VnReview
Hà Nội

Không đấu lại Alexa, Google Assistant, Trợ lý Cortana tìm hướng đi mới

Theo Microsoft, Cortana sẽ chỉ xuất hiện trong những sản phẩm mà nó "thực sự có thể đem lại những tác dụng hữu ích".

Microsoft không còn xem Cortana là đối thủ của Alexa và Google Assistant

Trợ lý ảo của Microsoft đang gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian gần đây. Sau khi được tung ra lần đầu tiên trên nền tảng hệ điều hành di động Windows Phone, Cortana được Microsoft đưa lên trên các máy tính cá nhân chạy Windows 10 PC và được kỳ vọng sẽ xuất hiện trên các dòng sản phẩm loa thông minh, tủ lạnh thông minh, lò nướng, thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm, và các thiết bị Internet vạn vật (IoT) khác.

Tuy vậy, trong khi Alexa và Google Assistant đang thống lĩnh thị trường, thì Cortana dường như đã bị bỏ lại phía sau. Hồi đầu năm nay, CEO Microsoft Satya Nadella thừa nhận rằng Cortana sẽ không còn có thể cạnh tranh trực tiếp với Google Assistant hay Alexa. Thay vào đó, Microsoft đã có một tầm nhìn mới đối với trợ lý ảo này, bao gồm các tương tác hội thoại với các nhân viên công sở đang chuẩn bị cho ngày làm việc của mình.

Mới đây, phóng viên chuyên trang công nghệ The Verge đã có cuộc trao đổi với Trưởng nhóm phụ trách Cortana, ông Andrew Shuman, tại Hội nghị dành cho nhà phát triển Build của Microsoft để tìm hiểu những sự thay đổi trong cách tiếp cận của Microsoft đối với trợ lý ảo Cortana trong năm 2019 và xa hơn nữa.

"Tôi nghĩ rằng một trong những thách thức lớn nhất mà nhóm chúng tôi gặp phải trong một vài năm trở lại đây là tìm ra những chỗ đứng thích hợp cho trợ lý ảo này, để Microsoft có thể đem lại nhiều giá trị và tác dụng nhất có thể," Shuman giải thích. "Tôi nghĩ rằng hướng đi của chúng tôi trong suốt một năm qua là tích hợp Cortana vào các phần mềm Microsoft 365 phục vụ công việc và giúp người dùng bắt đầu một ngày mới với trạng thái hứng khởi hơn, nhất là những người thường xuyên bận rộn. Vì vậy, chúng tôi cần phải thực sự hiểu lịch làm việc của họ, các tài liệu họ đang làm việc, cách thức họ tương tác với những đồng nghiệp thân thiết."

Microsoft đang tái định vị Cortana để tập trung vào việc tích hợp trợ lý ảo này vào thói quen và quy trình làm việc hàng ngày của người dùng doanh nghiệp, cũng như biến nó trở thành một phần của hệ thống phần mềm và dịch vụ mà các công ty, tập đoàn sử dụng. Theo đó, Cortana sẽ chỉ xuất hiện tại các vị trí mà nó có thể phát huy được những tác dụng hữu ích và đặc biệt tập trung vào thị trường doanh nghiệp. Cortana chắc chắn sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong cộng đồng doanh nghiệp, nhưng vẫn sẽ có cơ hội cho trợ lý ảo này ở khối người dùng cá nhân. "Người dùng cá nhân vẫn luôn có những dòng sản phẩm dành cho họ và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào tương lai của đối tượng khách hàng là các bạn," Shuman khẳng định. "Chỉ là chúng tôi cho rằng sẽ phù hợp hơn khi bắt đầu với khối doanh nghiệp đang trực tiếp đầu tư vào các sản phẩm phục vụ công việc của Microsoft, và nghĩ về cách mà trợ lý ảo của mình có thể gắn kết và giúp đỡ công việc cho mọi người."

