VnReview
Hà Nội

Vì sao Mỹ không có đối trọng nào với Huawei ở lĩnh vực viễn thông?

Mỹ là nhà của nhiều hãng công nghệ như Microsoft, Apple, Qualcomm,... Tuy nhiên, không ai trong số họ là đối trọng thực sự với Huawei khi làn sóng 5G đang đến. Tại sao lại như vậy?

Huawei đã trở thành hãng viễn thông lớn nhất thế giới như nào?

Hơn một thế kỷ qua, Hoa Kỳ được biến đến với sức mạnh dẫn đầu trong ngành viễn thông. Đầu tiên là năm 1837, phát minh ra máy điện báo một dây bởi Samuel Morse, sau đó năm 1986, Alexander Graham Bell phát minh ra điện thoại. Sau đó, Bell thành lập American Telephone and Telegraph Company (AT&T), một trong những công ty viễn thông lớn nhất thế giới ngày nay.

Alexander Graham Bell phát minh ra điện thoại

Tuy nhiên, 2020 đã ở trước mắt và công nghệ 5G đang chờ người có khả năng nắm lấy nó. Nước Mỹ chợt nhận ra mình không có một công ty hạ tầng viễn thông nào đủ sức cạnh tranh với Huawei của Trung Quốc, Nokia của Phần Lan, hay Ericsson từ Thụy Điển, để mở cánh cửa kia. Mạng không dây thế hệ thứ năm được xem như một công cụ đầy quyền năng, có thể tái thiết kế mọi thứ. Internet of Things, xe tự hành, thực tế ảo,... Một cánh cửa giúp nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào kiếm được hàng tỷ USD, nếu họ nắm bắt thành công.

Lẽ dĩ nhiên, cuộc đua đã vào giai đoạn nước rút và quá muộn cho Mỹ có thể đảo ngược tình thế bây giờ. Thay vì tìm cách cạnh tranh, Mỹ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc xoay quanh các vấn đề kinh tế, công nghệ. Đồng thời, chính quyền tổng thống Trump kêu gọi các nước dừng sử dụng và loại bỏ thiết bị của Huawei ra khỏi mạng lưới viễn thông. Họ kỳ vọng có thể "nâng đỡ" các công ty đến từ các quốc gia "ít nguy hiểm" hơn (Trung Quốc), như là Nokia, Ericsson của châu Âu.

Huawei là tâm điểm trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc

Mỹ cáo buộc Huawei là gián điệp và có quan hệ thân thiết với Bắc Kinh. Thiết bị của họ tiềm tàng nguy cơ an ninh quốc gia, có thể dùng để phục vụ các kế hoạch mờ ám của Trung Quốc. Phía ngược lại, Huawei và Bắc Kinh cực lực bác bỏ các cáo buộc này. ;Guo Ping, chủ tịch luân phiên của Huawei, đã chế giễu Mỹ phản ứng như "kẻ thua cuộc" và chỉ đang tìm cách kiềm hãm họ. Thậm chí cho rằng hành động của Mỹ là phi lý, vứt bỏ các quy tắc hành xử trên trường quốc tế.

Mặc dù Mỹ cố gây áp lực, nhưng nó dường như không mang lại hiệu quả. Tháng trước, Ủy ban châu Âu từ chối ban hành lệnh cấm triệt để Huawei. Thay vào đó, trao cho các quốc gia thành viên quyền tự quyết, tự đảm bảo an ninh quốc gia nếu ký hợp đồng với công ty Trung Quốc.

Mỹ một mặt quyết chiến với Huawei, được xem là bộ mặt ngành công nghệ Trung Quốc, mặt khác cũng thường trực nỗi lo bị đối phương bắt kịp về công nghệ. Ủy ban Thương mại Thượng viện Hoa Kỳ hồi tháng Hai đã tổ chức điều trần với chủ đề "Chiến thắng đường đua đến 5G và Kỷ nguyên đổi mới công nghệ tại Hoa Kỳ". Thảo luận tìm ra các chính sách phù hợp để kích thích triển khai mạng 5G, hòng giữ vững lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Mạng 5G được xem như một công cụ đầy quyền năng, có thể tái thiết kế mọi thứ

Roger Wicker, thượng nghị sĩ Mỹ và là chủ tịch Ủy ban Thương mại, khoa học và giao thông vân tải Thượng viện, nhấn mạnh "Để nhận thức được các lợi ích mang về một cách thấu đáo, [hãy hiểu rằng] Mỹ bắt buộc phải chiến thắng trên đường đua 5G toàn cầu". Ông bổ sung: "Thất bại trên đường đua 5G sẽ mãi mãi làm suy giảm các lợi ích kinh tế và xã hội nhận được từ việc dẫn đầu thế giới về công nghệ".

