VnReview
Hà Nội

Đây là những thị trường smartphone Huawei phải đau đầu nhất vì lệnh cấm của Mỹ

Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi sẽ là những thị trường chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ nhất sau khi giấy phép tạm dừng sắc lệnh của Bộ thương mại Mỹ áp đặt lên Huawei hết hiệu lực.

Huawei hiện là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới mặc dù thực tế không có sản phẩm smartphone nào của hãng được bán tại Mỹ. Tuy nhiên đó không phải là điều Huawei quan tâm vì những thị trường trọng điểm của hãng nằm ở ngoài nước Mỹ.

Nhưng điều này có thể sớm thay đổi sau sắc lệnh của chính quyền tổng thống Trump khi cấm các công ty Mỹ hợp tác với Huawei. Chỉ mới tuần trước, Google đã chính thức rút giấy phép Android của Huawei, qua đó những sản phẩm của hãng trong tương lai sẽ không nhận được sự hỗ trợ từ các dịch vụ của Google như kho ứng dụng Play Store, Gmail, YouTube…

Điều này có thể không gây tác động với các thị trường không sử dụng hệ sinh thái của Google như Trung Quốc nhưng sẽ là tai hại đối với thị trường quốc tế.

Theo dữ liệu của hãng phân tích Canalys, thị trường mục tiêu nhắm đến của Huawei trước nay vẫn là Trung Quốc, nơi chiếm đến 32,95% doanh số thị phần trong Q1/2019. Nhưng các thị trường khác cũng đang cho thấy vai trò ngày càng quan trọng không kém.

Cụ thể, Huawei đang có thị phần đáng kể ở các thị trường như Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi với 23,3% thị phần. Trong khi đó, Huawei cũng có 19% thị phần tại thị trường Mỹ La Tinh và 6,4% tại Châu Á – Thái Bình Dương. Tính riêng tại Bắc Mỹ, hãng chỉ có vỏn vẹn 0,3%.

Trở lại vấn đề ban đầu, việc Google ngừng cấp phép dịch vụ cho Huawei cũng đồng nghĩa với việc nhiều dịch vụ như Play Store, YouTube, Gmail sẽ dừng hoạt động trên các sản phẩm của hãng trong tương lai. Còn hiện tại, tất cả máy đã bán ra hoặc đang lưu kho vẫn sẽ hỗ trơ đầy đủ dịch vụ của Google.

Mặc dù Google đã lên tiếng xác nhận thông tin trên nhưng rõ ràng tâm lý lo ngại về việc những chiếc smartphone Huawei không còn được nhận các bản vá bảo mật hoặc phiên bản hệ điều hành mới sẽ khiến doanh số bán smartphone của hãng tại các thị trường này suy giảm mạnh. Bởi lẽ người dùng tại các thị trường trên đều đang phụ thuộc khá nhiều vào các trải nghiệm trong hệ sinh thái của Google.

Ngay cả khi Huawei cho biết, công ty đã âm thầm phát triển hệ điều hành riêng và; kho ứng dụng App Gallery cho di động thì rõ ràng việc làm quen với những điều mới mẻ sẽ không hề đơn giản. Theo nguồn tin của Bloomberg, Huawei đã yêu cầu các nhà phát triển viết ứng dụng riêng cho kho ứng dụng App Gallery của hãng từ năm 2018. Mục đích của hành động này nhằm tránh nguy cơ bị chính phủ Mỹ gây sức ép và chuẩn bị cơ sở tốt nhất nếu trường hợp bị Google bỏ rơi giữa đường.

Thậm chí Huawei còn đàm phán với các nhà mạng Châu Âu về việc chia sẻ doanh thu nếu họ tích cực quảng bá nhiều hơn nữa về kho ứng dụng App Gallery trên smartphone Huawei.

Mới đây Bộ thương mại Mỹ đã quyết định gia hạn lệnh cấm khi cho phép Google tiếp tục duy trì và cung cấp các bản cập nhật cho smartphone Huawei tới ngày 19/8. Khoảng thời gian từ nay tới lúc đó sẽ là lúc để Huawei và Google cùng hợp tác tìm giải pháp bảo vệ khách hàng. Đồng thời khoảng ngắt quãng này sẽ rất quan trọng nếu như Mỹ và Trung Quốc tìm được tiếng nói chung trên bàn đàm phán thương mại.

Tiến Thanh

Chủ đề khác