VnReview
Hà Nội

Bà Mạnh Vãn Châu bị nghi ngờ hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh

Truyền thông phương Tây cáo buộc CFO Huawei, bà Mạnh Vãn Châu rất có thể là gián điệp cài cắm của Bắc Kinh trong lòng nước Mỹ.

Mới đây, tờ New York Post cho rằng, Huawei và bà Mạnh là "gián điệp" cho Bắc Kinh. Chuyên trang này đưa ra kết luận trên sau khi dẫn nguồn tin cho rằng, Bắc Kinh đã kêu gọi tất cả công ty trong nước tham gia thu thập thông tin về các quốc gia khác.

Cụ thể New York Post viện dẫn điều 7 thuộc Luật tình báo quốc gia Trung Quốc cho biết: "Tất cả các tổ chức và công dân phải hỗ trợ và hợp tác trong công tác tình báo quốc gia và bảo vệ bí mật về hoạt động tình báo của họ".

Đó cũng là lý do khiến các nhà lập pháp Mỹ từ lâu đã liệt Huawei vào trong danh sách đen. Mỹ cho rằng, Huawei là "điệp viên" của Trung Quốc cài cắm trên đất Mỹ để thu thập các thông tin quan trọng liên quan đến dữ liệu cá nhân của người dân và bí mật quốc gia của Mỹ.

Lo lắng trên càng có cơ sở hơn khi Huawei đang là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai và là hãng sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới. Sự phủ sóng mạnh mẽ của Huawei trong các lĩnh vực quan trọng như thiết bị viễn thông và di động được nhận định tiềm ẩn những nguy cơ an ninh.

Khi các nhà chức trách Canada bắt giữ CFO Huawei Mạnh Vãn Châu vào hồi đầu tháng này, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã dần leo thang lên một mức độ cao hơn. Phía Mỹ liên tục hối thúc Canada dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ để xét xử và tuyên án vì hành vi gian lận kinh doanh với Iran.

Ngược lại Trung Quốc cũng phản đối gay gắt lệnh bắt giữ bà Mạnh và yêu cầu phải thả ngay công dân nước này trước những cáo buộc chưa được kiểm chứng. Bà Mạnh hiện đang bị quản thúc tại gia và chờ dẫn độ về Mỹ.

Không chỉ có Mỹ và Trung Quốc nằm ở hai chiến tuyến, có rất nhiều đồng minh của Mỹ cũng đã chung tay tẩy chay Huawei với lo ngại rằng, các thiết bị viễn thông và di động của hãng công nghệ Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.

Mỹ đã cấm hai nhà mạng AT&T và Verizon bán Huawei Mate 10 Pro hồi đầu năm nay như một phần của lệnh cấm Huawei. Sau đó, Mỹ còn cấm các nhân viên chính phủ và cả quân đội sử dụng các thiết bị của Huawei. Chưa hết, Mỹ cũng hối thúc các đồng minh như Anh, Canada, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và Đức cấm thiết bị của Huawei.

Tất nhiên Huawei chưa bao giờ thừa nhận bất cứ cáo buộc nào của giới chức phương Tây về việc do thám và gián điệp các quốc gia này. Thậm chí, hãng công nghệ Trung Quốc còn khẳng định sẵn sàng chi 2 tỷ USD cho các khoản đầu tư an ninh mạng trong vòng 5 năm tới để chứng minh "sự trong sạch".

Bên cạnh đó, các đối tác của Huawei cũng bày tỏ sự thất vọng với các cáo buộc vô căn cứ của phương Tây bằng cách nghiêm cấm tất cả nhân viên mua iPhone và sẵn sàng trợ cấp tiền mua smartphone nội địa, bao gồm của Huawei.

Tiến Thanh

Chủ đề khác