Không có một công ty hạ tầng viễn thông có thể cung cấp thiết bị 5G, các nhà mạng ở đây chỉ còn cách lựa chọn đối tác từ bên ngoài nước Mỹ. Sau khi Huawei bị cấm cửa, họ chuyển sang Nokia, Ericsson và Samsung.

Vậy Mỹ đã trượt khỏi vị thế dẫn đầu trong ngành viễn thông như nào, để cho một hãng Trung Quốc vươn lên thành đối trọng khi mạng 5G đã ở trước mắt?

AT&T đã tách mảng kinh doanh thiết bị viễn thông Lucent vào năm 1995

Các chuyên gia, cựu nhân viên viễn thông đã chỉ ra điểm tập hợp của nhiều yếu tố, mà cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của ngành viễn thông, bao gồm một quyết định bãi bỏ năm 1996, và thiếu hụt các tiêu chuẩn viễn thông quốc gia. Trong khi châu Âu từ năm 1987 đã bắt buộc sử dụng tiêu chuẩn chung là mạng GSM, Mỹ lại thả nổi cho các nhà mạng tự chọn theo ý muốn. Verizon và Sprint chọn CDMA do Qualcomm phát triển, còn AT&T và T-Mobile lại sử dụng GSM. Khác biệt về băng tần, các máy tương thích CDMA sẽ không chạy với mạng GSM. Nếu bạn đăng ký thuê bao với Verizon, bạn sẽ phải đổi thiết bị nếu muốn chuyển qua dùng mạng T-Mobile.

Việc tồn tại nhiều chuẩn viễn thông càng trở nên rắc rối hơn khi năm 1996, thông qua Đạo luật Viễn thông, loại bỏ vị thế độc quyền của AT&T và mở cửa thị trường. Điều này cho phép các nhà mạng nhỏ hơn phát triển. Tại thời điểm đó, nó được xem là quyết định cởi trói cho toàn ngành, mang lại lợi ích cho cả khách hàng lẫn các nhà mạng. Theo lời một cựu nhân viên AT&T, các nhà mạng được tự do chọn thứ họ muốn.

Các nhà mạng Mỹ tự do lựa chọn tiêu chuẩn viễn thông của mình 

Năm 1995, công ty tách thành ba đơn vị khác nhau, một trong số đó là Lucent Technologies. Khi IPO, công ty này đạt giá trị 3 tỷ USD, lớn nhất lịch sử nước Mỹ thời đó. Vào năm 1999, Lucent đạt lợi nhuận bằng cả ba đối thủ trực diện lúc đó là Nortel, Ericsson, Alcatel cộng lại. Họ cung cấp thiết bị cho các nhà mạng tương thích mọi tiêu chuẩn, bao gồm CDMA, TDMA, GSM và AMPS. Tuy nhiên, nhiều tiêu chuẩn gây tốn kém về chi phí và khó tối ưu lợi nhuận, sau đó công ty chọn đặt cược vào CDMA, UMTS. Những tiêu chuẩn mà châu Âu và châu Á chẳng phổ biến, vậy nên họ đã bỏ lỡ cơ hội đánh chiếm thị trường nước ngoài.

Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Northstrea có trụ sở tại Stockholm, Bengt Nordstrom nói rằng Mỹ không tin chuẩn GSM có thể thống trị toàn cầu. Thay vào đó, giai đoạn 1990 đến 2000, họ hỗ trợ mọi tiêu chuẩn ở Mỹ và đây chính là quãng thời gian bị lãng phí của ngành viễn thông. Người Mỹ "kiêu ngạo" cho rằng, công nghệ không xuất phát từ chính họ thì không thể tốt hơn được.

