VnReview
Hà Nội

Cuộc cải tổ của đại gia ôtô trăm tuổi để tránh số phận GE, Kodak

Thông báo đóng cửa 5 nhà máy có thể làm 14.000 nhân viên mất việc của General Motors (GM) chỉ là bước đầu trong hành trình cải tổ của gã khổng lồ trong ngành công nghiệp ôtô.

Mary Barra đang lãnh trọng trách đảm bảo đế chế General Motors (GM) không bị bỏ lại phía sau trong ngành công nghiệp xe hơi hiện phát triển chóng mặt mà GM từng là người tiên phong.

Không để bị kẹt lại bên lề những thứ lỗi thời

Bà biết hành trình cải tổ một công ty trăm tuổi như GM sẽ trải qua nhiều đau đớn, nhưng đó là lựa chọn duy nhất. Nếu không, GM có thể sẽ rơi vào cảnh tương tự như Sears và General Electric, những gã khổng lồ không chịu thích nghi và đang đứng trước bờ vực sụp đổ.

GM đang đưa ra những quyết định khó khăn để chuẩn bị cho tương lai của các loại xe điện và tự lái. Hãng vừa thông báo kế hoạch cắt giảm 15% nhân sự và đóng cửa 5 nhà máy ở Bắc Mỹ. Động thái này sẽ giúp GM tiết kiệm;6 tỷ USD chi phí mỗi năm vào năm 2020. Số tiền khổng lồ này có thể được đầu tư cho tương lai.

"Có một sự đứt gãy lớn sắp diễn ra. Và Mary Barra không muốn bị kẹt lại bên lề những thứ lỗi thời", Jeffrey Sonnenfeld, trưởng bộ môn lãnh đạo tại trường Quản lý Yale, nhận định. "Bà ấy không muốn chịu chung số phận như Kodak, GE hay Sears. Barra muốn cải tổ lại GM".

GM sẽ ngừng sản xuất các dòng xe Chevrolet Volt, Impalam, Cruze và một số mẫu xe khác. Thay vào đó, hãng sẽ ra mắt nhiều mẫu SUV được người Mỹ ưa chuộng hơn.

GM sẽ đóng cửa 5 nhà máy tại Bắc Mỹ và ngừng sản xuất một số dòng xe. 

"GM muốn tận dụng tỷ suất lợi nhuận cao của các dòng SUV và xe tải để tiến tới tương lai", Jeremy Acevedo, giám đốc công ty phân tích ôtô Edmunds, nêu quan điểm.

Bước nhảy vọt của xe điện

Mary Barra xứng đáng nhận được sự tín nhiệm vì đã hành động kịp thời vào lúc này trước khi quá muộn. Hiện tại, Tesla của tỷ phú Elon Musk đã chứng minh xe điện là một ngành công nghiệp hoàn toàn khả thi và có mức sinh lợi tiềm năng.

Theo Bloomberg New Energy Finance, năm 2030, doanh số xe điện trên toàn cầu được dự đoán sẽ chạm mốc 30 triệu chiếc so với con số vỏn vẹn 1,1 triệu vào năm ngoái. Khi đó, phân khúc xe điện sẽ chiếm 11% tổng doanh số thị trường ôtô Mỹ.

"Công nghệ đang có những bước nhảy vọt ngay lúc này", Acevedo nói. "Có thể dự đoán rằng chỉ một thập kỷ nữa, diện mạo ngành công nghiệp ôtô sẽ hoàn toàn khác. Các công ty đang phải thích nghi để tồn tại".

Trong thông báo phát đi hôm thứ hai, bà Barra nhấn mạnh việc GM nhận ra "sự cần thiết phải đi trước những thay đổi của thị trường và khách hàng để duy trì thành công trong dài hạn cho công ty".

CEO của GM khẳng định công ty phải có những động thái thay đổi khi nền kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh nói riêng vẫn đang tốt đẹp.

GM dưới áp lực của Tổng thống Trump

Nhưng GM hiện phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ các chính trị gia Mỹ và Canada vì kế hoạch đóng cửa nhà máy sẽ đẩy hàng nghìn công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp.

Theo ước tính, việc dừng hoạt động 5 nhà máy ở Bắc Mỹ sẽ khiến 8.000 công nhân làm việc toàn thời gian của GM mất việc. 6.000 công nhân làm việc theo ca cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự hoặc bị điều động đến các nhà máy khác.

