VnReview
Hà Nội

Từ điện thoại đến xe, "Made in Vietnam" phát triển với trợ giúp nước ngoài

Các công ty Việt Nam đang nhảy vào lĩnh vực sản xuất mới dưới sự khuyến khích của chính phủ, nằm trong lộ trình tiến tới mục tiêu trở thành cường quốc về sản xuất năm 2020. Dưới đây là bài viết từ báo Nikkei do VnReview lược dịch, xin gửi tới bạn đọc.

Tập đoàn bất động sản Vingroup đã bất ngờ công bố kế hoạch trở thành một cái tên nổi bật trong lĩnh vực công nghệ, bắt đầu từ sản xuất xe máy chạy điện và điện thoại thông minh, gia nhập ngành công nghiệp xe hơi hồi năm ngoái. VinFast, một nhánh của tập đoàn, bắt đầu bán sản phẩm đầu tiên hồi tháng Mười Một. Thiết kế dựa trên khuôn của Vespa đến từ Ý, Klara là một mẫu xe được chế tạo tốt với kiểu dáng sành điệu, có thể chạy 80 cây số sau một lần sạc.

Tuy nhiên, giống như nhiều sản phẩm nội địa khác, Klara vẫn phải phụ thuộc nhiều vào các công nghệ và thành phần từ nước ngoài. VinFast đã hợp tác với nhiều công ty lớn có kinh nghiệm như BMW, Bosch, Siemens, nhờ thế mà chỉ sau hơn một năm họ đã đưa được sản phẩm ra thị trường, tính từ lúc công bố ý định tham gia sản xuất xe gắn máy. Nỗ lực này phản ánh cho chặng đường còn dài để Việt Nam có thể thực sự trở thành một cường quốc công nghiệp.

Tập đoàn chuyên kinh doanh bất động sản Vingroup ra mắt xe máy điện hồi tháng 11/2018. Ảnh: Nikkei

Một nhóm gồm 20 doanh nghiệp đến từ châu Âu đã tham gia hỗ trợ Vingroup, 200 kĩ sư người Đức hiện đang làm việc cho nhà máy của họ ở phía Bắc Hải Phòng. Từ chiếc xe máy Klara cho thấy cái nhìn thoáng qua về sự trợ giúp từ nước ngoài sẽ giúp tạo nên chiếc xe ô tô đầu tiên của Việt Nam, mà họ dự định sẽ khởi động vào tháng Sáu: Một vài xe sẽ dựa trên hình mẫu ô tô con sản xuất bởi Opel (Đức), với khung gầm do các công ty phương Tây cung cấp. Một xưởng thiết kế Ý từng làm cho Ferrari chịu trách nhiệm thiết kế xe hơi cho VinFast. Phần lớn các thành phần của xe vẫn phải nhập khẩu, về cơ bản, Việt Nam chưa xây dựng được chuỗi cung ứng cho xe hơi đủ mạnh.

Việc tham gia vào lĩnh vực smartphone của Vingroup cũng phải dựa nhiều vào sự trợ giúp từ nước ngoài. Tập đoàn chọn đối tác BQ đến từ Tây Ban Nha để tiếp thu kinh nghiệm, đặt nhà máy lắp ráp ở Hải Phòng và đã công bố bốn mẫu Vsmart đầu tiên. Ngoài ra, họ cũng phải nhờ tới các công ty quốc tế như Qualcomm, Google hỗ trợ nhiều mặt.

Bkav là công ty trong nước đầu tiên tự làm điện thoại thông minh là BKAV, xuất thân là hãng phần mềm. Sản phẩm đầu tiên là Bphone ra mắt năm 2015 do họ thiết kế và được xây dựng từ nhiều linh kiện nước ngoài như màn hình do Sharp sản xuất, chipset Snapdragon của Qualcomm. Hồi tháng 10/2018, Bkav công bố thế hệ mới nhất là Bphone 3 với hai phiên bản thường 6,99 và Pro 9,99 triệu đồng, một mức giá rất cạnh tranh trên thị trường.;

Trường Hải Auto hay còn được biết đến là Thaco, một nhà sản xuất theo hợp đồng cho Mazda và Kia, bắt đầu bán máy móc nông nghiệp từ năm 2018 được chế tạo ở Việt Nam. Công ty hợp tác công nghệ với hãng LS Mtron của Hàn Quốc, sản xuất thiết bị với nhiều thành phần nhập khẩu.

Bphone 3

Bkav, nhà sản xuất smartphone Made in Vietnam Bphone 3, đang tìm kiếm mở rộng thị phần với giá cả cạnh tranh. Ảnh: Nikkei

Chính phủ luôn tìm cách xây dựng chu trình sản xuất nội địa, với hy vọng thông qua bán các sản phẩm được sản xuất trong nước sẽ giúp nâng đỡ các ngành công nghiệp tiến lên bậc cao hơn về trình độ công nghệ, cùng với đó là tạo ra nhiều việc làm. Để khuyến khích, rất nhiều ưu đãi về thuế và các đặc quyền khác được đưa ra, nhằm "trải thảm đỏ" cho Vingroup và các doanh nghiệp khác cùng tham gia, vì một ngành công nghiệp sản xuất nội địa.

Tuy nhiên, một vài nhà phân tích lại đặt nghi vấn về tính bền vững của chính sách hỗ trợ này. "Những gì mà Việt Nam phải làm là tăng cường hơn nữa chuyển giao công nghệ tới các công ty vừa và nhỏ cho phát triển dài hạn, chứ không phải cung cấp thật nhiều ưu đãi cho một vài doanh nghiệp lớn cụ thể", một hãng tư vấn Nhật cho hay. Cùng với đó, khẩu hiệu "Made in Viet Nam" vẫn chưa giành được khách hàng trong nước, theo bà Cao Thị Ánh Nguyệt đến từ Viện nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương. Các công ty cần đầu tư cho chiến lược xây dựng thương hiệu bài bản hơn nhằm củng cố vững chắc sự hiện diện trên thị trường. Samsung Electronics sở hữu hai nhà máy sản xuất smartphone ở Việt Nam, đang kiểm soát gần 40% thị trường di động trong nước; nhiều khách hàng lựa chọn các nhãn hiệu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan cho thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng hàng ngày. Đó là hiện thực mà doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt.

Các hãng sản xuất ở những thị trường mới nổi thường tìm đến nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bản thân. Nhìn chung, khi tích lũy đủ chuyên môn, xây dựng được mạng lưới cung ứng sẵn có trong nước, ngành công nghiệp sẽ chuyển sang làm ra sản phẩm ngay tại quốc gia đó. Với những gì diễn ra cho thấy các doanh nghiệp Việt cũng đang đi theo hướng này.

Ambitious Man

Chủ đề khác