Khoản đầu tư đầu tiên của Microsoft gắn với định hướng mới này là thương vụ mua lại Semantic Machines của Microsoft hồi năm ngoái. Công ty này chuyên nghiên cứu và phát triển công nghệ điện toán hội thoại để giúp các trợ lý ảo như Cortana có thể hiểu được các cuộc hội thoại tự nhiên chứ không chỉ đơn thuần là các câu lệnh thông thường. Trong tuần qua, Microsoft đã từng trình diễn một trường hợp trong đó người dùng có thể sử dụng Cortana trên điện thoại để quản lý các lời mời tham dự cuộc họp, vị trí, thời tiết và nhiều yếu tố khác nữa, nhưng dựa trên tương tác hội thoại tự nhiên với người dùng thay cho một tập hợp các câu lệnh tuần tự.

Trí tuệ nhân tạo dạng "hội thoại" như trên là một quy trình gồm rất nhiều bước để thực hiện và không yêu cầu người dùng sử dụng những lệnh gọi như "Hey, Cortana" mỗi lần muốn yêu cầu Cortana giúp mình làm một việc gì đó. Google đã trình diễn cách tiếp cận tương tự tại Hội nghị dành cho nhà phát triển Google I/O, và cả hai công ty đều đang hướng tới một tương lai nơi mà các trợ lý ảo có thể trả lời các câu hỏi và yêu cầu của người dùng một cách tự nhiên hơn, thay vì buộc người dùng phải sử dụng một từ khoá cố định để "gọi" chúng như trước. "Vẫn còn rất nhiều khoảng trống chưa được khoả lấp cần sự sáng tạo của các kỹ sư công nghệ, trong đó có cách thức mà bạn có thể "đánh thức" trợ lý ảo một cách tự nhiên nhất," Shuman cho hay. "Chẳng hạn như khi bạn cần kích hoạt camera hoặc một thứ gì khác trong khi đang nghe điện thoại hay đang dán mắt vào màn hình. Vẫn còn rất nhiều những tiềm năng chưa được khám phá."

Để giúp Cortana có thể hiểu được bối cảnh của những câu hỏi mà người dùng đặt ra vẫn là một vấn đề nan giải chưa có cách giải quyết tối ưu nhất, nhưng Microsoft cũng đang đặt những viên gạch đầu tiên trong việc tìm ra những hướng đi mới, hướng tiếp cận mới để khiến các trợ lý ảo hoạt động hiệu quả hơn. Trong video mà Microsoft mới trình diễn gần đây, có rất nhiều tính năng đã được đề cập đến lịch, thời tiết, địa điểm, thông tin nhà hàng và danh bạ liên lạc. "Theo cách tiếp cận thông thường, mỗi tính năng, mỗi tác vụ trên đòi hỏi phải huấn luyện AI với một kĩ năng khác nhau," Dan Klein, kỹ sư Microsoft, đồng sáng lập Semantic Machines cho hay. "Chìa khoá ở đây là ngữ cảnh, và ý tưởng xuyên suốt là tất cả những điều bạn nói và những hành động mà bạn làm đều có liên kết với nhau."

Microsoft đang sử dụng ngữ cảnh và những dữ liệu họ có được về cách thức người dùng sử dụng các sản phẩm như Windows, Office và những dịch vụ khác của Microsoft để hiện thực hoá ý tưởng này. Công ty đang xây dựng một nền tảng học máy để giúp trí tuệ nhân tạo hiểu được tất cả những nguồn thông tin đầu vào trên, sau đó kết nối với những "kĩ năng" cần thiết của AI để hỗ trợ Cortana "trò chuyện" với người dùng. Đây chính là điểm mấu chốt bởi hiện tại, mặc dù Microsoft cũng đang vận hành công cụ tìm kiếm Bing của riêng mình, nhưng nó không được sử dụng rộng rãi như Google. Do vậy, Microsoft cần tập trung vào những lĩnh vực mà họ có nhiều dữ liệu nhất để huấn luyện Cortana làm những việc "có ích".

