VnReview
Hà Nội

Google và Apple là bằng chứng cho thấy tiền không thể giải quyết mọi thứ

Người ta nói rằng "tiền thống trị thế giới", và ngày nay, điều đó dường như đúng hơn bao giờ hết. Chúng ta đang chứng kiến một quá trình tập trung nguồn lực tài chính chưa từng có trước đây. Các công ty dầu mỏ trở nên nhỏ bé trước những gã khổng lồ công nghệ, trong bối cảnh dữ liệu trở nên quý hơn cả vàng (dù là "vàng đen" hay vàng theo đúng nghĩa của nó).

google and apple

Không nơi đâu tiền thể hiện sự thống trị hiển nhiên hơn trên thị trường smartphone. Hai công ty, Google và Apple, nắm quyền kiểm soát các hệ điều hành di động mà chúng ta sử dụng trên những thiết bị luôn mang theo bên mình. Và không hề ngạc nhiên khi đây cũng chính là hai công ty có giá trị cao nhất trong Top 5 (gồm Apple, Google, Amazon, Microsoft và Facebook).

Đó là lý do tại sao người ta thường đặt kỳ vọng cao nhất đối với các công ty này; suy cho cùng, với túi tiền "khủng" như vậy, việc tạo ra những sản phẩm kém hoàn hảo là điều không thể chấp nhận được. Thế nhưng mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ và đi theo hướng tốt nhất đối với cả Google và Apple. Tại sao lại như vậy?

Giới hạn tài nguyên con người

Thuật ngữ "tài nguyên con người" nghe có vẻ hơi khô khan, cứ như con người cũng chỉ là một trong các nguyên liệu được đưa vào máy để tạo ra sản phẩm. Và đối với một số công ty, điều này không hẳn là sai. Nếu công việc không đòi hỏi các nhân viên có kỹ năng cao, các công ty sẽ giữ lương ở mức thấp và tỉ lệ doanh thu cao hay thấp không khiến họ quan ngại, bởi họ có thể thay thế nhân viên chỉ trong chớp mắt.

Tại Thung lũng Silicon, thực tại rất khác biệt. Phân phối phần mềm là công việc không đòi hỏi nhiều tiền bạc và công sức, tất cả những khâu khó khăn đều nằm ở người tạo ra phần mềm - chắc chắn viết một phần mềm không phải là điều dễ dàng, khi bạn phải cân đo đong đếm trải nghiệm của hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới.

Những công ty như Apple và Google chỉ cần những con người xuất sắc nhất của xuất sắc nhất làm việc trong từng bộ phận của mình, từ lập trình, marketing, đến quản lý. Nhưng thế giới chỉ có một số rất ít người có kỹ năng hàng đầu trong bất kỳ lĩnh vực nào, và do đó, số lượng ứng viên phù hợp để chọn lựa là rất giới hạn.

Tất nhiên, tiền có thể giúp ích. Vấn đề là, dù bạn đề nghị mức lương cao đến thế nào, bạn cũng không thể đơn giản là mang về những chuyên gia bạn cần ngay được. Khi chơi game, nếu bạn có mã tiền vô hạn, bạn có thể làm mọi thứ, nhưng trong đời thực, bản thân đồng tiền không làm được gì cả. Tất cả phụ thuộc vào con người và khả năng của con người nhằm biến tiền thành một thứ gì đó có giá trị hơn khoản tiền ban đầu gấp nhiều lần.

Đó là lý do tại sao các công ty thường "cướp" nhân lực của đối phương bằng cách đề nghị họ không chỉ mức lương cao hơn mà còn những lợi ích tốt hơn, hoặc vị trí cao hơn.

nhân viên

Tại sao phải cày thêm vài nghìn đô mỗi tháng khi bạn có thể thoải mái chơi đá banh ngay trong văn phòng?

Việc này như một mũi tên trúng hai đích: công ty đi "cướp" có thể cải thiện được hiệu quả công việc, mà đối thủ của họ - công ty bị "cướp" - cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Đây là lúc người ta ràng buộc các nhân viên có giá trị bằng các thỏa thuận không cạnh tranh mà nếu người nhân viên ký thỏa thuận đó bị một công ty khác "cướp" mất, công ty bị "cướp" sẽ được công ty đi "cướp" đền bù một khoản bồi thường kha khá.

