VnReview
Hà Nội

Microsoft đã làm những gì để vượt mặt Apple, trở thành công ty giá trị nhất thế giới?

Chỉ vài năm trước thôi, Microsoft bị đánh giá là một gã khổng lồ ì ạch của thế giới công nghệ. Họ vẫn là một công ty lớn và sinh lời, nhưng lại tụt hậu trong những thị trường đầy tiềm năng của tương lai như di động, tìm kiếm, quảng cáo trực tuyến và điện toán đám mây.

Cổ phiếu của Microsoft lúc bấy giờ thậm chí còn chững lại, chỉ tăng đúng 3% trong quãng thời gian 1 thập kỷ tính đến cuối năm 2012.

Ngày nay, câu chuyện đã rất khác. Microsoft đã vượt mặt Apple để trở thành công ty có giá trị nhất thế giới. Vậy, chuyện gì đã xảy ra? Làm thế nào Microsoft có thể "hồi sinh" mạnh mẽ như vậy?

Công ty xây dựng chiến lược kinh doanh dựa trên các thế mạnh của bản thân

Để giải thích cho sự trỗi dậy của Microsoft trên thị trường, chúng ta có thể nói về ngắn hạn và dài hạn.

Về ngắn hạn, Microsoft đã xử lý tốt hơn các công ty khác trong các đợt bán tháo cổ phiếu gần đây của các công ty công nghệ. Các nhà đầu tư Apple thì lo lắng về doanh số có dấu hiệu chững lại của iPhone. Facebook và Google đối mặt với những cáo buộc liên quan phát tán tin giả và các thuyết âm mưu, đồng thời các nhà đầu tư cũng quan ngại rằng các chính sách về quyền riêng tư của hai công ty này có thể khiến người dùng cũng như các nhà quảng cáo lo sợ.

Nhưng câu trả lời chắc chắn và quan trọng hơn đó là Microsoft đã trở thành một ví dụ điển hình của việc một công ty từng thống trị thị trường, xây dựng được chiến lược kinh doanh dựa trên các thế mạnh và tránh bị mắc kẹt trong hào quang của quá khứ. Hãng đã dang tay đón nhận điện toán đám mây, chủ động ngừng cuộc chơi smartphone khi đuối sức và quay lại với nguồn gốc của mình: một nhà cung ứng công nghệ cho các khách hàng doanh nghiệp.

Chiến lược này được Satya Nadella quyết tâm theo đuổi chỉ một thời gian ngắn sau khi ông trở thành CEO vào năm 2014. Kể từ thời điểm đó, giá cổ phiếu của Microsoft đã tăng gần gấp 3 lần!

Hãng đã đặt cược lớn vào điện toán đám mây và chiến thắng vang dội

Một trong những trung tâm dữ liệu đầu não của các dịch vụ điện toán đám mây của Microsoft

Con đường tiến đến điện toán đám mây - xử lý, lưu trữ và cung cấp phần mềm như một dịch vụ qua Internet từ các trung tâm dữ liệu từ xa - rất dài và đôi lúc có những khoảng lặng.

Microsoft đã bước những bước đầu tiên trong lĩnh vực điện toán đám mây từ những năm 1990, với dịch vụ trực tuyến MSN và sau đó là bộ máy tìm kiếm Bing. Vào năm 2010, 4 năm sau khi Amazon gia nhập thị trường điện toán đám mây, Microsoft đã giới thiệu dịch vụ đám mây của riêng mình. Nhưng phải đến năm 2013, Microsoft mới thực sự cạnh tranh được với gã khổng lồ bán lẻ trên lĩnh vực này.

Tuy nhiên, dịch vụ đám mây lúc bấy giờ vẫn là một mảng kinh doanh bên lề của Microsoft. Trọng tâm của họ là hệ điều hành Windows, con chốt quyết định thành bại và sức mạnh của công ty trong suốt thời kỳ của máy tính cá nhân. Mọi chuyện thay đổi sau khi Nadella nắm giữ vị trí CEO thay thế Steven A. Ballmer sau hơn 14 năm tại vị.;

Nadella ngay lập tức đưa dịch vụ đám mây lên thành ưu tiên hàng đầu, và công ty hiện đứng vững ở vị trí số 2 sau Amazon. Thị phần của Microsoft trên thị trường này đã tăng gần gấp đôi, đạt 13% kể từ cuối năm 2015. Thị phần của Amazon ổn định ở mức 33% trong cùng khoảng thời gian này.

