VnReview
Hà Nội

Trung Quốc chi tiền cho nghiên cứu công nghệ vượt mặt Hàn Quốc, nhưng vẫn kém xa Nhật Bản và Mỹ

Hãng tư vấn toàn cầu PwC vừa phát hành một báo cáo cho thấy, tốc độ chi tiền cho hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) của các công ty công nghệ Trung Quốc đang tăng rất nhanh. Mặc dù kém về giá trị, nhưng tốc độ chi tiền của họ đã vượt qua cả Mỹ. Báo cáo được thực hiện qua điều tra, phân tích ngân sách R&D của 1.000 công ty giao dịch công khai lớn nhất thế giới, trong giai đoạn 12 tháng tính đến tháng Sáu năm nay.

Tổng thể, ngân sách R&D của các công ty thuộc sáu nền kinh tế lớn nhất châu Á đã tăng 12% lên 228 tỷ USD. Trung Quốc dẫn đầu với mức tăng 21%, đạt 57 tỷ USD, chủ yếu nhờ sự ủng hộ của chính phủ Trung Quốc. Mỹ chỉ tăng 9% lên 328 tỷ USD, trong khi Nhật Bản tăng rất thấp 6%, đạt 116 tỷ USD. Trong danh sách 1.000 thì có 379 công ty châu Á, chiếm gần 30% tổng ngân sách R&D toàn cầu là 782 tỷ USD.

Ở Trung Quốc, chi nhiều nhất là Alibaba, gần 4 tỷ USD. Các gã khổng lồ khác như Tencent, ZTE, Baidu xếp sau với mức chi tiêu nghiên cứu trong khoảng 1,9 cho đến 2,6 tỷ USD.

PwC nhận xét xu hướng chuyển dịch của các công ty này là từ gia công truyền thống sang các ngành công nhiệp có giá trị cao, ví dụ như dịch vụ Internet, sản xuất kĩ thuật tiên tiến. Chính phủ không ngừng đổ các khoản tiền vào những lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử.

Mitsuru Toizaki, một nhà tư vấn cho các CEO bình luận: "Với lợi thế về thị trường khổng lồ hơn một tỉ dân, nền kinh tế tăng trưởng, các công ty nội địa Trung Quốc có thể tự tin phát triển mà không lệ thuộc vào động lực từ các thị trường nước ngoài".

Bộ ba B.A.T chi phối nền công nghệ Trung Quốc

Hiện tại, Trung Quốc đang phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ phát động, triển vọng kinh tế không còn tươi sáng nữa. Một nhà phân tích đến từ Mizuho Research Institute nhận xét, nếu nền kinh tế tiếp tục trì trệ, xung đột leo thang, kế hoạch đầu tư của các công ty Trung Quốc có thể phải tăng cường thêm.

Còn với Nhật Bản, tiếp tục là một động lực thúc đẩy chi tiêu R&D toàn cầu khi có 160 công ty lọt danh sách 1.000 công ty, gần một nửa toàn châu Á trong danh sách.

Khác với Trung Quốc, chủ yếu những công ty chi nhiều nhất của Nhật là những cái tên lâu năm trong ngành công nghiệp, ví dụ xe hơi. Toyota là công ty chi R&D nhiều nhất 10 tỷ USD. Theo sau chính là Honda và Nissan. Xu hướng chi tiêu của họ thường phục vụ cho trí tuệ nhân tạo, xe điện, xe tự hành.

Một trở ngại với các công ty Nhật là thiếu hụt nhân tài. Theo hãng tư vấn toàn cầu KPMG, khảo sát 1.300 CEO tại đất nước mặt trời mọc thì hơn 70% đang "khổ sở" để bắt kịp với tốc độ đổi mới.

Keita Kubota, một giám đốc đầu tư hiến kế: "Các công ty Nhật nên làm việc để tiếp nhận kiến thức, kĩ năng mới từ các công ty khởi nghiệp". Cùng với đó, quan trọng hơn là phải cân bằng giữa lợi nhuận và chi tiêu trong dài hạn, ông bổ sung.

Samsung là công ty Hàn Quốc chi nhiều tiền R&D nhất

Hai nền kinh tế lớn khác của châu Á là Hàn Quốc và Đài Loan. Hàn Quốc đã chi 33 tỷ USD cho R&D, kém khá xa so với Trung Quốc (57 tỷ USD) và Nhật Bản (116 tỷ USD). Còn Đài Loan đã chi 15 tỷ USD. Giống Nhật, các công ty ở Hàn và Đài chi tiêu nhiều nhất đều là những tên tuổi có lịch sử lâu dài. Ở xứ kim chi, đó là Samsung và Hyundai. Còn ở xứ Đài, TSMC - hãng gia công chip lớn nhất thế giới - và Foxconn - hãng gia công đồ điện tử lớn nhất thế giới - là hai cái tên đứng đầu.

Xứ cờ hoa, quốc gia dẫn đầu trong ngân sách R&D có đến hơn 300 cái tên góp mặt trong danh sách. Amazon, Alphabet (công ty mẹ Google), Microsoft và Apple ngự trị trong top 5.

Amazon dẫn đầu toàn thế giới năm thứ 2 liên tiếp, ghi nhận mức chi khủng 20 tỷ USD. Họ tập trung phát triển nền tảng AI có tên Alexa, hệ thống tầm nhìn máy tính (computer vision) cho chuỗi cửa hàng Amazon Go tự vận hành.

Ambitious Man

Chủ đề khác