VnReview
Hà Nội

Chân dung Satya Nadella: "phép màu" giúp Microsoft vực dậy chỉ trong 5 năm

Ngày 4/2/2014, Satya Nadella chính thức trở thành CEO Microsoft. Chỉ trong 5 năm, Microsoft gần như được "hồi xuân" khi trở thành công ty giá trị nhất thế giới, vượt qua cả Apple lần đầu tiên từ năm 2010.

Còn nhớ khi Nadella lên chức CEO, Microsoft gần như "hụt hơi" toàn tập. "Thảm họa" mang tên Windows 8 khiến nhân viên lục đục nội bộ, còn người dùng và lập trình viên thì mất niềm tin.

Nhưng theo thời gian, mọi thứ dần thay đổi.

Tháng 12/2018, giá trị vốn hóa thị trường của Microsoft đã vượt qua Apple lần đầu tiên từ năm 2010, giúp Microsoft trở thành công ty giá trị nhất thế giới tính đến hết năm 2018.

Bằng những chiến lược đúng đắn, Nadella đã giúp Microsoft tập trung vào thứ cần thiết, đưa công ty lên một tầm cao mới chỉ trong 5 năm.

Hãy xem Nadella là ai, và ông đã biến Microsoft trở thành công ty giá trị nhất thế giới như thế nào thông qua những hình ảnh dưới đây. Một số chi tiết được tham khảo từ cuốn sách "Hit Refresh" do chính Nadella viết.

Theo Business Insider, Satya Nadella sinh năm 1967 tại Hyderabad (Ấn Độ). Cha ông là công chức nhà nước còn mẹ là giáo sư ngôn ngữ tiếng Phạn

Thuở bé, Nadella muốn trở thành vận động viên cricket chuyên nghiệp do rất thích chơi môn này ở trường. Nhưng sau đó, Nadella nhận ra mình có một đam mê còn lớn hơn: khoa học và công nghệ

Nadella tốt nghiệp cử nhân khoa kỹ sư điện của Học viện công nghệ Manipal năm 1988. "Tôi biết rằng tôi luôn muốn xây dựng một thứ gì đó", Nadella từng nói

Nhưng Ấn Độ lúc ấy không có dự án về khoa học máy tính thực sự ấn tượng, vì vậy Nadella đến Mỹ để theo học Đại học Wisconsin-Milwaukee, sau đó tốt nghiệp vào năm 1990

Thời gian đầu, Nadella muốn làm việc cho Sun Microsystems, công ty sản xuất phần mềm, máy tính nổi tiếng ở Thung lũng Silicon

Năm 1992, Nadella gia nhập Microsoft, lúc ấy CEO vẫn là Bill Gates còn Windows mới bắt đầu chặng đường thống trị thế giới

Nadella là một trong khoảng 30 người nhập cư Ấn Độ làm việc tại Microsoft. Các dự án đầu tiên mà Nadella tham gia gồm sản phẩm TV tương tác và hệ điều hành Windows NT

Trong khoảng thời gian đó, Nadella cưới vợ. Vợ anh là Anupama Nadella sống ở Ấn Độ. Luật nhập cư vào Mỹ trở nên khó khăn, Nadella từng tìm cách lấy visa H-1B để "lách luật" đưa Anu sang Mỹ.

Trong những năm đầu tại Microsoft, Nadella gây ấn tượng với các sếp và nhân viên khi đến trường Đại học Kinh doanh Chicago từ trụ sở Microsoft ở Redmond mỗi tuần để hoàn tất chương trình học MBA. Đến năm 1997 thì Nadella tốt nghiệp

Năm 1999, Nadella lần đầu tiên đảm nhận vai trò điều hành dưới cương vị Phó Chủ tịch Microsoft bCentral, một bộ dịch vụ web cho các doanh nghiệp nhỏ bao gồm lưu trữ website và email

Năm 2000, Microsoft có CEO mới: Steve Ballmer

Năm 2001, Nadella trở thành Phó Chủ tịch Microsoft Business Solutions. Đội ngũ được thành lập thông qua một loạt thương vụ mua lại bao gồm Great Plains, công ty sản xuất phần mềm kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhóm cũng xây dựng một hệ thống CRM (quản lý quan hệ khách hàng) dựa trên đám mây để cạnh tranh với Salesforce. Tất cả các sản phẩm sau này được đổi tên thành "Dynamics".

