VnReview
Hà Nội

Apple huỷ dự án AirPower, thà để sản phẩm chết còn hơn tung ra thiết bị kém chất lượng

Apple có truyền thống đặt ra những tiêu chuẩn rất cao cho các sản phẩm của mình, và có vẻ như tấm sạc AirPower không thể với tới được những tiêu chuẩn đó!

Apple đã chính thức xác nhận sẽ chẳng có bộ sạc không dây AirPower nào cả

Apple huỷ dự án AirPower bởi họ thà để một sản phẩm chết còn hơn tung ra một thiết bị kém chất lượng

Yên nghỉ nhé, AirPower!

Tấm sạc không dây AirPower của Apple sẽ đi vào lịch sử của Táo khuyết như là một vết nhơ nhiều hơn là một sản phẩm mang theo nhiều tham vọng của hãng. Hôm nay, công ty đã chính thức tuyên bố sản phẩm tấm sạc không dây mà họ đã "vén màn" lần đầu tiên vào năm 2017 đã chính thức bị huỷ bỏ. Dan Riccio, Phó Giám đốc phụ trách mảng Kỹ thuật Phần cứng của Apple hôm nay đã tuyên bố lý do của động thái này là bởi AirPower không thể đạt những "tiêu chuẩn cao" của Apple. Mặc dù vẫn còn rất nhiều điều cần mổ xẻ về sản phẩm yểu mệnh này, chúng ta vẫn nên dành sự ca ngợi cho Apple khi đã "dũng cảm" loại bỏ một thiết bị mà nếu được tung ra, sẽ trở thành "đồ bỏ đi" trên bàn làm việc của mọi người.

Ý tưởng tuyệt vời đằng sau AirPower là để người dùng có thể sạc những chiếc điện thoại iPhone, tai nghe AirPods và đồng hồ Apple Watch cùng một lúc mà không cần phải đặt thiết bị ở đúng một vị trí nhất định trên tấm sạc. Có rất nhiều bộ sạc không dây cho phép người dùng sạc nhiều thiết bị cùng một lúc, chẳng hạn như sản phẩm Samsung Duo của công ty công nghệ đến từ Hàn Quốc, song chúng thường đòi hỏi người dùng phải đặt thiết bị ở một vị trí cụ thể trên tấm sạc để thu được hiệu quả cao nhất, trong đó có việc đảm bảo công suất sạc tối đa. Rõ ràng, năng lượng mà một chiếc đồng hồ thông minh cần để hoạt động rõ ràng ít hơn rất nhiều so với những chiếc điện thoại thông minh "đói" điện năng: điện thoại sẽ cần công suất sạc cao nhất có thể để có thể sạc đầy những viên pin dung lượng lớn chỉ trong một thời gian ngắn.

Nói chung, chắc chắn tồn tại những thách thức không hề nhỏ trong việc tạo ra một củ sạc không dây ổn định, hoạt động tin cậy và có hiệu suất sử dụng cao nhất, chưa nói đến chuyện tạo ra một tấm sạc lớn có thể sạc nhiều thiết bị cùng một lúc. Tấm sạc càng lớn thì sẽ càng dùng nhiều năng lượng, và điều đó đòi hỏi hãng sản xuất phải có cơ chế quản lý nhiệt tiên tiến để đảm bảo bản thân tấm sạc và những thiết bị đặt trên đó không rơi vào tình trạng quá nhiệt. Một số báo cáo xuất hiện từ năm ngoái cho biết vấn đề về nhiệt là trở ngại chính trì hoãn việc ra mắt tấm sạc AirPower. Ngoài ra, hiện tượng nhiễu tín hiệu điện từ của các củ sạc chuẩn Qi cũng có thể làm gián đoạn dòng năng lượng mà sạc cung cấp cho thiết bị. Đây hẳn là một bài toán rất phức tạp về điện tử.

