VnReview
Hà Nội

Người dùng chỉ trích Samsung hợp tác với thương hiệu thời trang Supreme “giả mạo”

Mới chỉ cách đây vài ngày, Samsung bị dính vào một "vết đen" truyền thông khi bị tố dùng ảnh chụp DSLR để quảng cáo cho camera Galaxy A8 Star. Và trong sự kiện vừa rồi tại Trung Quốc ra mắt Galaxy A8s, công ty có vẻ vừa "đổ thêm dầu vào lửa" xoay quanh hoạt động truyền thông. Họ thông báo hợp tác với nhãn hiệu thời trang Supreme rất nổi tiếng, chỉ tiếc đó lại là... kẻ giả mạo.

Supreme là một công ty thời trang Mỹ kinh doanh thương hiệu. Sản phẩm của họ có đặc điểm là chỉ bán giới hạn, và không sản xuất lại. Phần lớn giá trị của món hàng nằm ở dòng chữ "Supreme" đầy quyền lực mà thôi. Từng có chuyện họ bán cả cục gạch in chữ "Supreme" mà vẫn khiến tín đồ thời trang xếp hàng dài để mua - xếp hàng mua iPhone vẫn còn dễ hiểu chán! Thậm chí cả búa, thìa hay bát cũng có thể dập logo lên và... bán.

Vấn đề nằm ở chỗ, luật sở hữu trí tuệ không phải lúc nào cũng bảo hộ cho các nhãn hàng thỏa đáng. Supreme bị làm giả rất nhiều và oái ăm là có những nơi, họ thua kiện bởi chính kẻ làm giả mình, trong đó có nước Ý. Supreme Barletta (phía Đông Nam nước Ý) đã nhanh tay đăng kí nhãn hiệu "Supreme" cho mình, sau đó bán các sản phẩm giả mạo dưới cái tên nổi tiếng. Họ ăn cắp tên tuổi của Supreme Mỹ, đăng kí với cơ quan địa phương và ngang nhiên bán hàng mà không sợ công ty chính chủ làm gì được. Chính quyền đã bác đơn kiện của Supreme Mỹ và cho phép "kẻ giả mạo" tiếp tục kinh doanh trong lĩnh thổ nước Ý.

Samsung thông báo hợp tác với nhãn hiệu thời trang Supreme "giả mạo"

Ngay sau sự kiện của Samsung, nhiều câu hỏi được đặt ra về việc tuyên bố với Supreme, ông Leo Lau, Giám đốc Truyền thông Số Samsung đã lên weibo làm rõ vấn đề này. "Nhãn hiệu thời trang mà chúng tôi hợp tác là Supreme Italia, không phải Supreme US. Supreme US không được cấp phép để kinh doanh và tiếp thị sản phẩm tại Trung Quốc. Trong khi đó, Supreme Italia đã được cấp phép để làm điều đó ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Nhật Bản" - phản hồi lại những chỉ trích của người dân Trung Quốc trên tài khoản weibo của ông.

Vẫn biết Samsung đang gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc. Thị phần tại đây của họ chỉ còn hơn 1% và đang bị bủa vây bởi các công ty nội địa, doanh số smartphone Galaxy trên toàn cầu thì đang giảm mạnh mẽ chưa từng có. Tuy nhiên, nếu công ty chọn cách quảng bá sản phẩm bằng việc hợp tác với một "kẻ giả mạo", liệu có khiến người hâm mộ hài lòng? Trang Engadget đã giật dòng tít đầy châm biếm: "Samsung to develop real products with a fake Supreme" - Samsung phát triển các sản phẩm "real" với một Supreme "fake".

Ambitious Man

Chủ đề khác