VnReview
Hà Nội

Amazon Web Service đã có nhiều khách hàng “cỡ bự” ở Việt Nam

Trong khi Amazon đang lên kế hoạch tuyển chọn các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam tham gia bán lẻ trên sàn thương mại điện tử khổng lồ Amazon.com thì bộ phận kinh doanh dịch vụ điện toán đám mây của hãng này đã có trong tay nhiều khách hàng cỡ bự ở Việt Nam.

Hồi đầu năm 2019, Amazon đã bắt tay với Bộ Công thương để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia bán hàng trên Amazon.com. Hiện tại, Amazon đang lên kế hoạch tuyển chọn 100 doanh nghiệp cỡ nhỏ và vừa đáp ứng các tiêu chuẩn của hãng để bán hàng ra thị trường quốc tế qua kênh thương mại trực tuyến của hãng.

Tuy vậy ở mảng kinh doanh khác, Amazon Web Service (AWS), bộ phận kinh doanh chuyên về điện toán đám mây, AI và dữ liệu lớn (Big Data) của Amazon, đã "âm thầm" nhảy vào thị trường Việt Nam từ vài năm nay. AWS hiện là tên tuổi lớn trên thị trường điện toán đám mây toàn cầu. Năm ngoái, công ty này đạt doanh số 27 tỷ USD, chiếm 51% thị phần thị trường điện toán đám mây toàn cầu.

Ông Shaun Ray, phụ trách quan hệ nhà phát triển ứng dụng của AWS, chia sẻ về các dịch vụ của AWS.

Trong buổi chia sẻ với báo chí mới đây ở Hà Nội, ông Shaun Ray, phụ trách quan hệ nhà phát triển ứng dụng của AWS cho biết có khá nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam hiện đang sử dụng các nền tảng công nghệ khác nhau của AWS để phục vụ cho hoạt động kinh doanh cũng như quá trình chuyển đổi số.

Theo đại diện của AWS, hãng hàng không Vietjet Air đã phát triển những ứng dụng đặt vé trực tuyến trên nền tảng điện toán đám mây AWS. Thay vì tập trung vào vào website như Vietjet Air, đai gia sản xuất thực phẩm tiêu dùng Masan sử dụng các dịch vụ Big Data của AWS để phân tích các dữ liệu giao dịch mua bán hàng ngày từ 250.000 điểm bán lẻ. Trang thương mại điện tử Tiki ứng dụng nền tảng AWS để phục vụ cho nhu cầu cung cấp thông tin cá nhân hóa và gợi ý mặt hàng phù hợp cho người dùng.

Momo, startup về thanh toán di động, hiện đang sử dụng dịch vụ lưu trữ AWS S3, dịch vụ học máy Amazon EC2 và nền tảng phân tích dữ liệu Amazon Athena để tiến hành phân tích dữ liệu quy mô lớn từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Momo hiện cung cấp hơn 100 dịch vụ, phục vụ khoảng 1 triệu khách hàng thường xuyên tại 4.000 điểm bán hàng.

AWS cũng đã quan hệ hợp tác nhà sản xuất thiết bị điện và chiếu sáng Điện Quang để xây dựng các giải pháp ngôi nhà thông minh. Hiện nay, Điện Quang đã đặt dịch vụ nhà thông minh DQHome trên nền tảng đám mây AWS Cloud của Amazon. Bên cạnh đó, thỏa thuận hợp tác còn mở rộng khả năng cho phép Điện Quang tích hợp các công nghệ khác của AWS như công nghệ chuyển giọng nói thành văn bản Amazon Polly, công nghệ học máy Amazon Machine Learning và công nghệ trí tuệ nhân tạo Amazon Artificial Intelligence (AI) vào ứng dụng thoại và nhận dạng hình ảnh cho dịch vụ DQHome và nền tảng HomeCare Platform.

Đại diện AWS cũng đánh giá Việt Nam đang là thị trường có tiềm năng ứng dụng điện toán đám mây cao thứ hai ở khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Điều này là nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và ứng dụng công nghệ nhanh trong những năm qua.

Để phục vụ cho việc phát triển dịch vụ ở Việt Nam, AWS đã lựa chọn FPT Software là đối tác tư vấn và triển khai các giải pháp của AWS ở trong nước và khu vực. FPT Software có 497 chứng chỉ AWS tính đến tháng 11/2018 và hiện là đối tác tư vấn đầu tiên đạt được cấp đối tác cao cấp AWS Premier Consulting Partner ở khu vực Đông Nam Á vào năm 2018.

Tại Việt Nam, giải pháp quản lý phân phối eMobiz của FPT Software xây dựng trên nền tảng AWS đã được triển khai tạp 250.000 cửa hàng bán lẻ của tập đoàn Masan. Giải pháp này đã cho phép Masan chuyển các nền tảng của họ lên đám mây AWS Cloud mà không ảnh hưởng tới trải nghiệm của người dùng cuối. Mới đây, FPT Software đã giúp Siemens triển khai giải pháp MindSphere của họ trên nền tảng dịch vụ AWS. Phiên bản mới MindSphere trở thành một nền tảng IoT dành cho các công ty ở mọi quy mô, mọi ngành nghề có thể ứng dụng big data cho xu thế hội tụ IT/OT.

TT

Chủ đề khác