Để hạn chế việc "chảy máu chất xám", các công ty đã thành lập các học viện của chính mình để đào tạo người vào các vị trí họ cần. Hiển nhiên, việc này sẽ đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với đi thuê người đã có sẵn kỹ năng cần thiết và đưa họ vào làm ngay lập tức. Bạn đã hiểu tại sao tài nguyên con người là một thứ vô cùng quý giá, là loại tài nguyên thường xuyên rơi vào tình trạng "nghẽn cổ chai" trong phát triển sản phẩm phần mềm chưa?

hoc vien google

Hơn nữa, phát triển một sản phẩm phần mềm giống như đang nuôi một đứa trẻ vậy. Nếu bạn đi cùng nó ngay từ đầu, bạn biết mọi điểm yếu, điểm mạnh và thói quen của nó, và nếu có gì đó không diễn ra như mong đợi thì nguyên nhân là do đâu. Trong một số trường hợp phức tạp, mã lệnh có thể gắn chặt với một người cụ thể nào đó, mà nếu họ rời đi, cả phần mềm sẽ không thể hoạt động được. Bạn chắc chắn không muốn làm mất lòng các nhà phát triển trừ khi muốn kết quả cuối cùng chẳng khác gì một mớ hỗn độn - một tình trạng mà khá nhiều công ty từng gặp phải.

Tuy nhiên, ngay cả khi bạn có được tất cả những con người mình cần, điều đó cũng không có nghĩa bạn sẽ thành công.

Có quá nhiều sự lựa chọn cũng là một lời nguyền

Có quá nhiều tiền vừa là một phước lành, vừa là một lời nguyền - tất nhiên ở đây không phải đang nói đến tỉ lệ...về chầu ông bà ngày càng cao của những người trúng xổ số. Trong thế giới IT, doanh thu quá nhiều cũng có thể dẫn đến những quyết định sai lầm.

Ví dụ, nguồn tài chính khổng lồ của Google là một con dao hai lưỡi. Công ty có thể vung tiền và bố trí các nhà phát triển vào hầu như bất kỳ ý tưởng nào nghe có vẻ...thú vị, ngay cả khi họ biết trước rằng không phải mọi ý tưởng đó đều sẽ trở thành các sản phẩm thực sự. Google thường "ném" các ý tưởng ra cho công chúng thử nghiệm để xem cái nào thực sự hoạt động tốt. Ai cũng biết gã khổng lồ tìm kiếm nổi tiếng với việc tung ra những sản phẩm nửa vời, sau đó hỗ trợ cho có và cuối cùng bỏ xó chúng. Và điều này không chỉ đúng đối với các sản phẩm phần mềm - các sản phẩm phần cứng cũng chịu số phận tương tự. Chúng có nhiều đến nỗi mạng Internet có riêng một website theo dõi mọi dự án bị Google xếp xó từ trước đến nay: KilledByGoogle.

google alo

Allo là một trong số nhiều ứng dụng nhắn tin Google từng tạo ra

Nói công bằng, các dự án này thường được nhập chung với nhau, đổi tên, hoặc tách thành nhiều dự án nhỏ khác để đưa vào thành những tính năng trong các sản phẩm khác, do đó không thể nói rằng Google ném công sức của nhân viên xuống sông xuống biển được.

Chính những lãnh đạo của Google là những người đã nuôi nấng tư tưởng thứ gì cũng phải thử qua một lần tại công ty này. Điều này đã làm lung lay sự tự tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm Google ra mắt, đến mức ngay cả những nỗ lực rất nghiêm túc như nền tảng stream game Stadia cũng bị xem là sản phẩm tiếp theo có khả năng bước vào nghĩa địa của Google.

Về phía Apple, dù có nhiều tiền hơn, hãng lại tập trung vào những lĩnh vực hẹp hơn - những thứ họ muốn làm và hầu như tránh việc hủy bỏ các sản phẩm đó. Đế sạc không dây AirPower mới bị "trảm" gần đây là một trong rất ít những lần Apple hủy bỏ sản phẩm. Và khi nhắc đến các sản phẩm thất bại mà hãng này từng làm ra, chúng ta nên biết rằng họ từng có một chiếc máy chơi game console mang tên Pippin từ thời xa xưa, khi chưa là một tập đoàn như ngày nay.

may choi game apple

Người ta đùa rằng nếu bạn ném chiếc tay cầm chơi game này đi, nó sẽ quay lại với bạn

Tuy nhiên, có một điểm khác biệt lớn giữa việc hủy bỏ một sản phẩm trong quá trình phát triển và làm điều đó sau khi người dùng đã quen với nó và đã dùng nó được một thời gian (nói thẳng ra là đang ám chỉ đến Google Inbox đấy!). Apple không tránh khỏi bị chỉ trích, khi mà người dùng và các chuyên gia đánh giá từng lên tiếng về một số động thái tiết kiệm tiền quá đáng như chỉ bán kèm cục sạc chậm với iPhone chẳng hạn. Và dù rằng đó là một quyết định có chủ đích và có thể dễ dàng thay đổi, có một khía cạnh khác mà chúng ta cần xem xét.

