VnReview
Hà Nội

Ngoài Qualcomm, cuộc đua 5G còn những ai?

Sau một mùa MWC 2019 đầy bận rộn với nhiều công nghệ nóng hổi, đây là khoảng thời gian "lắng đọng" hiếm hoi của giới công nghệ, khi mà chúng ta có thể dừng lại một chút để tóm lược lại xu hướng phát triển nổi bật tại MWC vừa qua – cuộc đua kết nối 5G.

Có thể thấy, Qualcomm đang là cái tên dẫn đầu cuộc đua 5G, khi không chỉ hàng loạt sản phẩm trưng bày tại Barcelona, chip di động của Qualcomm hứa hẹn sẽ khởi đầu làn sóng 5G trên smartphone. Tuy nhiên, mục tiêu của Qualcomm không chỉ dừng lại ở thiết bị di động, họ đang mang một tham vọng lớn lao hơn, đó là đưa 5G vào các thiết bị tự động, laptop hay thậm chí là những chiếc điện thoại "cục gạch" sắp bị lãng quên.

Mặc dù đang ở vị trí dẫn đầu, tuy nhiên 5G không chỉ là một cuộc đua chỉ dành cho ông lớn Qualcomm, đằng sau nó là các tập đoàn di động khác như Samsung, Huawei,... khi họ đã tự sản xuất cho mình modem 5G và chỉ chờ đến lúc "bung lụa", hay một số cái tên lớn như Intel vẫn đang trong quá trình phát triển và lên kế hoạch ra mắt vào năm 2020.

Đường đua vẫn còn rộng cho những ai muốn tham gia.

Samsung và Huawei – cùng vị trí thứ hai

Tuy Samsung và Huawei đều đã công khai các modem đa chế độ 4G/5G của họ là Exynos 5100Balong 5000 trước Snapdragon X55 của Qualcomm, tuy nhiên thời gian ra mắt của các thiết bị tích hợp các modem này sẽ là vào năm 2020, với hứa hẹn cung cấp các giải pháp hiệu quả năng lượng hơn cho các thiết bị cầm tay trang bị 5G vào năm tới.

Lướt sơ qua cả 3 modem này, ta có thể thấy ngay sự khác biệt rõ rệt khi Exynos 5100 được xây dựng trên tiến trình 10mm, cho tốc độ truyển tải dữ liệu rơi vào khoảng 2Gbps với việc sử dụng băng tần sub-6Ghz và 6Gbps thông qua băng tần mmWave. Để so sánh, Snapdragon X55 đạt tối đa 7Gbps tốc độ tải xuống và 3Gbps tốc độ tải lên.

Huawei Balong 5000 cũng có tốc độ đáng kể khi với băng tần 6Ghz, con chip có thể đạt tối đa 5.6Gbps khi tải xuống và 2.5Gbps tải lên. Sử dụng;mmWave sẽ cải thiện tốc độ tải ở mức 6.5Gbps và tốc độ up 3.5Gbps, ngoài ra nếu kết hợp LTE, con số download sẽ vượt lên ngưỡng 7.5Gbps, bỏ qua Exynos 5100 của Samsung một con đường khá xa. Tuy vậy, chúng ta thừa biết tốc độ bên ngoài phòng thí nghiệm chắc chắn sẽ phải chậm hơn đáng kể so với những con số hấp dẫn đã được nêu ra. Ngoài ra, con chip cũng sẽ sử dụng các công nghệ FDD và TDD tương tự X55, đồng thời hỗ trợ chuẩn kết nối Standalone (SA) và Non-Standalone (NSA) 5G.

Tất nhiên, cả hai sản phẩm trên đều không đủ sức để khiến thị phần mảng modem 5G của Qualcomm bị chia xẻ quá nhiều. Ngoại trừ việc tự sản xuất và lắp đặt các modem này trên điện thoại của Huawei và Samsung, còn phải xem liệu Exynos 5100 hay Balong 5000 có đủ hấp dẫn để có thể "gia nhập" vào các phân khúc thị trường khác hay không.

Những cái tên chờ đến 2020

Là tập đoàn thành công và bỏ vào hầu bao của mình một lượng tiền khổng lồ bởi nghành công nghiệp chipset, nhưng hiện nay, khi các hãng khác đã bắt đầu "vào cua" trong cuộc đua 5G thì Intel vẫn đang lật đật khởi động máy một cách chậm rãi. Intel hoặc đang dần xuống cấp, hoặc họ đang có một chiến lược khôn ngoan: các chuyên gia nhận định, 5G vẫn chưa quá cần thiết vào thời điểm này. Rất ít khách hàng sẽ có thể tận dụng 5G vào năm nay, ngay cả ở Mỹ. Trong khi đó, các sản phẩm 5G thế hệ đầu đều gặp khó khăn khi giải quyết các câu hỏi về tiết kiệm năng lượng và hiệu suất. Vì vậy chỉ cần "khởi động" chậm rãi và chắc chắn, phát hành đúng sản phẩm vào đúng thời điểm, khi người tiêu dùng thật sự có thể sử dụng 5G hàng ngày, thì Intel vẫn có thể chiếm lĩnh một phần quan trọng thị trường 5G tương lai mà không cần quá gấp rút để trở thành kẻ dẫn đầu.

Tổng giám đốc chiến lược 5G của Intel, Rob Topol, cho biết công ty đang chờ đợi 5G chính thức được phổ cập. Họ hi vọng các thiết bị cầm tay trang bị modem 5G của công ty sẽ được ra mắt vào năm 2020 – ngay khi các nhà cung cấp triển khai 5G rộng rãi trên toàn cầu. "Thiết bị cầm tay" mà Intel đề cập có thể là thế hệ iPhone kế tiếp, tích hợp 5G và sẽ ra mắt vào khoảng năm sau với con chip được tích hợp bên trong hỗ trợ đa chế độ 2G đến 5G. XMM 8160 – tên gọi ban đầu của modem – sẽ có thể đạt tốc độ tải xuống lên đến 6Gbps, có khả năng cạnh tranh trực tiếp với Samsung, Huawei và cả Qualcomm. Đặc biệt, XMM 8160 sẽ tương thích với hầu như mọi thiết bị, từ điện thoại, máy tính bảng, PC, IoT đến ô tô và gateway, mặc dù chúng ta sẽ phải chờ một khoảng thời gian nữa để có thể nghiên cứu rõ hơn về những gì sẽ được tích hợp trên SoCs. Có thể nói, Intel đã âm thầm làm việc rất chăm chỉ để xây dựng một thứ hoàn chỉnh nhằm khẳng định chất lượng sản phẩm của công ty trong mắt khách hàng.

MediaTek là "tay đua" đang khá kín tiếng trên trường đua 5G. Kể từ khi giới thiệu modem 5G M70 vào cuối năm 2018, hiện nay công ty đang trong giai đoạn tiếp tục phát triển con chip tiến trình 7nm này để chuẩn bị tích hợp vào các thiết bị điện thoại vào năm 2020. Tốc độ được ghi nhận trên M70 rơi vào con số 4.7Gbps khi tải xuống và 2.5Gbps cho tải lên. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa chính thức khẳng định liệu SoC cao cấp mới của công ty sẽ được tích hợp modem này hay không, buộc chúng ta phải chờ đợi thông tin trong tương lai.

Ngoài ra, một cái tên khá lạ lẫm cũng đang tranh giành các phần nhỏ lẻ với các ông lớn hiện nay là UniSOC – trước kia là Spreadtrum Communications, một tập đoàn sản xuất SoC có trụ sở tại Trung Quốc. Công ty này đang phát triển một số SoC smartphone cho các hãng điện thoại mới nổi và trong tương lai họ có thể sẽ nắm giữ một thị trường nhất định – nơi của các sản phẩm điện thoại 5G giá rẻ.

Được tích hợp trong mẫu concept HiSense 5G tại triển lãm MWC, modem UniSOC UDX710 là con chip đa chế độ hỗ trợ kết nối 2G đến 5G, được xây dựng trên tiến trình 12nm, do vậy sẽ có giá thành rẻ hơn so với các modem 10nm hay 7nm như đã nói ở trên. Nhiều khả năng, UDX710 này sẽ là "chìa khóa" đối với một số smartphone giá rẻ hay các thiết bị khác trong tương lai tại Trung Quốc.

Sẵn sàng cho năm 2020 và chuẩn 5G Standalone

Bạn có thể thấy rõ mục đích của các công ty trong bài viết này được chia làm hai phe: tiên phong và chờ đợi. Snapdragon X55 có thể là loạt chip 5G đến tay người tiêu dùng đầu tiên, nhưng nó sẽ phải đánh đổi nhiều thứ như hỗ trợ đa kết nối, tiêu hao nhiều năng lượng hơn từ modem ngoài và thiếu vắng chuẩn 5G Standalone. Trong khi các modem chờ đến năm 2020 sẽ hỗ trợ LTE và 5G ngay trong một con chip, bao gồm FDD và TDD toàn cầu, cùng với chuẩn kết nối không thể thiếu trong tương lai là 5G Standalone – thứ vẫn còn đang chờ để được cấp phép ở thời điểm hiện tại.

Liệu có công ty nào có thể rút ngắn khoảng cách, vượt qua Qualcomm hay không, rất khó để trả lời. Với loạt sản phẩm phong phú ở đủ mọi danh mục, Qualcomm có lợi thế rất lớn trong việc thống trị thị trường. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những cái tên nêu trên sẽ không tìm được chỗ đứng của mình, khi chắc chắn sẽ có rất nhiều những sản phẩm mới mẻ đang chờ đón chúng ta ở năm 2020, khi 5G thực sự chín muồi.

Quang Minh

Chủ đề khác