VnReview
Hà Nội

Cuộc chiến giữa Qualcomm và Apple ngày một căng thẳng: Cả hai liên tiếp cùng thắng kiện

Trong kết quả của hai vụ kiện mới nhất, cả Qualcomm và Apple đều trở thành người thắng cuộc. Do đó sẽ thật khó để biết liệu cuộc chiến này còn kéo dài đến bao giờ khi bên nào cũng có cái lý của mình.

Mới đây, Apple đã dính án phạt của Tòa án San Diego và có nguy cơ phải trả 31 triệu USD tiền bản quyền cho số iPhone bán ra từ năm 2017 tới nay. Nhưng trong diễn biến mới nhất, Apple lại là bên dành chiến thắng trước Qualcomm trong một vụ kiện tại Tòa án Quận Nam California.

Theo Softpedia, Apple đã trả phí cấp phép bằng sáng chế cho Qualcomm đều đặn từ năm 2011 đến năm 2017, trước khi đâm đơn kiện hãng chip này với cáo buộc hãng này lạm dụng độc quyền để gây khó dễ cho Apple. Phiên tòa liên quan đến cáo buộc này sẽ bắt đầu xét xử vào ngày 15/4 tới.

Trong phiên tòa vừa kết thúc tại tòa án San Diego, bồi thẩm đoàn đã nhất trí với phán quyết yêu cầu Apple phải trả 1,41 USD cho mỗi chiếc iPhone vi phạm bằng sáng chế. Ngày tính bắt đầu từ 6/7/2017 và các model bị ảnh hưởng gồm iPhone 7/7 Plus, iPhone 8/8 Plus và iPhone X.

Phía Qualcomm khen ngợi phán quyết trên của bồi thẩm đoàn và tái khẳng định, những công nghệ chip của Qualcomm đóng vai trò quan trọng trong mỗi chiếc iPhone. Đây là những công nghệ đã giúp Apple xâm chiếm thị trường và có được thành công như hiện nay.

Ngược lại Apple bày tỏ sự thất vọng với phán quyết trên của tòa án. Đại diện Apple chia sẻ: "Chiến dịch kiện vi phạm bằng sáng chế của Qualcomm thực chất chỉ nhằm đánh lạc hướng khỏi những vấn đề lớn hơn mà họ đang phải đối mặt với các cuộc điều tra về hoạt động kinh doanh tại Tòa án Liên bang Mỹ và trên toàn thế giới".

Apple cho rằng, vụ kiện trên của Qualcomm thực chất chỉ là hành động trả đũa việc Apple chọn Intel làm nhà cung cấp chip độc quyền kể từ cuối năm 2016. Trước đó, Apple và Qualcomm có mối quan hệ hợp tác độc quyền từ năm 2011.

Tranh chấp giữa Apple và Qualcomm cũng là một phần trong vụ kiện chống độc quyền mà Ủy ban thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã đệ trình lên tòa án liên bang vào năm 2017. Trong đó, FTC cáo buộc Qualcomm đã lạm dụng sức mạnh trên thị trường chip trong nhiều năm qua. Phiên tòa đã kết thúc tại San Jose, California hồi đầu năm nay nhưng thẩm phán chưa có phán quyết chính thức.

Qualcomm có nguy cơ phải trả nợ 1 tỷ USD cho Apple

Trong một diễn biến khác mới đây, thẩm phán liên bang Gonzalo Curiel đã ra một phán quyết có lợi cho Apple trong phiên xét xử tại Tòa án quận Nam California. Phán quyết sơ bộ của thẩm phán Curiel yêu cầu Qualcomm phải có nghĩa vụ hoàn trả gần 1 tỷ USD tiền bản quyền bằng sáng chế cho Apple trong nhiều năm qua.

Theo Reuters, khoản thanh toán trên là một phần trong thỏa thuận hợp tác kinh doanh giữa hai công ty. Cụ thể, các đối tác lắp ráp iPhone sẽ phải trả cho Qualcomm hàng tỷ đô tiền phí bản quyền bằng sáng chế trên iPhone. Khoản chi phí này sau đó sẽ được chính Apple bồi hoàn lại cho các đối tác sản xuất.

Tuy nhiên, phía Apple và Qualcomm cũng có những thỏa thuận hợp tác riêng. Theo thỏa thuận này, phía Qualcomm đồng ý hoàn lại số tiền bản quyền bằng sáng chế cho Apple với điều kiện, Táo Khuyết không được kiện hoặc giúp đỡ các bên khác gây bất lợi cho hãng chip nước Mỹ.

Trong một vụ kiện đệ trình cách đây 2 năm trước, Apple đã kiện Qualcomm với cáo buộc nhà sản xuất chip nước Mỹ đã phá vỡ thỏa thuận khi không trả số tiền bồi hoàn bằng sáng chế gần 1 tỷ USD.

Phía Qualcomm sau đó cũng phản pháo rằng, họ ngừng thanh toán cho Apple vì Apple đã bên đã phá vỡ thỏa thuận trước. Qualcomm cáo buộc Apple đã kêu gọi các nhà sản xuất smartphone khác khiếu nại và giúp các cơ quan điều tra "gây khó dễ" cho hãng. Cụ thể, Apple được cho đã hỗ trợ Ủy ban thương mại công bằng Hàn Quốc trong quá trình điều tra Qualcomm với các cáo buộc độc quyền.

Giờ đây, thẩm phán Curiel đã đứng về phía Apple và yêu cầu Qualcomm phải nhanh chóng trả nợ số tiền trên cho Apple. Thậm chí ông còn khẳng định, hành vi của Qualcomm là bất hợp pháp và đang làm hại toàn bộ ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là phán quyết ban đầu và liệu Qualcomm có phải ký séc chịu phạt hay không, mọi chuyện sẽ rõ sau phiên toàn diễn ra vào tháng tới. Như vậy khó có thể khẳng định 100%, Qualcomm sẽ phải chịu phạt ngay lúc này.

Trên đây chỉ là một trong số rất ít những phiên toàn mà cả hai công ty đang kiện nhau tại Mỹ và ở nhiều quốc gia khác. Từ năm 2017 tới nay, Apple và Qualcomm đã lôi nhau ra tòa tại Đức, Trung Quốc,…

Trong số các vụ kiện kể trên, Qualcomm đã dành lợi thế lớn khi đạt được phán quyết cấm bán iPhone 7 và iPhone 8 tại thị trường Đức. Trong khi đó, Apple cũng chịu lệnh cấm bán iPhone tại Trung Quốc áp dụng cho các model từ iPhone 6s đến iPhone X. Tuy nhiên sau đó, Apple đã chọn cách lách luật bằng việc nâng cấp hệ điều hành iOS 12 để tránh vi phạm bằng sáng chế. Hiện chưa rõ tòa án Trung Quốc đã có phán quyết nào khác xoay quanh hành động trên của Apple hay chưa.

Tiến Thanh

Chủ đề khác