VnReview
Hà Nội

14 sản phẩm thất bại ê chề nhất trong lịch sử Google

Không một doanh nghiệp nào trên thế giới luôn có được những sản phẩm hoàn hảo, và với một công ty chuyên nghĩ ra những ý tưởng "điên rồ" như Google thì thất bại là điều khó tránh khỏi.

Từ Google Offers đến Google Answers, trang tin Business Insider đã điểm lại 14 sản phẩm thất bại ê chề nhất trong lịch sử Google. Một số chúng tồn tại được trong vài năm, cũng có cái chỉ có tuổi đời... 1 ngày.

14. Google Offers (2011-2014)

Google ra mắt Offers trong thời kì hoàng kim của Groupon và Living Social, ứng dụng dựa trên hình thức "mua chung" (càng nhiều người mua trong một khoảng thời gian thì giá sản phẩm càng rẻ). Khi xu hướng bắt đầu giảm nhiệt, Google Offers cũng không thể tồn tại được lâu.

13. Google Web Accelerator (2005-2008)

Tính năng chính của Google Web Accelerator là giúp người dùng duyệt web nhanh hơn bằng cách tăng tốc độ tải trang. Dịch vụ nhanh chóng trở thành cú flop do quá nhiều lỗi, bao gồm việc không tải được video YouTube để rồi bị Google khai tử năm 2008.

12. Google Video (2005-2009)

Khi YouTube bắt đầu nổi lên, Google cũng ra mắt dịch vụ chia sẻ video miễn phí của riêng mình mang tên Google Video. Một năm sau, Google Video không thành công như mong đợi khiến "gã khổng lồ tìm kiếm" thâu tóm luôn YouTube với giá 1,65 tỷ USD. Tính đến tháng 5/2018, YouTube có hơn 1,8 tỷ người dùng hoạt động mỗi tháng.

11. Jaiku (2007-2012)

Jaiku là nền tảng blog được phát triển tại Phần Lan trước khi Google mua lại năm 2007 để cạnh tranh với Twitter. Năm 2009, Google tuyên bố mở mã nguồn cho Jaiku đồng thời ngừng phát triển dịch vụ, song nó bị khai tử hoàn toàn sau đó 3 năm do quá ít người dùng.

10. Google Health (2008-2012)

Google Health cho phép người dùng nhập dữ liệu sức khỏe của mình với mục tiêu trở thành nơi lưu trữ dữ liệu cung cấp cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên những lo ngại về quyền riêng tư cùng sự cạnh tranh từ các công ty (có cả Microsoft) đã khiến Google đóng cửa Health.

9. Google Answers (2002-2006)

Khác với Google Search, Google Answers cho phép người dùng gửi câu hỏi kèm theo số tiền họ sẵn sàng trả để nhận được câu trả lời (từ 2 USD đến 200 USD, trong đó Google giữ lại một phần). Do ít người dùng nên Answers bị đóng cửa vào 2006.

Một điều khá thú vị là trước khi có Answers, Google từng phát hành Google Questions and Answers vào năm 2001. Dịch vụ cho phép người dùng trả 3 USD để đặt câu hỏi với nhân viên Google, nhưng do nhu cầu quá cao nên Google chỉ duy trì nó trong đúng 1 ngày.

8. Google X (16/3/2005)

Là giao diện thay thế cho Google Search, Google X cho phép người dùng tìm kiếm dựa trên các danh mục như nhóm, vị trí hay hình ảnh. Giao diện Google X được áp dụng trong đúng 1 ngày, và hiện X là tên bộ phận nghiên cứu các dự án moonshot của Google.

7. Google Buzz (2010-2011)

Google Buzz là dịch vụ kết hợp giữa mạng xã hội và tin nhanh khi cho phép người dùng chia sẻ đường dẫn, hình ảnh, video, trạng thái và nhiều thứ khác. Những cuộc trò chuyện được lưu trữ trong Gmail.

Buzz được Google kích hoạt mặc định cho người dùng Gmail nhưng bị phản đối kịch liệt. Khi phải đối mặt với vụ kiện tập thể liên quan đến vấn đề riêng tư, Google đã khai tử Buzz.

6. Google Lively (7/2008-12/2008)

Nhận thấy sự thành công của Second Life, phần mềm mô phỏng thế giới ảo của Linden Lab, Google cũng "đua đòi" cho ra mắt Lively vào năm 2008. Nhưng thay vì phát hành ứng dụng riêng như Second Life, Google lại giới thiệu Lively như một "phòng chat ảo" chạy bởi Adobe Flash trên nền web.

Dù có ý tưởng độc đáo, nhưng Lively được đánh giá không cao bằng Second Life, cách giao tiếp cũng phức tạp so với Facebook hay các nền tảng khác. Cuối cùng, Lively bị khai tử sau 4 tháng rưỡi ra mắt. Google cho biết sẽ tập trung hơn vào mảng tìm kiếm, quảng cáo và kinh doanh ứng dụng.

5. Knol (2008-2012)

Knol là câu trả lời của Google cho Wikipedia. Google tạo ra khái niệm Knol với ý nghĩa "đơn vị tri thức", bao gồm các bài viết do người dùng chia sẻ trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Do quá ít người dùng nên Knol bị đóng cửa vào năm 2012.

4. Dodgeball (2005-2009)

Được Google mua lại năm 2005, tính năng chính của Dodgeball là check-in địa điểm bằng tin nhắn văn bản. Alex Rainert và Dennis Crowley, 2 nhà đồng sáng lập Dodgeball rời Google năm 2007 do bất mãn, cho rằng Google đã "không dành nhiều chú ý đến Dodgeball như những gì nó xứng đáng". Crowley sau đó thành lập Foursquare vào năm 2009, cùng năm Dodgeball bị đóng cửa.

3. Google Glass (2012-???)

Được xem là sản phẩm đi trước thời đại, Google Glass cung cấp các thông tin, cho phép người dùng gọi điện Hangouts, gửi email trong thế giới thực thông qua màn hình ngay phía trước kính.

Tuy nhiên phiên bản thương mại của Glass lại khá đắt (1.500 USD), phần mềm chưa hoàn thiện và thiết kế thì xấu. Năm 2015, Google tuyên bố ngừng bán Glass song vẫn có kế hoạch tung ra phiên bản cải tiến cho doanh nghiệp của Glass trong tương lai.

2. Nexus Q (chưa bao giờ đến tay người dùng)

Nexus Q là thiết bị streaming với tính năng phát nội dung YouTube hay Google Music lên TV với thiết kế hình cầu khá bắt mắt. Đây cũng là tiền thân của Google Chromecast, Roku hay Amazon Fire TV.

Google ra mắt Nexus Q tại hội nghị I/O 2012 và tặng miễn phí cho người tham dự. Sản phẩm bị giới truyền thông chê bai do tính năng ít so với giá bán cao (299 USD). Google sau đó quyết định khai tử Nexus Q trước khi bán ra thị trường.

1. Google Wave (2009-2012)

Được tạo ra bởi đội ngũ phát triển Google Maps, Google Wave là nỗ lực của Google trong việc "tái định nghĩa" lại email.

Tính năng chính của Wave là cho phép nhiều người cùng làm việc trên một tài liệu (gọi là waves). Google dừng phát triển Wave năm 2010 sau nhiều phàn nàn rằng nó quá khó sử dụng. Nếu muốn biết Wave hoạt động như thế nào, bạn có thể xem đoạn clip dài 1 tiếng 20 phút giới thiệu Wave của Google tại hội nghị I/O 2009 ở đây.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác