với các nhà cung cấp linh kiện, những dịch vụ của Apple chẳng phải là một nguồn thu lợi nhuận bổ sung.

Dù các nhà cung ứng có ít lựa chọn hơn, họ đang có những phản ứng đối với một thị trường smartphone diễn tiến chậm hơn trước đây. Như hầu hết các nhà sản xuất thiết bị, Apple muốn có ít nhất 2 nhà cung ứng cho mỗi linh kiện. Thương vụ kết hợp trị giá 3,2 tỷ USD của hai hãng sản xuất linh kiện quang học là II-VI và Finisar Corp., vừa được công bố tuần trước sẽ tạo ra một công ty lớn hơn, có khả năng thương thảo tốt hơn về mặt giá thành một khi bước vào bàn đàm phán với Apple.

Minh.T.T

Chủ đề khác