VnReview
Hà Nội

Tương lai của Qualcomm hiện nằm trong tay một người duy nhất

Cả FTC và Qualcomm đã đệ trình lập luận cuối cùng của họ lên Thẩm phán Lucy Koh vào hôm qua (30/1) để tiến tới kết thúc phiên tòa không bồi thẩm đoàn cực kỳ quan trọng giữa FTC và Qualcomm.

Theo Cnet, luật sư của FTC (Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ), Jennifer Milici, đã cảnh báo tòa rằng chiến thuật bán chip độc quyền mà FTC cáo buộc Qualcomm vi phạm cần chấm dứt. Nếu không, bà cho rằng những chính sách đã từng được sử dụng để bán chip 3G và 4G có thể tiếp tục được Qualcomm tận dụng để bán chip 5G cho các hãng sản xuất điện thoại. FTC khẳng định các hãng sản xuất điện thoại đang phải trả phí bản quyền và tiền giấy phép sử dụng ở mức quá cao.

Milici nói rằng Qualcomm không muốn cạnh tranh bằng hiệu năng của chip, thay vào đó họ khiến các công ty chip đối thủ gặp khó khăn trong việc giành được các bản hợp đồng. FTC có trọng trách phải chứng minh được Qualcomm hoạt động với cơ chế tương tự độc quyền, sử dụng quyền lực trong ngành công nghiệp chip để thu phí bản quyền ở mức cao từ các hãng sản xuất điện thoại. Bên cạnh đó, tổ chức này còn phải chứng minh được rằng các hãng sản xuất chip khác đã bị ảnh hưởng tiêu cực, và Qualcomm đang tiếp tục hoạt động theo phương thức như vậy.

Trong phần lập luận kết thúc của mình, luật sư của Qualcomm, Robert Van Nest, nói rằng FTC đã không chứng minh được điều gì cả. Theo ông, Qualcomm giành được các bản hợp đồng là bởi họ có những cải tiến vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh, đồng thời còn cung cấp những con chip ưu việt hơn. Van Nest cho rằng các đối thủ của Qualcomm không bị ảnh hưởng bởi những hành động của công ty, với ví dụ là bản thân Intel hiện cũng đang bán chip modem cho Apple, Samsung và Huawei thì đã tự phát triển được những con chip modem riêng, còn MediaTek hiện là nhà cung cấp chip không dây lớn thứ hai thế giới.

Cụ thể, nguyên văn lời vị luật sư này như sau: "Nếu nhiệm vụ của họ là quyết định liệu Qualcomm duy trì được vị thế hiện tại thông qua cải tiến, kỹ năng, và công nghệ, hay thông qua những mánh khóe cấp giấy phép sử dụng, thì họ đã thất bại. FTC chưa chứng minh được điều gì liên quan đến hoạt động cấp giấy phép mà có tác động đến sự phát triển của công nghệ này".

Do đó, ở thời điểm hiện tại, tương lai của các hoạt động kinh doanh của Qualcomm đang năm trong tay của Thẩm phán Lucy Koh. Đây chính là vị thẩm phán đã điều hành phiên tòa xử vụ kiện bằng sáng chế giữa Apple và Samsung hồi năm 2012. FTC đã hỏi khi nào Koh sẽ đưa ra quyết định, và nhận được câu trả lời là việc này cần thêm thời gian. Vị thẩm phán này nói rằng "Tôi thường khá nhanh, nhưng với những vụ việc có quy mô thế này sẽ mất nhiều thời gian hơn".

Nếu FTC thắng kiện, Qualcomm có thể kháng cáo. Nhưng kết quả đó cũng có thể dẫn đến việc Qualcomm thay đổi phương thức bán chip, bao gồm chính sách hiện tại của công ty là "không có giấy phép, khỏi mua chip". Và bởi những chính sách như vậy, Qualcomm đã phải đối mặt với các vụ kiện khác, bao gồm vụ kiện rình rang do Apple và các hãng sản xuất theo hợp đồng của Apple khởi xướng. Các nguyên đơn yêu cầu khoản đền bù thiệt hại lên đến 27 tỷ USD từ hãng sản xuất chip.

FTC đã đâm đơn kiện Qualcomm vào năm 2017 sau khi công ty ký kết một thỏa thuận với Apple để trở thành nhà cung ứng chip modem độc quyền cho iPhone. Tổ chức này cho biết thỏa thuận đã kéo dài từ 2011 đến 2016, và là một thỏa thuận mang tính chất phản cạnh tranh.

Minh.T.T

Chủ đề khác