VnReview
Hà Nội

Sạc nhanh Samsung Galaxy S10 vẫn còn phải cải tiến nhiều

Các nhãn hiệu điện thoại đến từ Trung Quốc hiện đi đầu trên lĩnh vực cải tiến sạc nhanh, theo nhận xét của trang Android Central.

Điện thoại đã biến đổi đáng kể trong thập kỷ vừa qua, nhưng có một thứ vẫn chẳng chịu tiến bộ: pin Lithium-ion.

Đúng là pin ngày nay có mật độ năng lượng đặc hơn trước đây, đồng thời độ an toàn cũng cao hơn nhiều, nhưng bản thân công nghệ pin không thay đổi nhiều. Cho đến khi những công nghệ thế hệ mới như gallium nitride xuất hiện, giải pháp duy nhất dành cho các nhà sản xuất là phát triển những công nghệ sạc nhanh giúp tận dụng tối đa những giới hạn của pin Li-ion. Và có vẻ không ai làm điều đó tốt hơn các hãng smartphone Trung Quốc.

OPPO đã đầu tư vào công nghệ sạc nhanh ngay từ ban đầu, và chuẩn VOOC là một trong những chuẩn sạc nhanh có tốc độ cao nhất hiện nay. OPPO giới thiệu chuẩn Super VOOC 50W vào cuối năm ngoái trên chiếc R17 Pro, và chuẩn này nhanh chóng xếp đầu bảng về tốc độ sạc nhanh.

Dù các điện thoại của OPPO mới chỉ bắt đầu thu hút được sự chú ý rộng rãi tại các thị trường phương Tây, công ty đã chuyển giao giấy phép sử dụng công nghệ cho OnePlus, công ty "chị em" của họ. Do đó nếu bạn từng dùng Dash Charge trên chiếc OnePlus trong vòng 3 năm trở lại đây, bạn hẳn sẽ biết tốc độ sạc của chuẩn này từ mức 0% tốt đến mức nào.

Sạc nhanh Galaxy S10 vẫn còn chậm so với đối thủ;

Theo nhà sản xuất Dash Charge tích hợp mạch sạc riêng vào cục sạc, đảm bảo điện thoại không bị nóng lên trong khi sạc. Hiện OnePlus đã nâng cấp chuẩn này lên 30W so với công suất 22.5W trước đây. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là phải dùng cục sạc chính hãng kèm theo máy.

Điều đó có nghĩa là thời gian sạc pin từ 0% lên 52% chỉ trong vòng 30 phút - đó là khi vừa sạc vừa dùng. Nếu bạn tắt hẳn màn hình, trong cùng khoảng thời gian đó, bạn có thể sạc lên đến 70%. Huawei bám đuổi rất sát, và chiếc Mate 20 Pro với viên pin khủng 4.000mAh được trang bị chuẩn sạc nhanh 40W, biến nó thành một trong những chiếc điện thoại tốt nhất trong phân khúc.

Trong khi đó, Galaxy S10 trong vòng 30 phút sạc bằng củ sạc đi kèm chỉ được 40% pin mà thôi. Samsung có truyền thống tụt hậu đằng sau các đối thủ trong lĩnh vực này, bản thân hãng trong vòng 3 năm trở lại đây chỉ mang đến những thay đổi rất nhỏ không đáng kể đối với chuẩn sạc nhanh của mình. [Lưu ý, trên đây chỉ là những tính toán lý thuyết do nhà sản xuất đưa ra].

Chuyện gì cũng có lý do của nó, nhưng rõ ràng chúng ta đã chờ đợi quá lâu để có được bản cập nhật cho chuẩn sạc Adaptive Fast Charging 15W. Chiếc Galaxy S10+ mới ra mắt cách đây chưa lâu có nhiều thứ mới mẻ, bao gồm màn hình và cụm camera sau. Thiết kế Infinity-O của máy còn là một trong những thiết kế thời thượng trong ngành công nghiệp di động hiện nay, nhưng nếu có một thứ mà Galaxy S10+ chưa đáp ứng được kỳ vọng, thì đó là chuẩn sạc.

Thay vì cập nhật công nghệ sạc nhanh cho Galaxy S10, Samsung lại chuyển hướng sang sạc không dây. Chuẩn sạc Fast Wireless Charging 2.0 hiện có công suất 15W, tương đương với sạc dây.

Rõ ràng Samsung cần cải tiến chuẩn sạc của mình, và cách tốt nhất để bắt đầu là giảm tải những bit sạc vào cục sạc cắm trên tường.

Chưa có một giải pháp nhất quán hoạt động với mọi thiết bị

Những nhãn hiệu Trung Quốc, dù tốt dần lên so với trước, nhưng vẫn có một vấn đề lớn: mỗi chuẩn sạc chỉ dành riêng cho một nhãn hiệu, có nghĩa là bạn phải sử dụng phần cứng độc quyền của hãng để mở khoá được tốc độ sạc nhanh điên rồ nói trên. Muốn sạc R17 Pro ở công suất 50W? Bạn phải sử dụng ổ cắm tường và cáp đi kèm máy. Điều tương tự cũng áp dụng với các thiết bị của Huawei và OnePlus.

Chuẩn Quick Charge của Qualcomm là nền tảng sạc nhanh phổ biến hàng đầu hiện nay, không độc quyền dành cho bất kỳ hãng nào, và có khá nhiều giải pháp xuất sắc bên thứ 3 dựa trên chuẩn này. Qualcomm đã cấp giấy phép Quick Charge cho các hãng sản xuất thiết bị với một khoản phí nhỏ, và các nhãn hiệu như Xiaomi - vốn không có chuẩn sạc nhanh của riêng mình - đã trang bị Quick Charge cho các mẫu flagship của họ.

Với việc nhiều hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc đầu tư mạnh vào các nền tảng của riêng họ, chúng ta sẽ khó có thể thấy được một chuẩn sạc thống nhất hoạt động trên mọi thiết bị. Giải pháp gần nhất có lẽ là Quick Charge của Qualcomm, và sẽ thật tuyệt nếu Samsung hợp lực với công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới này để mang Quick Charge lên các mẫu flagship của họ - dù đó là điều hầu như... không thể.

Minh.T.T

Chủ đề khác