VnReview
Hà Nội

Tại sao điện thoại Xiaomi có quảng cáo? Cái giá khi mua smartphone giá rẻ là đây

Chúng ta thường nói rằng nếu bạn dùng một món hàng nào đó miễn phí, bạn chính là một món hàng. Câu này có vẻ đúng với các dịch vụ có quảng cáo như YouTube, Facebook hay Instagram, song rất hiếm khi thấy trên các sản phẩm phần cứng.

Thế nhưng đó là ngoại lệ với Xiaomi. Đây là công ty đã lên sàn chứng khoán luôn khẳng định chỉ lấy lợi nhuận 5% từ việc kinh doanh phần cứng.

Có một tính toán nào đó phía sau khẳng định này chăng?

Trước hết, cần lưu ý rằng Xiaomi không tự nhận mình là một công ty phần cứng. Họ gọi mình là công ty internet bán phần cứng. Nếu bạn chưa biết, sản phẩm đầu tiên của Xiaomi là phần mềm tùy biến MIUI dựa trên Android chứ không phải smartphone.

MIUI cũng là điểm khác biệt mấu chốt của Xiaomi so với đối thủ. Khác biệt không chỉ về giao diện và tính năng mà khác biệt ở đây còn là việc MIUI chèn thêm quảng cáo vào các ứng dụng mặc định, đôi khi là cả giao diện chính. Đây chính là thứ để công ty Trung Quốc có thêm doanh thu, từ đó giúp smartphone của họ có giá bán rẻ như vậy.

Nói cách khác, điện thoại là một "công cụ" trong hoạt động kinh doanh dịch vụ của Xiaomi, cho phép họ giới thiệu dịch vụ của mình đến hàng triệu người dùng. Thay vì lấy doanh thu một lần duy nhất từ việc bán phần cứng, chiến lược của Xiaomi là thu từng đồng nhỏ hơn trong thời gian lâu dài.

Không chỉ có quảng cáo, kho theme, hình nền và nhạc chuông cũng đóng góp khá nhiều vào khoản lợi nhuận ấy. Những tính năng như liên kết với dịch vụ ngân hàng từ ứng dụng nhắn tin thông qua Mi Pay cũng giúp Xiaomi có được khoản hoa hồng.

Những dịch vụ như trên giúp doanh thu từ bộ phận internet của Xiaomi tăng đến 85,5% trong quý 3/2018, đạt 4,7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 700 triệu USD).

Dù Xiaomi nói sẽ không chèn quảng cáo vào các ứng dụng hệ thống cốt lõi, nhưng không ai biết rõ "cốt lõi" ở đây là như thế nào. Nhiều người từng phản ánh khi hãng chèn quảng cáo ngay trong ứng dụng Cài đặt, vậy với Xiaomi thì đó không phải là ứng dụng cốt lõi.

Chắc chắn vẫn có tùy chọn tắt quảng cáo, thế nhưng việc giấu nó quá sâu lại làm khó cho đa số người dùng bình thường.

Trong quý 3/2018, doanh thu quảng cáo của Xiaomi tăng 109,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 477 triệu USD). Con số này đến từ việc cải thiện thuật toán và nhắm đối tượng quảng cáo tốt hơn.

Theo Android Authority, việc nhắm đối tượng quảng cáo cũng gây ra mối lo ngại về bảo mật. Bất cứ mọi thao tác trên điện thoại của bạn đều được sử dụng để cải thiện đối tượng quảng cáo. Với những ai quan tâm đến quyền riêng tư cá nhân, chắc chắn họ sẽ phản đối.

Đây dường như là cái giá khi mua smartphone giá quá hời, điều mà không phải ai cũng nghĩ đến trước. Nhưng bạn phải hiểu rằng bán điện thoại quá rẻ so với đối thủ thì không thể duy trì lợi nhuận được, họ cần một chiến lược khác để bù đắp lại, quảng cáo và dịch vụ có lẽ là giải pháp khả thi nhất.

Với mô hình kinh doanh phụ thuộc quá nhiều vào quảng cáo và dịch vụ, Xiaomi khó có thể bỏ bớt quảng cáo trên smartphone của mình. Nếu người dùng muốn bỏ quảng cáo, đương nhiên giá bán phần cứng sẽ tăng lên.

Những giải pháp khác có thể kể đến như vẫn kèm quảng cáo, nhưng có thêm gói thuê bao hàng tháng, hoặc hàng năm để gỡ quảng cáo, hay bán thêm một phiên bản đắt hơn không có quảng cáo như những gì Amazon đang làm với Kindle.

Khi phần cứng của Xiaomi không chỉ gói gọn trong smartphone hay tablet, rõ ràng mô hình dịch vụ và quảng cáo chính là thứ quan trọng nhất đối với công ty, nếu không có quảng cáo để bù đắp doanh thu từ việc bán smartphone quá rẻ, có lẽ Xiaomi đã không có được ngày hôm nay.

Bạn nào muốn tắt quảng cáo trên MIUI có thể tham khảo bài viết của VnReview: Cách tắt toàn bộ quảng cáo khó chịu trên điện thoại Xiaomi dùng MIUI.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác