VnReview
Hà Nội

Qualcomm đang cho thấy tầm ảnh hưởng của Apple quan trọng như thế nào đối với hãng

Mặc dù là người chiến thắng trong cuộc chiến bản quyền với Apple nhưng hóa ra, Qualcomm mới chính là bên phải phụ thuộc vào Apple nhiều nhất chứ không phải Táo Khuyết.

Hồi tháng trước, ngay khi Apple và Qualcomm tham gia phiên tòa kiện tụng tại Tòa án ở San Diego đã có một nguồn tin nội bộ tiết lộ, Apple và Qualcomm đang dần đi tới thỏa thuận cuối cùng để chấm dứt chuỗi ngày tháng kiện cáo nhau.

Cả hai đã bắt tay nhau vì một mục đích chung. Trong đó Apple hứa trả khoảng 4,5 tỷ - 4,7 tỷ USD tiền bồi thường cho Qualcomm để kết thúc cuộc chiến. Đổi lại, Apple sẽ nhận được thỏa thuận cấp phép chip lên tới 6 năm từ phía Qualcomm.

Không ngạc nhiên khi Apple buộc phải nhún nhường Qualcomm trong thời điểm hiện tại vì rõ ràng hãng đang đặt mục tiêu sẽ ra mắt kịp iPhone 5G vào năm 2020. Trước đó dù từng làm việc với Intel, đối tác cung cấp modem chip 4G LTE độc quyền cho iPhone 2018 nhưng Apple không tin tưởng Intel có thể kịp cung cấp đủ chip 5G cho iPhone 2020. Đó là lý do Apple quyết định tìm đến các đối tác khác.

Trong phiên tòa xét xử giữa Qualcomm và FTC (Ủy ban thương mại liên bang Mỹ), giám đốc điều hành chuỗi cung ứng của Apple, Tony Blevins đã làm chứng rằng, công ty từng đặt vấn đề mua modem chip 5G từ Samsung và MediaTek. Trước đó, Intel từng nhiều lần khẳng định, họ sẽ kịp xuất xưởng chip 5G vào cuối năm nay. Nhưng sau khi thỏa thuận giữa Apple và Qualcomm được công bố, Intel tiết lộ sẽ rời khỏi mảng kinh doanh chip modem 5G.

Theo một nhà phân tích, Apple sẽ phải trả cho Qualcomm ít nhất 9 USD/iPhone sử dụng chip 5G. Bản thỏa thuận trên rõ ràng đem lại nhiều lợi ích cho Qualcomm. Đó là lý do công ty đã quyết định thưởng lớn cho nhiều giám đốc điều hành.

Theo CNBC, mỗi giám đốc được nhận khoản tiền thưởng gồm 40,7 ngàn cổ phiếu. Số cổ phiếu này có giá trị khoảng hơn 3,5 triệu USD. Ước tính sau khi thỏa thuận được công bố khoảng 3 tuần, giá trị cổ phiếu của Qualcomm đã tăng 50%.

Nhiều giám đốc điều hành khác của Qualcomm cũng được hưởng lợi, ví dụ như Chủ tịch Cristiano Amon được hưởng số cổ phiếu trị giá 2,14 triệu USD và giám đốc kỹ thuật James Thompson có 1,65 triệu USD từ cổ phiếu. Ngoài ra còn có các luật sư và nhân viên Qualcomm cũng được nhận tiền thưởng cao hơn.

Tất nhiên cả những nhà đầu tư vào cổ phiếu của Qualcomm cũng hưởng lãi lớn. Một ngày trước khi thỏa thuận công bố, giá cổ phiếu đóng cửa của Qualcomm chỉ là 57,18 USD. Nhưng hôm 10/5 vừa qua, cổ phiếu đã đóng cửa ở mức 85,84 USD, có nghĩa là tăng 50% chỉ trong vòng 3 tuần.

Tiền thưởng và chứng khoán đều tăng vọt là những dấu hiệu cho thấy Apple "quan trọng" như thế nào đối với tình hình kinh doanh và tài chính của Qualcomm.

Apple bắt đầu sử dụng chip modem của Qualcomm trên iPhone trong giai đoạn 2011-2015. Đó là lý do Apple muốn Qualcomm chiết khấu khoản thanh toán trị giá 1 tỷ USD từ tiền bản quyền hàng năm để tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên Qualcomm đã hét giá bản quyền gấp 5 lần mức Apple mong muốn, cộng với số tiền phải trả cho linh kiện trên mỗi đầu iPhone, dẫn tới việc Apple không thể mua được linh kiện của Qualcomm cho thế hệ iPhone mới.

Apple sau đó đã làm chứng chống lại Qualcomm tại phiên điều trần do Ủy ban thương mại công bằng Hàn Quốc tổ chức. Đây có lẽ là thời điểm Apple khơi mào cuộc chiến giữa hai bên. Phía Qualcomm rất tức giận với việc Apple không trả tiền bản quyền và còn làm chứng tố cáo Qualcomm độc quyền chip. Hãng chip nước Mỹ sau đó đã quyết định không trả số tiền chiết khấu trị giá 1 tỷ USD cho Apple trong thỏa thuận trước đó. Đáp lại Apple cũng kêu gọi các đối tác như Foxconn hay Pegatron ngừng trả tiền bản quyền cho Qualcomm.

Đầu năm 2017, Apple chính thức đâm đơn kiện Qualcomm và nối tiếp tới tận đầu năm 2019, những vụ kiện xảy ra tại nhiều nơi như Mỹ, Trung Quốc, Đức,…vẫn liên tục diễn ra cho đến khi hai bên quyết định gạt qua mọi bất đồng để làm hòa một lần nữa vào hồi cuối tháng 4 vừa qua.

Tiến Thanh

Chủ đề khác