Microsoft còn chỉnh sửa bộ ứng dụng Office cực kỳ phổ biến của mình (gồm Word, Excel và PowerPoint) thành một phiên bản đám mây với tên gọi Office 365 nhằm phục vụ cho những người muốn dùng phần mềm như một dịch vụ Internet và giúp Microsoft cạnh tranh với các nhà cung cấp ứng dụng trực tuyến khác như Google.

Chuyển biến về mặt tài chính từ thay đổi này thời gian đầu khá chậm chạp, nhưng đang có xu hướng tăng nhanh. Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 6, doanh thu của Microsoft tăng 15%, đạt 110 tỷ USD, và lợi nhuận hoạt động tăng 13%, lên mức 35 tỷ USD.

"Bản chất của những việc Satya Nadella đã làm là chuyển dịch mạnh về lĩnh vực đám mây" - David B. Yoffie, một giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard cho biết - "Ông ấy đã đưa Microsoft quay lại một mảng kinh doanh có mức tăng trưởng cao".

Chính suy nghĩ rằng Microsoft đang trên đà tăng trưởng mạnh đã giúp giá cổ phiếu của hãng tăng lên.

Rút lui khỏi những kế hoạch thất bại

Một chiếc điện thoại do Microsoft sản xuất vào năm 2014 sau khi mua lại Nokia

Khi Microsoft thâu tóm mảng điện thoại di động của Nokia vào năm 2013, Ballmer đã ca tụng quyết định này như "một bước vững chắc vào tương lai". Hai năm sau, Nadella rút lui khỏi tương lai đó, bỏ ra 7,6 tỷ USD, gần bằng tổng giá trị của thương vụ, và sa thải 7.800 công nhân.

Microsoft không cố cạnh tranh với các ông lớn smartphone như Apple, Google và Samsung. Thay vào đó, họ tập trung phát triển ứng dụng và các phần mềm phục vụ các khách hàng doanh nghiệp.

Microsoft đã có một chuỗi sản phẩm tiêu dùng thành công: máy chơi game Xbox. Nhưng đó là một đơn vị độc lập, và dù nó tạo ra doanh thu khoảng 10 tỷ USD, con số đó cũng vẫn chưa đầy 10% tổng doanh thu của công ty.

Các sản phẩm chủ đạo của Microsoft là những công cụ tiện ích - năng suất, bất kể người dùng sử dụng chúng ở nhà hay ở văn phòng. Và công nghệ đám mây Azure của hãng là một dịch vụ dành cho doanh nghiệp và một nền tảng dành cho các nhà phát triển phần mềm xây dựng các ứng dụng, một loại hệ điều hành đám mây.

Những thương vụ thâu tóm lớn của Nadella đều có ý đồ tăng cường những sản phẩm mà Microsoft mang đến cho người dùng doanh nghiệp và các nhà phát triển. Vào năm 2016, Microsoft mua lại LinkedIn, mạng xã hội dành cho giới chuyên gia, với giá 26,2 tỷ USD.

"Đó là sự kết hợp của đám mây dành cho giới chuyên gia và mạng lưới của giới chuyên gia" - Nadella giải thích vào thời điểm đó.

Năm nay, Microsoft tiếp tục bỏ ra 7,5 tỷ USD để mua GitHub, một nền tảng phần mềm nguồn mở được sử dụng bởi 28 triệu lập trình viên.

Mở cửa công nghệ và văn hóa

Dưới triều đại Nadella, Microsoft đã nới lỏng những ràng buộc của chính họ. Windows không còn là trọng tâm - hay là chiếc mỏ neo níu giữ công ty nữa. Các ứng dụng của Microsoft không chỉ chạy trên hệ điều hành Macintosh của Apple mà còn trên nhiều hệ điều hành khác nữa. Phần mềm nguồn mở và miễn phí - một thời từng là thứ bị nguyền rủa tại Microsoft - nay được chào đón như một công cụ quan trọng trong phát triển phần mềm hiện đại.

Nadella đã truyền bá một hệ tư tưởng hướng ngoại. "Chúng ta cần khao khát học hỏi từ bên ngoài và mang những kiến thức học được vào Microsoft" - ông viết trong cuốn sách "Hit Refresh" xuất bản vào năm ngoái như vậy.

Kết quả tài chính và giá cổ phiếu của Microsoft cho thấy công thức của Nadella quả thực hiệu nghiệm.

"Quan điểm cổ hủ, xem Windows là trọng tâm đã bóp chết sự cải tiến" - Michael A. Cusumano, một giáo sư tại trường Quản lý Sloan của MIT nói - "Công ty đã thay đổi về mặt văn hóa. Microsoft một lần nữa trở thành một nơi thú vị để làm việc".

Minh.T.T

Chủ đề khác