"Tôi cảm thấy thật khó khăn. Tôi đã nói chuyện với bà Barra ngay khi biết việc các nhà máy GM sắp đóng cửa và tôi đã nhấn mạnh với bà ấy rằng, bạn cũng biết đấy, đất nước này đã cho GM rất nhiều," Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên vào hôm thứ hai.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và CEO GM Mary Barra trong 1 cuộc gặp tại Nhà Trắng năm 2017. 

Ông Trump khẳng định ông ấy đã nói với nữ tướng của GM rằng bà ấy tốt hơn hết nên sớm mở cửa trở lại các nhà máy ở Mỹ.

Tất nhiên, mục đích của bà Barra không gì khác ngoài cố gắng duy trì vị trí của GM như một doanh nghiệp quan trọng hàng đầu với nước Mỹ trong một trăm năm nữa.

"Barra không phải là một người hoài cổ về những gì đã qua của GM. Bà ấy không phải chính trị gia mà là người làm kinh doanh. Barra đang nói thật và làm thật để thực hiện trách nhiệm của mình với công ty", Sonnenfeld nhận xét.

Tránh đi vào vết xe đổ của Sears, Kodak, GE

Lịch sử chứng minh rằng không ít những công ty từng đạt được nhiều hào quang trong quá khứ đã hụt hơi trong cuộc chạy đua với tương lai. Sears, tượng đài một thời thống trị ngành bán lẻ của Mỹ, đã nộp đơn xin phá sản vào tháng trước. Và Sears chỉ là doanh nghiệp bán lẻ truyền thống mới nhất thất bại trong kỷ nguyên của Amazon.

Kodak từng là người tiên phong trong ngành công nghiệp ảnh nhưng đã phải xin phá sản vào năm 2012 khi thất bại trong việc thích ứng thay đổi từ ảnh film sang nhiếp ảnh kỹ thuật số. Một năm sau đó, Kodak chật vật quay trở lại.

Một gã khổng lồ một thời khác là General Electric (GE) cũng đang chìm trong khủng hoảng khi cố bảo thủ với mô hình kinh doanh không còn phù hợp. Cựu CEO của GE, Jeff Immelt gần đây thừa nhận hối hận vì đã không tách các mảng công nghiệp của GE khỏi GE Capital, đơn vị tài chính thua lỗ của tập đoàn.

GE, Sears, Kodak là những ví dụ điển hình về sự thất bại của các doanh nghiệp khổng lồ chậm thay đổi.

Dưới thời Immelt, GE đã tăng gấp đôi lượng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2015 bằng việc mua lại mảng năng lượng của Alstorm. Thương vụ này sau đó trở thành một thảm họa khi than đá và khí tự nhiên trở nên lỗi thời khi các nguồn năng lượng tái tạo mới trở thành xu thế.

Tương lai của GM có thể giống như Uber

GM đang hy vọng có thể theo chân Walmart. Không giống Sears, Walmart đầu tư mạnh mẽ vào thương mại điện tử, minh chứng bằng thương vụ mua lại Jet.com trị giá 3,3 tỷ USD và vẫn giữ được vị trí dẫn đầu trong nhóm các nhà bán lẻ truyền thống.

William Klepper, giáo sư quản trị học tại trường Kinh doanh Columbia nhận định: "Những gì giữ Walmart ở lại với cuộc chơi hôm nay là chiến lược giá thấp mỗi ngày. Nhưng những gì sẽ giúp Walmart luôn vượt lên khỏi sự lỗi thời là thương mại điện tử. Và họ đang quyết liệt với mảng online như bất kỳ ai".

Klepper cho rằng lãnh đạo GM cần phải "chiến đấu trên cả 2 mặt trận" tương tự như Walmart bằng việc vẫn cho ra đời các mẫu xe tốt hơn và đồng thời tái đầu tư cho tương lai.

Tương lai của hãng xe trăm tuổi có thể sẽ rất khác so với hiện tại. GM đang định vị sẽ trở thành một doanh nghiệp không chỉ làm xe hơi mà còn cung cấp các chuyến đi cho khách hàng trên các phương tiện tự hành.

Một năm trước, GM tuyên bố có thể tăng doanh thu từ 30.000 lên hàng trăm nghìn USD trên mỗi chiếc xe bán ra trong suốt niên hạn sử dụng nếu hãng có thể cung cấp dịch vụ vận tải cho khách hàng thay vì chỉ bán xe.

Thay đổi trên nếu diễn ra có thể khiến nhiều vân viên của GM phải nghỉ việc hơn. "Khi họ chuyển sang mô hình kinh doanh mới này, sẽ còn nhiều điều khó khăn hơn", Acevedo nhận xét.

Theo Zing

Chủ đề khác