"Tôi nghĩ rằng điều mà mọi người có thể không bao giờ hình dung được là số lượng người dùng khổng lồ hiện đang sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi để thực hiện các công việc hàng ngày ở các cơ quan, doanh nghiệp," Shuman cho hay. Dù là 1 tỷ người đang sử dụng bộ phần mềm văn phòng Office trên máy tính, hay hàng triệu người đang sử dụng phiên bản online kết nối trực tiếp với "đám mây", Microsoft cũng đều cân nhắc tới nhu cầu và thực tế sử dụng của mọi nhóm người dùng nhằm cải thiện Cortana. "Điều đó có nghĩa rằng mọi tương tác của người dùng với chúng tôi đều là những phương thức phù hợp và đáng tin cậy để giúp chúng tôi học hỏi về nhu cầu của họ," Shuman giải thích. "[Các hệ thống máy học] có thể "học hỏi" từ nội dung của những tập tin bạn chia sẻ hay thậm chí chỉ qua tên các tập tin đó. Chủ đề (subject) của những bức thư điện tử cũng là một trong những đối tượng mà chúng có thể quan tâm và "học tập" được. Tôi không muốn nói ra điều này để các bạn cảm thấy lo sợ, mà đó chỉ là một phương thức khai thác tài nguyên dữ liệu nhằm giúp các thuật toán của chúng tôi có thể trở nên hoàn thiện hơn."

Điều đó có nghĩa rằng Cortana sẽ có thể "học" các dự án quan trọng mà bạn đang thực hiện, các "deadline" bạn đang phải chạy, các lịch họp sắp tới và nhiều thứ khác nữa. Tất cả những thông tin đó sẽ giúp trợ lý ảo của Microsoft nắm được bối cảnh cuộc sống của bạn, để từ đó có cơ sở trả lời bạn, cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích ngay khi bạn đặt câu hỏi. Tuy nhiên, Microsoft vẫn chưa trình diễn được một sản phẩm cụ thể nào sẽ ứng dụng các công nghệ đầy hứa hẹn đó. Tủ lạnh, lò nướng bánh hay hệ thống theo dõi nhiệt độ trong nhà có thể là một vài trong số những sản phẩm tiềm năng, nhưng Microsoft hiện vẫn rất thận trọng trong việc tích hợp Cortana vào các thiết bị khác. Gần đây, chúng ta đã thấy Microsoft tách biệt Cortana khỏi trải nghiệm tìm kiếm trên Windows 10. Microsoft cũng đã khởi động dự án nghiên cứu phát triển tai nghe Surface Headphones tích hợp trợ lý ảo Cortana, và có tin đồn cho rằng Microsoft có thể sản xuất đại trà dòng sản phẩm tai nghe Surface, với cách tiếp cận tương tự như của Apple đối với sản phẩm tai nghe không dây AirPods.

"Tai nghe là một sản phẩm đầy thú vị," Shuman cho hay. "Đó sẽ là mảnh ghép giúp chúng tôi hoàn thiện trải nghiệm Office toàn diện với công nghệ điều khiển bằng giọng nói." Nên nhớ rằng ngày nay, Microsoft không ngần ngại nghiên cứu phát triển phần cứng làm nền tảng để thúc đẩy các công nghệ phần mềm, do đó sẽ không có gì ngạc nhiên nếu chúng ta thấy Cortana xuất hiện trong nhiều hơn nữa các sản phẩm phần cứng sáng tạo của Microsoft trong tương lai.

Còn ở thời điểm hiện tại, Microsoft vẫn đang rất tập trung vào việc đảm bảo rằng trợ lý ảo của hãng vẫn sẽ hoạt động hiệu quả và mang lại nhiều tiện ích cho những người dùng đang gắn bó với các sản phẩm và dịch vụ nằm trong hệ sinh thái mà công ty xứ Redmond cung cấp.

Quang Huy

Chủ đề khác