VnReview
Hà Nội

100.000 doanh nghiệp công nghệ vào năm 2030: Khả thi không?

Hiện Việt Nam đang có khoảng 50.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và mục tiêu đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên đến 100.000. Tuy vậy, với tiềm lực hiện nay thì liệu mục tiêu này có khả thi?

Hơn 30 năm sau ngày đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc, liên tục góp phần cải thiện các vấn đề việc làm, thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo... Tuy nhiên, một cách khách quan có thể thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua chủ yếu theo bề rộng, phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, mở rộng tín dụng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa còn thấp.

Cơ hội để Việt Nam thay đổi vấn đề này là có khi chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dựa trên nền tảng của các công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số ICT – lĩnh vực mà người Việt có tiềm năng. Mục tiêu đặt ra là nước ta sẽ có 100.000 doanh nghiệp công nghệ vào năm 2030 góp phần giúp Việt Nam đột phá về kinh tế, đi nhanh hơn và đuổi kịp các nước phát triển. Nhưng liệu với tiềm lực hiện nay thì mục tiêu này có khả thi?

Tiềm lực của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

Theo thống kê của Bộ thông tin và truyền thông, đến cuối năm 2018, giá trị ngành công nghiệp ICT Việt Nam ước đạt 98,9 tỷ USD với mức tăng trưởng khoảng 8%/năm. Trong đó, ngành công nghiệp phần cứng có giá trị khoảng 88 tỷ USD, công nghiệp phần mềm là 4,3 tỷ USD, ngành dịch vụ công nghệ thông tin đạt 5,7 tỷ USD, công nghiệp nội dung số đạt trên 800 triệu USD. Điểm đáng chú ý là tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt tới 94 tỷ USD và mức xuất siêu đạt 26 tỷ USD.

Theo bà Tô Thu Hương, phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, mỗi năm ngành công nghiệp ICT đóng góp cho ngân sách Nhà nước tới hơn 50.000 tỷ đồng và tạo ra hơn 1 triệu việc làm cho người lao động. Tiềm lực của Việt Nam ở ngành này là rất lớn và con số 100.000 doanh nghiệp công nghệ vào năm 2030 là hoàn toàn khả thi.

Việt Nam sở hữu tiềm lực để có đuowjc 100.000 doanh nghiệp công nghệ vào năm 2030

Thực tế cho thấy hiện tại Việt Nam đang có rất nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ. Đa phần những công ty này đã làm chủ được công nghệ tiên tiến và có chỗ đứng nhất định trên thị trường thế giới. Ông Nguyễn Thế Tân – Tổng giám đốc VcCorp cho biết: ‘Tiềm lực trong mảng công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là có. Đơn cử như cách đây vài năm Viettel vẫn phải mua các thiết bị của nước ngoài nhưng giờ đây chúng ta có thể thấy doanh nghiệp này bắt đầu làm một phần mạng 5G và tiến tới làm chủ hoàn toàn mạng 5G. Trên thế giới hiện nay không nhiều công ty làm được điều này. Rõ ràng chúng ta có tiềm lực để phát triển CNTT'.

Rất nhiều ví dụ khác về các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên và có chỗ đứng trong ngành công nghệ. Các đơn vị này hiện nay trải rải rộng trên nhiều mảng khác nhau. Ví dụ như;BKAV đã làm được smartphone, các bài toán về phần mềm thì có Havaran hay Be Group tạo ra sản phẩm không kém doanh nghiệp nước ngoài. Chúng ta có Cốc Cốc đã tạo ra được trình duyệt dựa trên nhân Chrome, mảng nội dung số Việt Nam có đại diện VNG và VC Corp. Như vậy chúng ta có thể thấy tiềm lực của các doanh nghiệp Việt Nam là khá lớn và đang dần đuổi kịp các Quốc gia mạnh về CNTT.

Vẫn còn khó khăn cần tháo gỡ

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cho biết: ‘Đặc điểm trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 thì nguồn lực không hẳn là tài nguyên, đất đai mà quan trọng là trí tuệ, nguồn lực trí tuệ một khi được khai thông sẽ tăng tốc và phát triển rất nhanh'.

Nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển ngành công nghệ

Nhưng theo ông Hùng Trần – Giám đốc công nghệ công ty Got It thì đội ngũ kỹ sư là lực lượng nòng cốt trong các công ty công nghệ. Tuy vậy, đội ngũ nhân lực trong ngành công nghệ Việt Nam vẫn còn khoảng cách nhất định so với các nước phát triển. Kỹ sư Việt Nam cần nâng cao hơn nữa về khả năng chuyên môn và cả về tiếng Anh.

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Thế Tân – tổng giám đốc VcCorp có ý kiến thẳng thắn về các chính sách hiện nay. Ông cho biết: ‘So với các ngành khác thì doanh nghiệp công nghệ đóng thuế rất cao. Các chính sách ưu đãi thực tế thì chưa thấy được đưa vào thực tiễn. Hàng năm, khi quyết toán thì tôi vẫn chưa thấy ưu đãi đâu cả. Về chính sách, chúng ta đang dùng tư duy cũ để trói những công ty mới. Có những quy định rất buồn cười, chỉ phục vụ cho tư duy cũ'.

Các chuyên gia và lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam đều đang rất mong chờ vào ‘diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam' để đưa những tâm tư, nguyện vọng, ý tưởng của mình đến với Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo sức bật lớn hơn nữa. Diễn đàn sẽ được tổ chức vào ngày 9/5/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Diễn đàn và phát biểu chỉ đạo.

T.T

Chủ đề khác