VnReview
Hà Nội

Apple âm thầm mở rộng chuỗi cung ứng ở Ấn Độ, chờ phản công Xiaomi, Samsung

Công ty Mỹ được cho là đang cố gắng tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ. Số cơ sở sản xuất đã tăng lên năm kể từ mốc không có gì hai năm trước. Công ty chuẩn bị đối diện với các đối thủ Trung Quốc và Hàn Quốc đang có vị thế rất chắc ở đây, nhằm cứu vãn doanh số lao dốc của iPhone.

Đối tác Wistron (Đài Loan) đang nhận lắp ráp các mẫu iPhone cũ ở hai nơi, trong khi Flextronics (Singapore) và Salcomp (Phần Lan) thì cung cấp các bộ sạc. Yuto Packaging Technology của Trung Quốc chịu trách nhiệm đóng gói cho các mẫu iPhone SE và iPhone 6. Foxconn được cho là đang tiến hành đầu tư dây chuyền sản xuất và sẽ lắp ráp các mẫu iPhone cao cấp, theo hãng tin Reuters. Hay Pegatron gần đây cũng được Financial Times tiết lộ sẽ xây nhà máy ở Ấn Độ và Việt Nam.

Apple sắp phải công bố báo cáo tài chính quý 4 cho giới đầu tư, mà theo dự báo điều chỉnh được gửi đi trước đó, CEO Tim Cook cảnh báo doanh thu có thể thấp hơn mức kỳ vọng 9 tỷ USD. Sự yếu kém của ba mẫu iPhone mới tại Trung Quốc và chương trình thay pin giá rẻ là nguyên nhân. Do vậy họ mong muốn có thể xoay trục sang Ấn Độ để cứu vãn doanh số ảm đạm của iPhone. Tờ Nikkei phân tích, bằng cách gia tăng sản xuất tại địa phương công ty Mỹ có thể tránh bị áp thuế nhập khẩu lên đến 20% của chính phủ Ấn Độ.

Một cửa hàng bán iPhone ở Ấn Độ

iPhone ở đây có mức giá thuộc hàng đắt nhất thế giới do chịu thuế suất cao đối với mặt hàng đi động, dẫn đến thị phần của Apple chỉ là 1%. Trái ngược với Xiaomi khi dẫn đầu với 28% trong năm 2018, Samsung có 24%, Vivo và Oppo lần lượt xếp sau với 10% và 8%. Counterpoint Research cảnh báo Apple phải hành động nhanh hơn nữa, thị phần của họ đã bị giảm một nửa kể từ quý 2 năm 2017. iPhone 6S không thể bắt kịp với làn sóng điện thoại giá rẻ Trung Quốc, trong khi giá bán các mẫu mới hơn thì leo tháng không ngừng và còn chịu áp thuế nhập khẩu. Các công ty như Xiaomi, Oppo đều tuân thủ theo kế hoạch "Make in India" của chính phủ Ấn Đội. Họ đều có nhà máy lắp ráp tại địa phương, ngay cả Samsung cũng đã khởi công nhà máy sản xuất smartphone lớn nhất thế giới.

Và trong khi Trung Quốc liên tục giảm lượng điện thoại tiệu thụ, Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng trưởng. Counterpoint Research dự đoán doanh số cả năm 2018 của quốc gia này đạt 164 triệu máy, tăng 10%, trong khi Trung Quốc thì giảm 11%. Dư địa phát triển của Ấn Độ vẫn còn nhiều và hứa hẹn hơn Trung Quốc trong vài năm tới. Jaipal Singh, phó giám đốc nghiên cứu tại IDC, cho biết các đối thủ của Apple lắp ráp đến 90% lượng sản phẩm ở đây. Trong khi phần lớn iPhone đều là hàng nhập khẩu, khoảng 85%. Rõ ràng họ đang bị tụt lại phía sau trong cuộc đua làm hài lòng chính quyền Ấn Độ.

Chuỗi cung ứng địa phương vẫn đang phát triển mạnh mẽ, nhờ vào nhiều chính sách ưu đãi và kích thích của chính phủ. Theo một đại diện của Counterpoint Research, ngày càng nhiều công ty bày tỏ hứng thú với quốc gia này. Trong vòng bốn đến năm năm tới, lượng đơn vị cung ứng xuất hiện ở đây sẽ vượt quá 150, thay vì chỉ hơn 120 cái tên như hiện nay. Tim Cook cần phải tận dụng thời gian ít ỏi của mình trước khi Xiaomi hay Samsung lấy đi hết cơ hội. Họ vừa bị giảm doanh số tệ nhất kể từ đầu năm 2017 ở Trung Quốc vì không thể đấu lại Huawei, chỉ còn Ấn Độ là "cánh cửa" giải thoát công ty khỏi tình trạng này.

Ambitious Man

Chủ đề khác