Apple chắc hẳn có thể tung ra một tấm sạc không dây với chất lượng "tàm tạm" nếu họ muốn. Trên thực tế, hãng cũng muốn tung ra một phụ kiện đặc trưng cho chiếc iPhone thế hệ mới, mang đến những tính năng mà những chiếc điện thoại thông minh khác trên thị trường không có được. Chẳng hạn như trường hợp của chiếc Pixel 3 nhà Google, chiếc máy này được tích hợp một chế độ đặc trưng có tên gọi "đồng hồ báo thức", được kích hoạt khi thiết bị kết nối với sạc không dây Pixel Stand của Google.

Nhưng AirPower không thể đạt được đủ tiêu chuẩn và Apple xứng đáng nhận được sự khen ngợi khi "khai tử" sản phẩm còn chưa một lần được xuất hiện trên các kệ hàng này. Nếu AirPower không thể hoạt động với đầy đủ chức năng như những gì mọi người kì vọng về nó, thì việc nó xuất hiện trên các gian hàng liệu có ích gì? Nếu xảy ra, điều đó sẽ là một nỗi thất vọng lớn, và rõ ràng người dùng sẽ không hài lòng nếu họ đã chi tiền mà lại phải sử dụng một sản phẩm "nửa vời", "bán hoàn thiện" như thế.

Nhìn lại lịch sử ra mắt sản phẩm gần đây của Apple có thể thấy, thanh Touch Bar được tích hợp vào bàn phím của mẫu laptop MacBook Pro thế hệ mới là một trong những tâm điểm chỉ trích của giới chuyên gia, bởi Apple đã thay thế những phím chức năng vô cùng hữu ích bằng một bảng điều khiển cảm ứng rất khó sử dụng. Cơ chế lẫy bướm dùng cho bàn phím của chiếc máy này thậm chí còn là một ví dụ điển hình hơn. Vừa mới tuần này thôi, Apple đã chính thức thừa nhận việc một số người dùng gặp phải những vấn đề khi sử dụng loại bàn phím có hành trình phím ngắn mà công ty đã từng rất tự hào.

Nếu AirPower lên kệ và cũng gặp phải những vấn đề tương tự như vậy, thì ảnh hưởng của nó đến danh tiếng của Apple sẽ còn tồi tệ hơn cả khi hãng huỷ bỏ dòng sản phẩm này ngay từ đầu. Sau hai năm chờ đợi và hứng chịu sự hoài nghi từ cộng đồng mạng, cái tên AirPower thực sự đã đem lại nhiều "tai tiếng" trước khi bất kỳ người dùng nào có cơ hội được thử đặt chiếc điện thoại của mình lên đó. Nhưng Apple cũng sẽ không cần phải vứt bỏ tất cả những thành qủa nghiên cứu công nghệ sạc không dây của họ vào sọt rác: Táo Khuyết đã mua lại công ty chuyên về công nghệ sạc không dây có trụ sở tại New Zealand có tên PowerbyProxi từ năm 2017—có lẽ trong tương lai chúng ta sẽ được chứng kiến một phụ kiện sạc không dây khác từ công ty xứ Cupertino.

Mặc dù sản phẩm tham vọng nhất của họ đã bị loại bỏ, nhưng Apple vẫn tin rằng "tương lai là không dây" và hãng cũng chẳng có lý do gì để mà phải thay đổi cách suy nghĩ này. AirPower đã chết trước khi nó được bán ra thị trường, và điều đó vẫn tốt hơn là trường hợp những người dùng như chúng ta phải ngồi lại và chỉ trích một sản phẩm không hoàn thiện mà mình đã "trót" bỏ tiền ra mua.

Nếu bạn cần một sản phẩm sạc không dây cho các sản phẩm của Apple, thì để tôi nhắc bạn rằng: Amazon bán đầy ấy mà, và chúng cũng tương thích với iPhone đó. Do vậy, động thái này của Apple cũng không phải là đã hoàn toàn "tước bỏ" quyền được "không dây" của người dùng đâu nhé!

Còn trong tương lai, hãy cùng hi vọng ở sự xuất hiện của một sản phẩm sạc không dây từ nhà Apple với tên gọi: Power+ !

Quang Huy

Chủ đề khác