VnReview
Hà Nội

World Bank: Chi phí nhân công Việt Nam đắt hàng đầu Đông Nam Á

Chi phí nhân công của Việt Nam đang hàng đầu Đông Nam Á, cao gấp đôi Lào, Myanmar, Malaysia và cao hơn từ 30-45% so với Campuchia, Thái Lan, Philippines.

Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị "các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam", Ngân hàng Thế giới (WB) đã gửi tới báo cáo phân tích năng suất doanh nghiệp và môi trường đầu tư.

Báo cáo chỉ ra thực trạng năng suất của Việt Nam so sánh với các nước trong khu vực ở cả khía cạnh thâm hụt vốn và năng suất, chi phí lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp. Theo đó, Việt Nam không hẳn là nước có chi phí nhân công rẻ ở Đông Nam Á, mà cao hơn nhiều nước khác.

Theo WB, năng suất ở Việt Nam không quá thấp so với các nước châu Á khác, dù điều này có lẽ không đúng với các doanh nghiệp lớn. Năng suất lao động Việt có thể so sánh được với các nước Đông Á và Ấn Độ.

Nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động cao được WB chỉ ra là do mức độ thâm hụt vốn lớn ngày càng tăng. Chi phí lao động của Việt Nam cũng cao hơn một số nước trong khu vực. WB cho rằng chi phí này đã phản ánh đúng năng suất của mỗi nước, vì vậy đây không phải là một hạn chế lớn đối với năng lực cạnh tranh.

Trong khi đó năng suất các yếu tố tổng hợp (TFD) của Việt Nam có vẻ cao hơn hầu hết đối thủ cạnh tranh trong khu vực và các nước BRIC (Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ).

Theo WB, năng suất lao động Việt Nam khá cao, doanh nghiệp trung vị tạo ra khoảng;10.500 USD giá trị gia tăng trên mỗi công nhân. Mức này tương đương với các nước khác trong khu vực Đông Á, cao hơn Ấn Độ (khoảng 7.000 USD), nhưng lại thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế BRIC. Philippines năng suất khoảng 10.000 USD, Malaysia là khoảng 9.500 USD, Thái Lan (3.500 USD)…

Trong khi đó chỉ có rất ít doanh nghiệp tạo ra được hơn 60.000 USD giá trị gia tăng trên mỗi công nhân. Phổ biến các công nhân tạo ra giá trị gia tăng khoảng 8.000 USD.

Mức độ thâm dụng vốn và năng suất của các doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn các nước Đông Á khác và ngang bằng các nền kinh tế BRIC. Theo báo cáo, doanh nghiệp trung vị của Việt Nam có mực độ thâm dụng vốn khoảng 7.300 USD/công nhân.

Theo số liệu, mức thâm dụng vốn của Trung Quốc khoảng 8.200 USD, Brazil là 7.000 USD, Nga là 5.200 USD, Malaysia là 4.800 USD, Philippines là 3.500 USD…

WB đánh giá dù có mức độ thâm dụng vốn tương đương các doanh nghiệp ở BRIC, nhưng doanh nghiệp trung vị của Việt Nam lại có năng suất thấp hơn, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng vốn không hiệu quả.

Năng suất vốn của Thái Lan lên tới trên 700%, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 160%, Trung Quốc và Ấn Độ là gần 300%, Nga là 300%...

Chi phí nhân công ở Việt Nam cũng cao hơn hầu hết nước trong khu vực. Theo báo cáo, tiền công và tiền lương của doanh nghiệp trung vị Việt Nam ở mức khoảng 2.739 USD/lao động, cao gấp đôi so với Lào, Myanmar, Malaysia, và hơn khoảng 30-45% so với Campuchia, Thái Lan, Philippines. Tuy nhiên tiền công thấp hơn so với các nước BRIC.

Theo Zing

Chủ đề khác