VnReview
Hà Nội

Công ty sản xuất đồng hồ báo thức sử dụng trí tuệ nhân tạo vừa gây quỹ được 1 triệu USD đã phá sản

Sau khi huy động được gần 1 triệu USD trên các nền tảng gây quỹ cộng đồng để nghiên cứu và sản xuất sản phẩm đồng hồ báo thức sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công ty khởi nghiệp phần cứng Holi của Pháp đã nộp đơn xin phá sản mà không giao sản phẩm cho đa số những người đã góp tiền.

Công ty hiện mới chỉ giao được khoảng 1000 đơn vị sản phẩm tới tay khách hàng, một phần nhỏ trong tổng số 7000 khách hàng đã tham gia gây quỹ. Holi còn tuyên bố các sản phẩm đồng hồ đã chuyển tới tay khách hàng cũng sẽ không thể hoạt động được sau ngày 1 tháng 2 vì các máy chủ của công ty sẽ ngừng hoạt động kể từ thời gian này. Các phóng viên của trang tin công nghệ The Verge đã liên hệ với Holi nhưng không nhận được câu trả lời.

Holi đã khởi động các chiến dịch gây quỹ trên Kickstarter và Indiegogo vào cuối năm 2016 để sản xuất chiếc đồng hồ báo thức thông minh, với tên gọi là Bonjour. Mục tiêu ban đầu của dự án là sẽ đưa các tính năng điển hình của một trợ lý ảo thông minh, như cung cấp thông tin thời tiết, đồng bộ lịch và phát nhạc, vào trong một chiếc đồng hồ báo thức để đầu giường đáng yêu — một ý tưởng khácđộc đáo ở thời điểm đó.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Holi đưa ra thông báo rằng công ty đang trong quá trình thanh lý. Các tài sản sẽ được bán để lấy tiền trả nợ, còn toàn bộ nhân viên đã bị sa thải.

Cũng dễ hiểu là những người từng một thời ủng hộ sản phẩm này đang cảm thấy rất bất bình. Một số người đã lập nhóm Facebook để thảo luận về việc gặp gỡ những người đang tiến hành thanh lý công ty này nhằm "gỡ gạc" một số tài sản của Holi, đồng thời, biến sản phẩm thành một phần mềm mã nguồn mở. Một số người khác thì hy vọng có thể thực hiện "kỹ thuật đảo ngược" (reverse-engineering) sản phẩm Bonjour để tự vận hành chúng.

Một số bài đăng trong nhóm Facebook của những người từng tham gia gây quỹ cho sản phẩm đồng hồ Bonjour

Holi sau đó đã đăng tải hai thông báo, trong đó đưa ra nhiều yếu tố để lý giải cho việc nộp đơn xin phá sản công ty, trong đó có việc các nhà sáng lập đã đánh giá sai về nguồn ngân sách hoạt động của công ty và việc không thể đánh giá chất lượng kĩ thuật của các linh kiện đến từ các nhà cung cấp. Họ cũng nhấn mạnh rằng công ty không sử dụng nguồn vốn gây quỹ được để phát triển các sản phẩm khác.

"Tất cả kinh phí đã được sử dụng để phát triển đồng hồ Bonjour, và công ty chúng tôi cũng đã huy động tất cả những nguồn lực tài chính cá nhân," công ty cho biết. "Chúng tôi là những người trung thực, chúng tôi tin tưởng sâu sắc vào thành công của sản phẩm Bonjour và đã dành toàn bộ hai năm qua cho dự án này."

Vụ việc của Holi đã một lần nữa cho thấy các dự án thất bại đã trở thành một bài toán nan giải như thế nào đối với những người đã tham gia gây quỹ. Không ai được hoàn lại tiền, và những thông tin duy nhất họ có được về thất bại của dự án chỉ là từ những tuyên bố của chính các nhà sáng lập và các nguồn tin được đăng tải trên Indiegogo và Kickstarter.

Trả lời chuyên trang công nghệ The Verge, Indiegogo cho biết trang web này đang rà soát lại chiến dịch trên để đảm bảo nó không vi phạm các Điều khoản Sử dụng của nền tảng này. "Việc đảm bảo quyền lợi của những người tham gia gây quỹ là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, và đó là lý do vì sao chúng tôi đang nỗ lực làm việc để giúp đỡ và thúc đẩy các tổ chức, cá nhân phát động gây quỹ phải giữ lời hứa," công ty cho biết.

Trong trường hợp cụ thể của chiếc đồng hồ báo thức thông minh này, thì ở thời điểm hiện tại, cả Google và Amazon đều đang kinh doanh các thiết bị có chức năng tương tự như đồng hồ Bonjour, và đây dường như là tin tốt cho những người đã tham gia gây quỹ: họ có thể chọn mua các sản phẩm khác có tính năng tương tự. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, họ đã lãng phí hơn 100 USD vào một sản phẩm sẽ không bao giờ có thể được giao tới cửa nhà họ.

An Huy

Chủ đề khác