Người Mỹ không ngờ rằng, chính vì không thống nhất tiêu chuẩn viễn thông theo GSM, họ đã để trượt vị thế dẫn đầu về viễn thông

Sau một thời gian bùng nổ nhờ Đạo luật Viễn thông 1996, thị trường bắt đầu suy giảm từ 2001. Các nhà mạng trở nên khó kinh doanh hơn, các nhà đầu tư thì thận trọng đặt cược vào những doanh nghiệp đã tồn tại lâu đời khi thị trường chứng khoán bất ổn. Thậm chí, một số nhà mạng lâm vào phá sản.

Lúc này, Lucent và Motorola là đơn vị cung cấp thiết bị, đã tung ra những khoản hỗ trợ tài chính để khách hàng tiếp tục mở rộng mạng lưới. Tuy nhiên, mặc dù đó là hành động thường thấy, nó lại dẫn đến áp lực tài chính cho cả hai phía về sau, khi một số nhà mạng khó khăn không thể thanh toán nợ đúng hạn. Ví dụ, nhà mạng WinStar Wireless đã được Lucent cho ứng 2 tỷ USD để mua thiết bị. Khi công ty này phá sản năm 2001, Lucent "giơ đầu chịu trận" và phải chịu cắt giảm 700 triệu USD vì không thể thu hồi khoản vay.

Cộng với một số vụ thâu tóm không thành công, vướng vào vòng lao lý vì gian lận kết toán và báo cáo sai số liệu với cổ đông, Lucent bị dồn vào đường cùng. Công ty sáp nhập vào Alcatel (Pháp) năm 2006 thành Alcatel-Lucent. Hơn một thập kỷ sau, Nokia, ông vua một thời của thị trường di động, sau thất bại cay đắng trước Apple và Samsung, thâu tóm luôn Alcatel-Lucent với trị giá 16,6 tỷ USD. Công ty trở thành một phần của mảng Nokia Network trong tập đoàn. Trước đó, năm 2010, Nokia cũng mua lại thành công Motorola Solutions với giá 1,2 tỷ USD. Như vậy là sau một thời gian, cả hai công ty hạ tầng viễn thông Mỹ đều về tay hãng công nghệ Thụy Điển.

Nokia chính là công ty đã thâu tóm cả hai hãng viễn thông Mỹ

Trong giai đoạn biến động đầu năm 2000 đó, Huawei, công ty Trung Quốc được thành lập năm 1987 với cựu quân nhân Nhậm Chính Phi, dần dần tiến công ra thị trường nước ngoài. Ban đầu, họ chỉ như "rác rưởi" so với các ông lớn trong ngành lúc đó, chủ yếu làm ăn qua các hợp đồng ở thị trường mới nổi, xây dựng chỗ đứng bằng thiết bị giá rẻ. Năm 2004, họ chiến thắng hợp đồng đầu tiên ở châu Âu, dấu hiệu cho tương lai sau này trở thành một đối thủ không thể xem thường.

Bằng cách tập trung vào R&D, tăng cường dịch vụ khách hàng, ông Nhậm đã bù đắp cho sự kém cỏi về chất lượng sản phẩm ban đầu của họ. Huawei vươn lên dẫn đầu về cung cấp thiết bị mạng 3G/4G. Ngày nay, họ là một trong những đối tác quan trọng để thương mại mạng 5G.

Hợp đồng đầu tiên của Huawei ở châu Âu năm 2004

Thực ra, Mỹ vẫn còn một công ty lớn nữa hoạt động về viễn thông. Cisco Systems, doanh thu 49 tỷ USD năm 2018, chưa bằng một nửa của Huawei năm ngoái (gồm cả mảng điện tử tiêu dùng, kinh doanh smartphone, laptop). Tuy nhiên, phần lớn doanh thu của Cisco lại đến từ bán nền tảng hạ tầng doanh nghiệp, còn Nokia hay Huawei thì bán thiết bị cho các mạng viễn thông lõi.

Lauria, nhà phân tích đã từng làm trong AT&T thở dài:"Tôi cảm thấy buồn khi nhìn lại, chúng tôi đã từng sở hữu những nhà sản xuất hùng mạnh, vậy mà bây giờ tôi chẳng thể tìm thấy tên công ty Mỹ nào trên bản đồ. Là một người Mỹ, tôi thấy buồn, hãy nhìn và nghĩ xem. Chuyện gì đã xảy ra với ngành viễn thông của chúng ta?".

Ambitious Man

Theo SCMP

Chủ đề khác