VnReview
Hà Nội

Người tiêu dùng có còn "mặn mà" với smartphone Huawei không khi Google dừng hỗ trợ dịch vụ?

Huawei sẽ phải làm gì để thuyết phục người tiêu dùng mua smartphone của hãng khi không còn hỗ trợ dịch vụ Google? Đây chính là câu hỏi mà Huawei sẽ phải tìm cách trả lời ngay từ bây giờ.

Theo tờ South China Morning Post, động thái của Google được cho nhằm tuân thủ sắc lệnh hành pháp mới đây của tổng thống Trump khi liệt Huawei vào trong danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ, đặc biệt cấm các công ty Mỹ hợp tác với Huawei khi chưa được phép của chính phủ. Không chỉ Google, sau đó còn có hàng loạt các công ty như Qualcomm, Intel, Broadcomm cũng được cho đã dừng hợp tác với Huawei.

Giới phân tích lo ngại rằng, Huawei chỉ là điểm khởi đầu của một cuộc chiến tranh lạnh quy mô lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng đáng buồn thay, Huawei lại đen đủi rơi vào trong tâm bão.

Google dừng hợp tác với Huawei cũng đồng nghĩa với việc nhiều mẫu smartphone sắp tới của Huawei sẽ không còn hỗ trợ một số dịch vụ của Google như cửa hàng Play Store, các dịch vụ Gmail, YouTube. Tuy nhiên theo đại diện Google xác nhận mới đây, các mẫu smartphone Huawei hiện tại vẫn sẽ hỗ trợ dịch vụ như thường.

Đó là chưa kể Huawei được cho đã âm thầm phát triển hệ điều hành riêng nhằm đối phó với nguy cơ bị chính phủ Mỹ cấm vận. Cũng bởi lý do này mà Huawei có lý do để không phải sợ hãi trong lúc này. Trong diễn biến mới nhất, Mỹ cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với Huawei nhưng chỉ là tạm thời trong vòng 3 tháng.

Người dùng có e sợ viễn cảnh smartphone Huawei không chạy nền tảng Android?

Câu trả lời là có nhưng nếu biết cách giải quyết và trả lời thay khúc mắc này cho khách hàng, Huawei có thể sẽ vượt qua sóng gió thành công.

Kiranjeet Kaur, giám đốc nghiên cứu cao cấp của IDC tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết: "Đây chính xác là một cơn ác mộng tồi tệ nhất mà một công ty có thể tưởng tượng ra khi chuỗi cung ứng của họ hoàn toàn bị phá vỡ. Huawei có thể tiếp tục với dự án mã nguồn mở và xây dựng các ứng dụng và dịch vụ của riêng mình nhưng tất nhiên mọi thứ đâu dễ dàng xuất hiện sau một đêm".

Kaur cho biết thêm, Huawei đã và đang đạt doanh số ấn tượng tại nhiều quốc gia với các dòng smartphone của mình, ví dụ như Nova hay P-series. Tuy nhiên sau thông tin trên, rất có thể doanh số và nhu cầu mua smartphone Huawei sẽ giảm mạnh, bất chấp một số model hiện tại vẫn sẽ chạy Android và hỗ trợ dịch vụ Google như thường. Đơn giản bởi tâm lý e sợ của đám đông khi cho rằng, smartphone của họ trong tương lai có thể không còn nhận được bản cập nhật Android nữa.

Trong tuyên bố phát đi sau đó, đại diện Huawei chia sẻ: "Huawei đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển và tăng trưởng của hệ điều hành Android trên toàn thế giới. Là một trong những đối tác toàn cầu quan trọng của Android, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với nền tảng mã nguồn mở của họ để phát triển một hệ sinh thái có lợi cho cả người dùng và ngành công nghiệp di động.

Huawei sẽ tiếp tục cung cấp các bản cập nhật bảo mật và dịch vụ hậu mãi cho tất cả các sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính bảng Huawei và Honor hiện có, bao gồm những sản phẩm đã được bán hoặc vẫn còn tồn kho trên toàn cầu".

Tất nhiên tuyên bố trên chỉ là giải pháp xoa dịu hiện thời. Nhưng trong tương lai, người dùng smartphone Huawei gần như sẽ khó có thể nhận được các bản cập nhật Android mới nhất do Google đã dừng cấp phép hệ điều hành.

Như đã nói ở trên, Huawei từng khẳng định đang tự phát triển một hệ điều hành độc quyền mới để ngăn chặn khả năng bị Mỹ cấm sử dụng nền tảng Android. Và lo ngại đó đã xảy ra. Chỉ có điều không ai rõ phiên bản hệ điều hành mà Huawei đang phát triển sẽ như thế nào.

Không rõ "kế hoạch B" của Huawei có phải là một phiên bản Android mã nguồn mở giống thị trường Trung Quốc hay không? Đặc điểm của phiên bản này là không có Play Store và một số dịch vụ của Google. Tất nhiên đây không phải là trở ngại lớn đối với người dân Trung Quốc nhưng sẽ là mối lo hàng đầu nếu sản phẩm được bán ra trên toàn cầu. Hiện tại người dùng tai nhiều nước tại Châu Á và Châu Âu gần như đã quá quen với các dịch vụ của Google và việc thiếu chúng sẽ trở thành trở ngại lớn trong việc tiếp cận khách hàng của smartphone Huawei.

Jean Baptiste Su, nhà phân tích thuộc công ty tư vấn Atherton Research cho biết, Huawei có thể giảm thiểu tác động trên bằng cách hợp tác với các công ty nước ngoài khác để cung cấp các ứng dụng quen thuộc.

Su khẳng định: "Huawei có thể tiếp tục bán smartphone bên ngoài Trung Quốc nhưng chỉ khi smartphone của họ chạy phiên bản Android mã nguồn mở của riêng họ. Nhưng bên cạnh đó, các thiết bị của Huawei và Honor sẽ cần phải tốt hơn và rẻ hơn nhiều so với Samsung hoặc các thương hiệu Trung Quốc khác như Oppo, Xiaomi và OnePlus thì mới có thể thuyết phục người tiêu dùng mua thiết bị của họ khi không còn kho ứng dụng của Google".

Theo dữ liệu của IDC trong năm 2018, Huawei đã bán được tổng cộng 206 triệu chiếc smartphone, trong đó 105 triệu chiếc được bán tại Trung Quốc. Điều đó cũng đồng nghĩa sẽ có ít nhất khoảng một nửa lượng smartphone xuất xưởng của Huawei sẽ chịu ảnh hưởng do không còn hỗ trợ dịch vụ của Google.

Huawei đang rơi vào tình trạng tương tự như ZTE khi phải đối mặt với lệnh cấm của chính phủ Mỹ hồi năm ngoái sau khi bị phát hiện vi phạm các điều khoản trừng phạt của Mỹ với Iran. Tuy nhiên khác với ZTE, Huawei có thể tự chủ được nguồn cung linh kiện, đặc biệt là chip nên không lo tới vấn đề phải ngừng dây chuyền sản xuất. Đó là chưa kể, hãng đã kịp thời tích trữ đủ linh kiện để sử dụng trong ít nhất 3 tháng trước khi có những diễn biến mới.

Tiến Thanh

Chủ đề khác