VnReview
Hà Nội

Bán và thuê lại máy bay, con dao hai lưỡi trong tay Vietjet Air

Bán và thuê lại máy bay là nghiệp vụ phổ biến và đang giúp Vietjet Air tăng tốc phát triển đội bay. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo nghiệp vụ này vẫn luôn có tác dụng phụ.

Vietjet Air đang là một trong những hãng hàng không phát triển nóng nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phía sau thành công đó không thể không kể đến hiệu ứng từ "chất xúc tác" bán và thuê lại máy bay (sale and leaseback), nghiệp vụ thường xuyên được hãng sử dụng để ký những hợp đồng tỷ USD mua hàng trăm máy bay.

Với một hãng hàng không có lợi nhuận tính bằng chục triệu USD, Vietjet Air chắc chắn không đơn thuần có thể dùng tiền túi ký liên tiếp những hợp đồng tỷ USD để mua máy bay mới. Hãng đã đặt hàng tổng số máy bay lên tới 371 chiếc, bao gồm 200 chiếc Boeing 737 và 171 chiếc Airbus.

Đội bay của Vietjet Air tăng trưởng nhanh chóng về số lượng máy bay nhờ sale and leaseback. Ảnh:;VJA.

Tay không bắt giặc

Tự tin về triển vọng thị trường và cần giải quyết bài toán phát triển đội bay, hãng hàng không của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã liên tục áp dụng sale and leaseback, hay còn gọi là bán và thuê lại.

Trong giao dịch này, các hãng hàng không chỉ cần chuẩn bị vài phần trăm giá trị hợp đồng để đặt cọc cho Airbus, Boeing. Khi nhận máy bay từ nhà sản xuất, hãng sẽ bán lại tàu bay cho bên thứ ba là các công ty cho thuê máy bay. Số tiền bán máy bay cho bên thứ ba sẽ được hãng dùng để thanh toán cho Airbus, Boeing. Sau đó, hãng hàng không lại đi thuê chính những máy bay này từ các công ty cho thuê để khai thác.

Sau giao dịch, Vietjet Air sẽ nhận về một lượng máy bay mới, hoạt động hiệu quả với chi phí bảo trì thấp và tiết kiệm nhiên liệu trong tương lai gần. Hãng cũng thu về danh tiếng khi ký mua hàng trăm máy bay trước sự chứng kiến của các Tổng thống Mỹ hay Pháp.

Chơi dao liệu có đứt tay?

Sale and leaseback giúp hãng bay có số lượng máy bay lớn với chi phi ngắn hạn hợp lý để tranh thủ tốc độ tăng trưởng cao của thị trường. Tuy nhiên không phải ngẫu nhiên mà nghiệp vụ này được ví với con dao hai lưỡi.

Trao đổi với Zing.vn, ông Richard Aboulafia, Phó chủ tịch Teal Group, đơn vị chuyên phân tích ngành hàng không, cho hay sale and leaseback là nghiệp vụ nên áp dụng khi "hãng hàng không cảm thấy có nhiều triển vọng nhưng lại hạn chế về vốn".

"Dù hãng bay không muốn có sale and leaseback trong sổ sách, giao dịch này vẫn là lựa chọn hơp lý. Tuy nhiên hãng bay áp dụng nghiệp vụ này sẽ phải trả cả gốc lẫn lãi dưới dạng tiền thuê máy bay", chuyên gia này cho hay.

Chỉ cần thị trường có biến động, Vietjet Air sẽ gặp khó khăn trong việc chi trả chi phí sale and leaseback. Ảnh: Nikkei.

"Vì vậy, điều quan trọng là các hãng bay tự tin vào kế hoạch kinh doanh và tự tin vào việc doanh thu sẽ bù đắp được tiền thuê máy bay cũng như nhiều chi phí khác. Còn nếu không nghiệp vụ này chỉ là giúp hãng kéo dài thời gian sống lay lắt trước khi phá sản", theo ông Aboulafia.

Việc Vietjet Air lựa chọn áp dụng mạnh tay sale and leaseback chứng tỏ hãng đang tự tin vào triển vọng phát triển của mình cũng như của thị trường hàng không Việt Nam.

Tuy nhiên một chuyên gia hàng không trong nước nhận định với Zing.vn rằng đây là hành động chơi dao hai lưỡi bởi "chỉ cần một đợt giá nhiên liệu tăng giá, hay một đối thủ lớn xuất hiện tại thị trường hoặc biến động về kinh tế vĩ mô khiến chi tiêu của hành khách sụt giảm, Vietjet Air sẽ ngay lập tức gặp khó, hay nói cách khác là ‘đứt tay'".

Chuyên gia này nhận định sale and leaseback chưa được công chúng hiểu đúng. Ông cho hay nghiệp vụ này không hẳn là hãng mua rẻ được máy bay và bán lại mà chỉ là các đơn vị cho thuê máy bay cho hãng hàng không vay tiền, tài sản đảm bảo chính là máy bay, trả nợ qua tiền thuê chính máy bay đó.

"Nói dễ hiểu, nghiệp vụ này giống như bạn mua điện thoại cao cấp kèm gói cước của nhà mạng. Bạn chỉ bỏ khoảng 3 triệu đồng để có được chiếc điện thoại hơn 20 triệu đồng, tuy nhiên phải cam kết sử dụng gói cước của nhà mạng trong vòng 1-2 năm và tổng số tiền bạn phải trả chắc chắn sẽ cao hơn khá nhiều giá thị trường của chiếc điện thoại", chuyên gia này nói thêm.

"Tuy nhiên tệ hơn là sau thời hạn trên, chiếc điện thoại thuộc về bạn còn chiếc máy bay sale and leaseback lại thuộc về đơn vị cho thuê chứ không phải hãng hàng không".

Trước đó, trao đổi với Zing.vn, một lãnh đạo Vietjet Air nói rằng việc sale and leaseback là một chương trình hợp tác tài chính giữa các doanh nghiệp và nằm trong kế hoạch phát triển đội bay trong 10 năm tới của hãng.

Theo Zing


 


 


 


 

Chủ đề khác