Có tiền không có nghĩa bạn có thể thích tiêu kiểu gì cũng được

Dù đối với chúng ta, những gã khổng lồ công nghệ giống như những vị thánh toàn năng, có những người họ vẫn sợ và phải cúi đầu: các cổ đông. Hàng tỷ và nghìn tỷ đô-la chúng ta vẫn thường nhắc đến khi nói về giá trị của một công ty thường chỉ là giá trị của cổ phiếu trên thị trường. Và một trong những yếu tố lớn nhất trên thị trường chính là công ty có khả năng sinh lời ra sao.

Theo cách nói này, dù Apple có thể hoàn toàn có thể bán kèm cục sạc nhanh cùng iPhone, và thậm chí là sạc không dây nữa, nhưng đến cuối mỗi quý/ mỗi năm, họ sẽ phải giải thích với các nhà đầu tư tại sao lại kiếm được ít tiền hơn trước. Và đó chắc chắn là cuộc đối thoại mà chẳng CEO nào muốn - Tim Cook có thể xác nhận điều này sau khi phải giải trình về kết quả không như mong đợi của Apple cách đây vài tháng. Chính sự giám sát liên tục này là rào cản không cho phép công ty đầu tư vào các sản phẩm concept hay thử nghiệm những ý tưởng mới lạ chưa chứng minh được liệu có thành công hay không.

Tất nhiên, các công ty vẫn cần phải cải tiến nếu họ muốn duy trì lợi thế so với các đối thủ. Vì vậy đôi lúc họ phải đối mặt với một chướng ngại khác mà dù có vung tiền nhiều đến đâu cũng không thể vượt qua được.

Đôi lúc công nghệ vẫn chưa sẵn sàng

Trong tự nhiên, mọi thứ đều diễn ra theo một quy trình định trước: cây phát triển từ hạt, chim được ấp nở từ trứng... Công nghệ cũng vậy. Bạn không thể có một chiếc điện thoại không dây trước khi phát minh ra điện thoại có dây, hay tạo ra vi xử lý lõi tứ trước vi xử lý lõi đơn được. Chắc chắn không có chuyện "nhảy cóc" ở đây!

google glasses

Đôi lúc công nghệ đã có, nhưng xã hội chưa chấp nhận

Nếu Apple "đập" 100 tỷ đô-la lên bàn nhà sản xuất chip của hãng và yêu cầu họ tạo ra một CPU quy trình 3nm cho chiếc iPhone sắp tới, họ sẽ được đề nghị quay về California và... quay lại sau vài năm nữa. Đúng là lượng tiền đầu tư vào một công nghệ nhất định có thể tạo ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của nó, nhưng có một câu ngạn ngữ có đại ý như sau: một người có thể đào một cái giếng trong 100 ngày, nhưng 100 người không thể đào cái giếng đó trong một ngày được. Bạn có thể trồng cây trên đất nhiều dinh dưỡng và có điều kiện tốt nhất, nhưng bạn không thể buộc nó nhanh lớn được. Công nghệ cũng tương tự, có nhiều thứ chúng ta có thể làm để thúc đẩy công nghệ phát triển, nhưng chúng ta đã đạt đến giới hạn mất rồi.

Và dù chúng ta - những người tiêu dùng - có thể bực bội khi thấy công nghệ cứ mãi ì ạch, biết bao thành tựu công nghệ tuyệt vời mà chúng ta thấy được chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn gần đây đều xuất phát từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của những người đứng sau công nghệ đó. Chúng ta dễ dàng quên mất công nghệ đã tiến xa như thế nào trong vài thập kỷ qua, và cứ nghĩ rằng công nghệ là một thứ hiển nhiên phải có.

Trên đây chỉ là một vài lý do tại sao những công ty công nghệ lớn không thể cứ thế mà lần lượt tung ra những sản phẩm tuyệt vời, dù họ có hàng tỷ đô-la trong ngân hàng. Luôn có những điểm chưa hoàn hảo có thể cải thiện được, đó là điều tất nhiên, nhưng chúng ta nên nhớ rằng dù quy mô khác nhau, các công ty như Google và Apple còn phải đối mặt với những giới hạn vượt ngoài tầm kiểm soát của họ. Hãy kiên nhẫn và hiểu cho họ, đó là cách để tất cả chúng ta đều được hưởng lợi.

Minh.T.T

Chủ đề khác