Công việc của Nadella sau đó như "diều gặp gió". Năm 2007, Nadella trở thành Phó Chủ tịch cấp cao Microsoft Online Services, trực tiếp quản lý công cụ tìm kiếm Bing, phiên bản online đầu tiên của Microsoft Office và dịch vụ game Xbox Live

Tháng 2/2011, Nadella đảm nhiệm một công việc khác: Chủ tịch mảng Máy chủ và Dịch vụ, chịu trách nhiệm giám sát các sản phẩm "hái ra tiền" như Windows Server, cơ sở sữ liệu SQL Server và "canh bạc" táo bạo của thời Ballmer: nền tảng đám mây Microsoft Azure

Khi được Nadella tiếp quản, bộ phận máy chủ và công cụ đã mang về doanh thu 16,6 tỷ USD. Năm 2013 con số ấy tăng lên 20,3 tỷ USD

Cũng trong khoảng thời gian đó, Microsoft bắt đầu gặp rắc rối trên mọi mặt trận: Windows 8 trên PC là một thảm họa, Windows Phone trên di động dần bị Android, iOS vượt mặt còn Bing thì không thể thống trị mảng tìm kiếm khi đã có Google. Mọi chỉ trích dồn lên CEO Steve Ballmer

Tháng 8/2013, Ballmer tuyên bố từ chức. Ông cùng Bill Gates và một đội ngũ tìm kiếm CEO mới

Sau nhiều tin đồn, Satya Nadella chính thức trở thành CEO mới của Microsoft vào tháng 2/2014 với sự hỗ trợ của Ballmer và Gates

Để thuyết phục Nadella đảm nhận vai trò này, hội đồng quản trị Microsoft đã phê duyệt gói lương thưởng 84 triệu USD trong năm đầu tiên

Ngay sau khi đảm nhiệm vị trí CEO, Nadella đã gửi thư đến toàn bộ nhân viên. Lược dịch bức thư như sau:

"Năm nay tôi 46 tuổi, kết hôn 22 năm và có 3 đứa con. Cũng như bất kỳ ai khác, gia đình và trải nghiệm thực tế ảnh hưởng đến những thứ tôi làm, cách tôi suy nghĩ. Nhiều người quen bảo rằng tôi là một người tò mò và khao khát học hỏi. Tôi mua nhiều sách dù không thể đọc hết chúng. Tôi đăng ký nhiều khóa học dù không thể hoàn thành tất cả. Tôi tin rằng nếu không học những cái mới, bạn sẽ không làm được những việc tuyệt vời, những thứ hữu ích. Gia đình, sự tò mò và khao khát học hỏi chính là những từ khóa định nghĩa nên tôi".

Nadella cũng từng so sánh đoạn mã lập trình với những vần thơ

Nadella nhanh chóng giành được cảm tình từ nhân viên với những sự thay đổi lớn, nhanh chóng trong nỗ lực đi đúng hướng và giành lại khách hàng

Đó là những thứ mà không ai nghĩ Microsoft sẽ làm, như cho phép Linux chạy trên nền tảng Windows Azure...

... ra mắt Microsoft Office cho iPad...

... bỏ 2,5 tỷ USD mua lại Mojang, studio đứng sau tựa game đình đám Minecraft...

... phát hành ứng dụng cho Android và iOS như Microsoft Outlook...

... bỏ qua Windows 9 để lên thẳng Windows 10, một hệ điều hành thực sự tuyệt vời...

... ra mắt mẫu laptop đầu tiên của mình - Surface Book...

... và cuối cùng là HoloLens, siêu phẩm kính VR của tương lai

Triết lý của Nadella chủ yếu tập trung vào sự hợp tác, luôn đảm bảo rằng phần mềm, dịch vụ của Microsoft xuất hiện ở mọi nơi không chỉ riêng Windows. Cựu giám đốc điều hành Qualcomm Peggy Johnson được Nadella "chiêu mộ" về làm Phó Chủ tịch phát triển kinh doanh để giúp Microsoft hợp tác tốt hơn với các công ty nước ngoài

Năm 2015, Nadella sử dụng iPhone ngay trên sân khấu để "khoe" các dịch vụ Microsoft mà mình ưa thích

Nadella cũng là người dẫn dắt Microsoft thực hiện các thương vụ lớn nhất lịch sử, trong đó có LinkedIn vào năm 2016 với giá 26,2 tỷ USD...

... hay mới đây là mạng chia sẻ mã nguồn GitHub với giá 7,5 tỷ USD, đúng theo sở thích từ nhỏ của Nadella

Từ năm 2014 đến 2015, Nadella đã giúp cổ phiếu Microsoft tăng 14%. Tính đến hiện nay, cổ phiếu Microsoft tăng gấp 3 lần sau 5 năm từ khi Nadella làm CEO

Các nhân viên khá thích phong cách lãnh đạo của Nadella, trong đó nhấn mạnh sự học hỏi, phạm sai lầm để ngăn chặn sự tự tin thái quá hay kiêu ngạo

Bước sang năm 2019, Nadella vẫn còn đó nhiều thách thức. Doanh số PC ngày càng thu hẹp ảnh hưởng đến tham vọng Windows 10, Cortana không thể cạnh tranh lại với đối thủ, và máy chơi game Xbox One đang phải vật lộn để cạnh tranh với Sony PlayStation 4

Nhưng dù gì Microsoft vẫn đang có một tương lai rất tươi sáng dưới triều đại Nadella

Phúc Thịnh

Chủ đề khác