VnReview
Hà Nội

Nhiều hãng TV dừng kinh doanh TV QLED (QD-LCD) vì doanh số kém

Bạn có biết vì sao chỉ có Samsung QLED nổi tiếng, còn phía OLED lại nhiều hãng tham gia hơn như LG, Sony... hay không? Vì sao không chọn QLED theo Samsung?

Trên thị trường TV hiện nay, chúng ta đã rất quen thuộc với hai công nghệ QD-LCD (tên marketing là "TV QLED") và OLED. Để phân biệt hai công nghệ này bạn đọc có thể xem lại bài của VnReview tại đâyđây. Và rõ ràng chúng ta gần như gắn liền Samsung với QLED, trong khi OLED thì ngoài LG Electronics đang đi đầu, còn được nhiều hãng khác chọn như Sony, Panasonic, Toshiba... Theo LG Display công bố thì có khoảng hơn 15 công ty. Tại sao lại như vậy?

Một báo cáo mới đây của CINNO Research cho hay, Samsung đang gần như "solo" trong việc kinh doanh TV QLED. Từng có nhiều hãng khác cũng tham gia, nhưng họ đều gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng, một số thậm chí đã nhảy sang khối OLED của LG. Ngoại trừ Samsung Electronics, hầu hết doanh số của các nhà cung cấp còn lại đều giảm. Công ty TP Vision (thuộc sở hữu tập đoàn TPV Technology, Đài Loan) đã bắt đầu bán TV QLED vào quý cuối năm 2017 và quý đầu năm 2018. Tuy nhiên kể từ quý 2 năm ngoái, họ đã dừng và chuyển sang OLED. TP Vision đang bán TV dưới thương hiệu Philips, trả phí bản quyền hàng năm cho công ty.

Doanh số TV QLED của TCL đã giảm hơn một nửa

Một trường hợp khác là Konka (Trung Quốc). Bắt đầu sản xuất TV QLED vào nửa cuối năm 2017, nhưng đã ngừng vào quý IV năm ngoái do doanh số èo uột. Năm 2017, tổng doanh số là 2.300 chiếc, sang năm 2018, giảm xuống 1.600 chiếc. Hiện tại, hãng vẫn đang kinh doanh TV OLED bên cạnh các dòng sản phẩm cũ. TCL đã bán được 100.500 TV QLED trong năm 2017, sau đó giảm hơn một nửa còn 45.400 chiếc trong năm 2018. Một ông lớn khác là Hisense, hãng TV lớn nhất Trung Quốc và Úc, xếp thứ tư thế giới. Doanh số đã giảm từ 14.500 trong năm 2017 xuống còn 2.800 trong năm 2018, mức giảm lên đến 80%.

Cuối cùng, Hisense đành tung ra TV OLED đầu tiên ở Úc và trong năm nay sẽ mang về thị trường quê nhà. Bước chuyển của Hisense gây chú ý vì họ là một trong năm tên tuổi lớn nhảy từ QLED sang OLED. TCL thì vẫn đang ở bên Samsung đối đầu với LG và Sony khối OLED, tuy nhiên doanh số của họ lại giảm mạnh. Một hãng khác là Vizio (Mỹ) bán được 400 chiếc năm 2017, đến 2018 đã tăng lên 3.500 chiếc. Nhưng đứng trước xu hướng thị trường, công ty có vẻ sắp chuyển sang OLED theo nguồn tin ngành công nghiệp.

Samsung Electronics, công ty dẫn đầu khối QLED, đã đạt tăng trưởng doanh số đáng kể. Họ bán được hơn 1,6 triệu TV QLED năm 2017 và gần 2,6 triệu trong năm 2018. Có thể thấy rằng chiến lược mở rộng doanh số bán hàng thông qua giảm giá vào năm ngoái đã có hiệu quả. Nhưng kết quả này cũng không thay đổi được thực tế, gần như chỉ có TV Samsung bán được, các hãng khác đều không thành công khi đi theo QLED.

Hiện tại, Samsung gần như là hãng duy nhất thành công với TV QLED, một phần nhờ vào chiến lược giảm giá

Điều này trái ngược với phía OLED, mặc dù LG Electronics dẫn đầu nhưng Sony và Panasonic vẫn có chỗ đứng nhất định. Thậm chí Sony không ít lần "cháy hàng" và phải đề nghị LG Display giao thêm nhiều tấm nền hơn nữa. Nhờ bán TV OLED, lợi nhuận ngành hàng truyền hình của công ty "lên như diều gặp gió". Đứng trước nhu cầu tăng cao, LG Display phải chạy hết công suất các nhà máy và sắp tới sẽ đi vào vận hành một cơ sở ở Quảng Châu, Trung Quốc. Sau khi ổn định, dây chuyền mới sẽ cung cấp thêm tấm nền OLED cho các công ty địa phương và cả Sony. Việc này càng củng cố thêm khối OLED và sớm muộn, sẽ đánh bại QLED trên phân khúc truyền hình cao cấp.

Công nghệ QD-LCD đã thất bại trong việc kéo khách hàng ra khỏi sự hấp dẫn của OLED. Nhiều công ty nằm trong chuỗi cung ứng đang tìm cách tự cứu mình. Các nhà sản xuất vật liệu chấm lượng tử trong và ngoài nước, không tham gia chuỗi cung ứng sản xuất TV Samsung, đặt cược vào thị trường màn hình phục vụ gaming. Họ kỳ vọng kết hợp chấm lượng tử với tấm nền LCD sẽ cải thiện hình ảnh khi chơi trò chơi. Một lợi thế quan trọng là rất ít màn hình máy tính dùng công nghệ OLED. Dù vậy, quy mô vẫn nhỏ hơn thị trường truyền hình nên rất khó bùng nổ nhu cầu.


Ambitious Man

Chủ đề khác